Tá hỏa trước mẹ chồng… mau nước mắt

Việt An,
Chia sẻ

Chỉ cần làm một việc gì nhỏ trái ý mẹ chồng hoặc có sự hiểu lầm vô cớ nào đó là y rằng mẹ chồng liền nước mắt ngắn nước mắt dài khiến cả con trai lẫn con dâu phải lúng túng.

Không hiểu nổi nước mắt của mẹ

Vợ chồng anh Hiếu chị Hoài ở Hoàng Mai mới cưới nhau được gần một năm. Do chưa có điều kiện ra ở riêng nên anh chị sống cùng nhà với bố mẹ chồng. Mẹ anh Hiếu vốn làm kinh doanh nên khá hoạt bát và rắn tính. Nhưng không hiểu sao, từ lúc có con dâu về nhà. Bà mẹ chồng bỗng sinh ra… “trái tính trái nết”.

Có đối tác đến trao đổi công việc hợp tác kinh doanh mặt hàng thời trang mới, vì là phó phòng kinh doanh nên chị Hoài có trách nhiệm phải đi tiếp khách kết hợp bàn phương án hợp tác cùng với Giám đốc. Giám đốc khá kỹ tính nên chị không làm cách nào để gọi điện về nhà, chị Hoài đành nhắn tin vào điện thoại của mẹ chồng báo tối không về ăn cơm và nhờ mẹ đi chợ mua thức ăn giúp, đợi anh Hiếu đi làm về sẽ nấu cơm tối. Ai dè, khi vừa về đến cửa, mẹ chồng trông thấy chị đã nước mắt ròng ròng. Bà nói: “Không ăn thì cũng phải gọi điện về nhà một tiếng chứ. Đến mãi trời tối thẳm mới thấy chị nhắn tin. Chị định để mẹ chồng nhịn đói đây mà…”. Anh Hiếu rỉ tai vợ: “Em làm mẹ giận rồi. Tối nay mẹ bỏ cơm đấy. Mau xin lỗi mẹ đi”. Sau một hồi phân bua giải thích nguyên nhân không thể gọi điện thoại được với mẹ chồng, bà mới lau nước mắt vào buồng nằm. Chị Hoài được một phen hoảng hồn.


Con dâu không gọi điện về, mẹ chồng khóc và bảo bỏ đói mẹ chồng.

Không chỉ với con dâu mà ngay cả với con trai, mẹ chồng chị cũng trở nên nhạy cảm bất thường. Vào bữa cơm, ngồi gần vợ hơn nên anh Hiếu tiện tay rót cốc bia đưa cho vợ trước. Anh rót cốc thứ hai đưa cho mẹ. Bất thình lình, mẹ anh đặt mạnh cốc bia xuống bàn rồi khóc lóc: “Tôi cho anh cưới vợ, tôi mất con rồi, tôi khổ quá. Trời ơi là trời. Anh nghĩ đến vợ anh chán chê rồi mới nhìn ra mẹ mình. Thế này, nửa đêm nếu tôi trúng gió thì anh bỏ mặc tôi đến chết mất. Tôi không muốn sống nữa”. Vợ chồng anh chị phải ra sức dỗ dành thì bà mới tiếp tục ăn cơm. Cả nhà ăn bữa tối mà không dám nhìn thẳng mặt nhau đầy ngượng ngùng.

Cùng cảnh ngộ, chị Thu ở Hà Đông kể về chuyện mẹ chồng hay khóc. “Động một tí là mẹ khóc. Nhiều lúc biết nguyên nhân khiến mẹ giận thì vợ chồng tôi ra sức giải thích và an ủi mẹ. Nhưng cũng có khi chẳng hiểu vì sao mẹ khóc”. Thậm chí, vợ chồng chị còn xấu hổ với hàng xóm vì họ tưởng lầm vợ chồng chị đối xử bạc ác làm mẹ tủi thân. Có lúc đứa con gái bốn tuổi của chị nói với mẹ: “Mẹ ơi, bà nội khóc giống cu Bi nhà mình quá.” Chị tần ngần không biết nói gì với con lúc đó để con hiểu vấn đề.

Nỗi buồn của con cái

Chị Thu buồn bã tâm sự: Mẹ chồng chị khóc nhiều hơn cả hai đứa con nhỏ của chị. Hầu như tuần nào cũng có vài lần mẹ chồng chị rơi nước mắt vì những việc chẳng đâu ra đâu hoặc do mẹ chồng chị tự suy diễn ra. Thậm chí, hội phụ nữ của phường còn có ý kiến với chị về cung cách vợ chồng chị đối xử với mẹ chưa phù hợp khiến cho mẹ già buồn bã.

Hai vợ chồng chị đã nói chuyện với nhau. Cả hai vợ chồng đều là trí thức, cư xử có văn hóa. Anh chị đã cố gắng ý tứ hơn trong lời ăn tiếng nói và mọi hoạt động để không khiến mẹ tự ái. Anh chị đã vài lần nói chuyện thẳng thắn và tình cảm với mẹ để gia đình trở nên hòa hợp hơn. Thế nhưng mọi nỗ lực của vợ chồng chị không thể “đấu” lại được sự nhạy cảm thái quá của mẹ chồng. Lâu dần cũng thành quen. Hai vợ chồng chị đành sống trong cảnh “đẫm nước mắt của mẹ”. Điều này khiến cho anh chị luôn cảm thấy có lỗi nhưng chẳng tìm ra cách để hóa giải sự việc.

Vợ chồng anh Hiếu năng thể hiện tình cảm thật lòng với mẹ nên mẹ anh cũng bớt khóc hơn trước.

Cùng chung cảm xúc, chị Hoài nói: “Nhà tôi có dớp hay sao ấy. Chị gái tôi đi lấy chồng cũng gặp phải bà mẹ chồng khóc nhiều hơn nói. Giờ tôi cũng sa vào hoàn cảnh nói một câu phải uốn lưỡi quá bảy lần, kẻo làm mẹ giận. Sống thế này mệt mỏi lắm”.

Chị Hoài đã bàn với chồng dọn ra ở riêng. Anh Hiếu vừa xin phép mẹ ra ở riêng là mẹ khóc như mưa đòi tự vẫn. Thế là anh chị không bao giờ dám nhắc lại chuyện này nữa.

Anh Hiếu năng mua quần áo và đồ bổ dưỡng để mẹ dùng cho mẹ thấy tình cảm thật lòng của vợ chồng anh với mẹ. Nhờ đó, mẹ anh cũng bớt khóc hơn trước. Dầu vậy, sự nhạy cảm của mẹ không dễ được bù đắp. Thế nên hai vợ chồng chị thỉnh thoảng vẫn chịu tiếng oan là “cưới vợ quên mẹ”.

Nước mắt không chỉ khiến cho mẹ chồng trở nên yếu đuối mà còn làm cho con cái trở nên buồn bã và cảm thấy có lỗi vì làm mẹ chồng giận. Thậm chí, đôi lúc, họ chẳng hề làm gì sai mà nước mắt của mẹ vẫn rơi… vì con.
Chia sẻ