Sống thử – niềm hạnh phúc và những nỗi âu lo

,
Chia sẻ

Đánh giá lại quyết định chung sống trong thời gian chung sống ba năm chỉ có 39% cho rằng mình quyết định đúng, còn lại hơn 60% thì cho là một quyết định vội vàng, và hoàn cảnh lôi cuốn…

Sở Khoa học Công nghệ Tp.HCM đã nghiệm thu đề tài nghiên cứu “Hiện tượng chung sống trước hôn nhân của giới trẻ độc thân tại Tp.HCM trong mối quan hệ với độ ổn định của gia đình trẻ” do ThS. Lưu Phương Thảo làm chủ nhiệm. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một bài viết:
 
Nguyên nhân chung sống: vì tình yêu

Lối sống đô thị, lối sống trong một thành phố lớn mà sự vô danh, cũng như không có sự kiểm soát của gia đình và cộng đồng đã mang đến cho họ – những người nhập cư nhiều thuận lợi hơn, nhất là đối với những người chung sống trước hôn nhân, mà chưa kết hôn trong khuôn mẫu của pháp luật. Họ không cần phải có những ràng buộc, những sự lệ thuộc hay trách nhiệm với nhau. Họ không cần lao vào những vũng lầy của sự ly hôn, không có phân chia tài sản, hay phân chia con cái.

Mái nhà trọ - nơi họ dừng chân trú ngụ sau một ngày mệt mỏi, hay có lẽ chính cái khả năng hiện hữu của tình yêu giúp cho nhịp sống của họ có phần ý nghĩa và hạnh phúc hơn, cuộc sống vất vả cơ cực của họ có chất lượng hơn và thăng hoa hơn chăng? Tình yêu như là những gam màu sắc tươi sáng tương phản cho bức tranh lao động mệt mỏi mà cuộc sống khó khăn nơi đô thị đem lại cho họ – những người công nhân nhập cư, những sinh viên xa nhà, những trí thức trẻ trên bước đường mưu sinh lập nghiệp…



Trong cuộc khảo sát của chúng tôi, nguyên nhân chủ yếu đã dẫn đến quyết định cùng chung sống với nhau đều là do “tình yêu” quyết định, nhưng những yếu tố “vì chưa có điều kiện để kết hôn” với nhau và yếu tố “xa nhà, cô đơn” cũng đã góp phần không nhỏ vào việc chung sống với nhau. Nhóm trí thức nhân viên văn phòng là nhóm nhấn mạnh vào yếu tố tình yêu nhiều nhất với 80% lựa chọn nguyên nhân chung sống là vì yêu nhau… Nhóm công nhân và buôn bán nguyên nhân chung sống vì tình yêu là hơn 60%. Và nguyên nhân quan trọng thứ hai mà các nhóm nghề đều lựa chọn là vì chưa có điều kiện kết hôn với nhau: 41%.

Trong tổng số những người được hỏi có 54,4% đã từng có thai ngoài ý muốn. Trong đó tỷ lệ nhóm công nhân bị vỡ kế hoạch là rất cao 68%; nhóm buôn bán là 60,6%, và nhóm viên chức, trí thức văn phòng là 38,8%, rất nhiều người bị vỡ kế hoạch không chỉ một lần mà những hai lần, ba lần… Đây là con số đáng báo động.

Thời gian chung sống làm giảm mức độ hài lòng

Hầu như lúc mới chung sống, những cảm nhận về hoàn cảnh của các đôi bạn có phần tích cực và vui vẻ hơn, nhưng chung sống càng lâu những cảm nhận tích cực càng thấp dần. Đánh giá lại quyết định cùng chung sống của mình trong thời gian chung sống ba năm chỉ có 39% cho rằng mình quyết định đúng, còn lại hơn 60% thì cho rằng đó là một quyết định vội vàng, và do hoàn cảnh lôi cuốn…

Lòng tin vào độ bền vững của cuộc sống chung giảm dần theo thời gian chung sống, từ 1 đến hai năm là 58%, nhưng khi chung sống trên 3 năm thì tỷ lệ giảm xuống 33,3%, và tương tự tỷ lệ “không biết được tương lai” thì tăng lên khi năm tháng sống cạnh nhau dài thêm. Từ 1 năm đến hai năm thì mức độ không biết được tương lai là 37,5% nhưng khi sống chung trên 3 năm trở lên thì mức độ không biết trước được tương lai lên 58,8%. Nói một cách khác càng chung sống lâu dài thì tỷ lệ vững tin vào sự bền vững của việc sống chung ít đi, và tỷ lệ không biết được tương lai thì tăng lên.

Tỷ lệ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc ở nữ cũng rất kém, 37% nữ cảm thấy vui và hạnh phúc, tỷ lệ này ở nam giới là 46,8%. Và cảm giác có nhiều nỗi lo ở nữ là 47,9%.

Những háo hức của tình yêu và hạnh phúc của thuở ban đầu đã nhường chỗ cho những lo âu cơm áo gạo tiền hàng ngày. Nỗi khó khăn của việc làm chưa ổn định, cảnh sống tạm bợ trong những phòng trọ chật hẹp, ẩm thấp, thiếu thốn tiện nghi làm cho cuộc sống chung kém phần phấn khởi, những khoảng chi tiêu cho tiền chợ, ăn uống, điện nước, phòng trọ… và phải dành dụm tiền tiết kiệm để gửi về quê nhà. Hoàn cảnh thực tế, những âu lo toan tính khiến cho tình yêu dần biến mất và nhường lại cho những sự va chạm cãi cọ.

Nhiều đôi bạn chung sống trước hôn nhân cảm thấy không được tin tưởng lắm trong tương lai của cuộc sống chung; có nhiều người cũng cảm thấy bất an, không ổn, có thể sẽ phải chia tay. Như vậy cuộc sống chung của các “gia đình trẻ” hiện nay của những đôi bạn đang chung sống, hạnh phúc của họ dao động, đong đưa giữa niềm vui và những nỗi lo toan. Nhiều người trong số họ đã cảm thấy quyết định của mình là sai lầm, hấp tấp, và cảm thấy hối hận. Chính họ là những người trong cuộc lại có một lời khuyên rằng “các bạn trẻ đừng nên sống chung trước hôn nhân”, hay là “hãy cưới nhau, hãy đăng ký kết hôn rồi hãy sống chung”, rằng hãy “suy nghĩ cho thật kỹ trước khi quyết định để không phải hối tiếc”… Và cái khả năng làm lại cuộc đời, cái khả năng yêu thêm một lần khác và kết hôn cũng không phải dễ dàng, nhất là đối với các cô gái trẻ, nếu như họ đã từng chung sống trước hôn nhân. Xã hội dù đang hiện đại hóa, đô thị hóa, nhưng vốn mang nặng truyền thống của phương Đông, của Nho giáo. Xã hội vẫn còn đề cao những giá trị phẩm hạnh và trinh tiết của phụ nữ. Đó là những nghịch lý, những mâu thuẫn và không bình đẳng, trong một xã hội đang giao thoa cũ mới, đang phát triển rất tiến bộ, với những bước tiến của công nghiệp hóa, của công nghệ thông tin, của thời hội nhập kinh tế thị trường, trong một bối cảnh toàn cầu hoá.

Không đủ bản lĩnh đương đầu với dư luận

Dám yêu, dám sống nhưng giới trẻ sống chung chưa đủ bản lĩnh đương đầu với dư luận. Cuộc sống lén lút, lầm lũi đối với người trong cuộc. Chính vì vậy mà tỷ lệ cảm thấy được hạnh phúc lại không cao nhất là ở phía những bạn gái. Thực tế họ không đủ tự tin để cho rằng mình đã lựa chọn đúng. Dù họ thấy rằng nhu cầu được chung sống là một nhu cầu chính đáng và xuất phát từ tình yêu, nhưng họ vẫn cảm thấy rằng việc chung sống là chưa ổn, đó không phải là điều gì xấu nhưng thật sự là chưa tốt. Chính vì thế mà vẫn phải lén lút, vẫn không dám công khai. Nếu họ cho rằng tình yêu thật sự là đẹp đẽ, thật sự là chính đáng, thì họ phải dám công khai và họ phải cảm thấy mình rất hạnh phúc

Nhu cầu được chung sống với người mình yêu là một nhu cầu chính đáng của giới trẻ, đại đa số họ đến với nhau bằng tình yêu, và ban đầu họ có sự nghiêm túc trách nhiệm, nhưng cuộc sống còn có quá nhiều khó khăn, khiến cho tình yêu vốn dĩ là những tình cảm rất tốt đẹp, rất đáng giá, rất đáng trân trọng lại trở nên tầm thường vì không được nhìn nhận, không được công khai hóa, và trở thành thiếu gắn bó, thiếu ổn định. Bản chất của tình yêu cũng cần thiết sự công khai. Nếu tình yêu không đủ sức lớn mạnh lên thành trách nhiệm đối với nhau suốt đời trong cuộc hôn nhân chính thức hợp pháp lâu dài, thì tình yêu cũng sẽ phôi pha.

Sau cùng vẫn là sự lựa chọn và quyết định của những người trong cuộc, dám bảo vệ tình yêu của mình và dành cho nó những giá trị trân trọng, quý báu, thiêng liêng.

Theo ThS. Lưu Phương Thảo
Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ
Chia sẻ