Sòng phẳng

Theo PNO,
Chia sẻ

Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát mới nghe qua tưởng đơn giản nhưng thực sự, để giải quyết vấn đề theo lời dạy của người xưa vô cùng phức tạp, gây nên bao điều mâu thuẫn trong cuộc sống, ngay cả trong mối quan hệ thân thuộc là người trong gia đình.

Có hai câu chuyện.

Chuyện thứ nhất

Mẹ chồng là chủ một doanh nghiệp tư nhân đang trong thời kỳ làm ăn thịnh vượng. Không thể phủ nhận vai trò của nàng dâu trong việc phụ quán xuyến cơ ngơi cho mẹ chồng với nhiệm vụ kế toán. Mẹ chồng luôn ca ngợi nàng dâu không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn lanh lợi trong cách xử lý tình huống, nhất là về tài ngoại giao. Về phía nàng dâu, cô cũng rất biết ơn mẹ chồng vì bà đã lo cả gia đình cô từ việc xây cho một ngôi nhà sát cạnh nhà mẹ chồng đến việc học hành của hai đứa con, cả việc ăn uống. Nói chung là, mẹ chồng bao cấp hết thảy mọi sinh hoạt cho gia đình cô từ việc trả tiền điện, nước đến tiền học thêm của hai cháu nội...

Tuy nhiên, cô dâu vẫn thấy có chút buồn, không thoải mái bởi cô làm việc không được... trả lương! Một kiểu làm việc gia đình, không rõ ràng trong vấn đề lương bổng: cô làm cho mẹ, mẹ nuôi gia đình cô; điều này khiến cô cảm thấy mình vẫn chưa có gì trong sự nghiệp riêng, đi làm như không đi làm, bất cứ lúc nào cũng phải túc trực để mẹ chồng sai bảo dù sớm khuya; và, cô mong muốn được đi làm ở một nơi nào khác (tất nhiên điều này sẽ rất khó thực hiện vì mẹ chồng sẽ không chịu). Cô còn cho rằng, dù gắng hết sức làm việc cho mẹ chồng, nhưng chắc chắn sau này cô sẽ không được bà chỉ định quản lý doanh nghiệp vì gia đình còn đến ba anh em. Thêm nữa, chồng cô, một người nghiên cứu khoa học, anh không quan tâm lắm đến việc làm ăn của mẹ. Theo ý cô, thà mẹ chồng trả lương ít hơn số tiền bà chi cho cả gia đình cô hàng tháng, nhưng rõ ràng, minh bạch, điều đó còn làm cho chồng cô phải cố gắng hơn trong việc kiếm tiền, không ỷ lại vào mẹ...

Và như thế, mỗi khi nghe mẹ chồng khoe với mọi người rằng, con dâu làm việc cho bà, bà nuôi cả gia đình cô từ sữa cho con cô đến cái áo sơ mi của chồng cô bà cũng sắm cho... Cô luôn cảm thấy không hài lòng!
 

Chuyện thứ hai

Hai vợ chồng trẻ, trước khi cưới nhau cô vợ bán thịt heo ở chợ (có mẹ phụ), chồng làm nghề in lụa. Sau khi có con, xưởng in ế ẩm, anh chồng trẻ ra chợ phụ vợ buôn bán, bà ngoại ở nhà chăm con giúp. Bạn hàng ở chợ ai cũng công nhận rằng từ ngày có anh chồng, hàng đông khách hơn bởi anh chồng vui tính, làm nhanh nhẹn, đâu ra đó. Có bàn tay đàn ông thấy khác ngay, hàng thịt “lên đời”. Chiếc bàn thấp để dưới đất được thay bằng chiếc bàn cao, có bánh xe đẩy. Cô vợ không còn ngồi trên cái đòn nữa mà đứng bán. Anh chồng ngồi dưới đất pha thịt, hay chặt xương, thỉnh thoảng đứng lên xay thịt cho khách. Bài trí hàng hóa hợp lý, thuận tiện hơn, có vẻ… hoành tráng, cách bán hàng nhanh chóng, không ai phải đợi lâu.

Đang ăn nên làm ra bỗng một hôm vợ chồng cãi nhau, nghỉ bán cả tuần lễ. Mới hay, gia đình trẻ lủng củng nội bộ vì chuyện tiền bạc. Hôm nọ anh chồng cần tiền đi sửa xe, hỏi xin, vợ cằn nhằn, đưa nhỏ giọt. Chồng hỏi, ai phụ buôn bán? Chồng không làm nghề in nữa làm gì có tiền? Chuyện vậy mà thành to. Chồng giận tuyên bố “Kiếm ai phụ thì kiếm, ta đi làm việc khác”. Và, anh đi thật! Vợ cũng không vừa liền thuê người phụ, lương trả 1,5 triệu một tháng, làm việc từ 5h – 10h sáng. 

Dở làm sao, người phụ không được ưng ý như… chồng! Dọn hàng từ mờ sáng mà loay hoay mãi đến sáng rỡ thịt vẫn chưa pha xong, giò heo bỏ cả mớ chưa kịp làm, khách đến đợi lâu bỏ đi… Được 1 tuần, người phụ xin nghỉ vì bị “bà chủ” la quá do làm không đạt yêu cầu!

Thấy con cái lục đục, gia đình cha mẹ hai bên họp khẩn cấp. "Nghị quyết" cuối cùng gút lại các điều sau:

- Vợ phải trả lương hàng tháng sòng phẳng để chồng có tiền dằn túi ra đường đổ xăng, xẹp bánh xe có tiền vá, đạp bánh tráng… có tiền đền. Mức lương ít hơn trả cho người ngoài, phần ít hơn đó coi như công sức đóng góp của chồng.

- Vợ không được cằn nhằn mỗi khi chồng cần chi tiền vào việc gì có lý do chính đáng. Cũng không được nói lời nặng nhẹ khi buôn bán làm chồng tự ái, nổi quạu!

- Vợ chồng phải chí thú làm ăn, để giành tiền nuôi con và kế hoạch lớn là xây nhà ra riêng.
 
 

"Nghị quyết" bất thành văn vậy mà hay! Anh chồng trẻ thấy thoải mái vì có tiền dằn túi không phải ngửa tay xin vợ từng đồng, còn gặp phải cái mặt nhăn như bị của vợ. Cô vợ cũng thấy vui vì có thể “sai bảo” anh chồng mà không gặp phản ứng mạnh mỗi khi không vừa ý.

Hàng thịt lại đông đảo khách hàng như xưa bởi tính vui vẻ, lại thêm những câu chuyện tiếu lâm của anh chồng.

Hai câu chuyện không thể đại diện cho nhiều vấn đề về cách giải quyết việc tiền bạc phải phân minh; nhưng rõ ràng, trong kinh doanh, có lúc cần phải sòng phẳng ngay cả với người trong gia đình. Bất cứ người lao động nào khi bỏ công sức ra làm việc đều mong được một sự đãi ngộ tương xứng, rõ ràng, mình bạch. Và gia đình không là một ngoại lệ!

Chia sẻ