Phát ngốt vì vợ có “máu nghệ sỹ”

Maruko,
Chia sẻ

Anh Quang yêu, lấy vợ cũng vì bản tính lãng mạn, mong manh và sự nhạy cảm của chị Thùy. Nhưng sống với chị, anh bỗng thấy thực sự mệt mỏi.

Thời sinh viên, anh Quang yêu cái vẻ bay bay, mơ màng của vợ. Chị Thùy đẹp, chơi piano giỏi, ít nói. Ở bên chị Thùy, anh Quang thực sự thấy mình như một người quân tử đi bên cạnh một thục nữ. Những lần chị Thùy ấy xuất hiện trước gia đình, bạn bè, ai cũng khen anh Quang chọn người yêu giỏi. Chỉ riêng có mẹ anh là thờ ơ: “rồi có chiều được nhau không?”. Nghe mẹ nói, anh Quang vẫn lờ đi vì cho rằng không một bà mẹ chồng nào lại thích khen và công nhận điểm tốt của con dâu.

Hai anh chị bắt đầu cuộc sống vợ chồng cách đây 8 năm. Trong vòng 8 năm đó, anh Quang bắt đầu và dần dần thấy mệt mỏi với bệnh “văn nghệ sỹ” của vợ. Ăn uống, sinh hoạt, chăm sóc con và đến cả “khiếu” tự ái của vợ anh cũng rất… văn nghệ sỹ. Mỗi khi có điều phiền lòng, chị Thùy thường giam mình với nỗi cô đơn riêng và anh Quang không thể bước chân nổi vào thế giới của vợ. “Tôi nói gì cũng cố ‘uốn lưỡi’ cả 10 lần chứ không phải 7 lần mà vợ vẫn cứ buồn buồn. Những lúc như thế tôi ước gì vợ mình bớt mong manh, bớt nhạy cảm để đỡ bị tổn thương”, anh Quang thở dài cho biết.

Ngoài ra, chị Thùy còn thường “ca bài ca”: “Em chỉ cần một đời sống kinh tế ổn định nhưng tình cảm phải dạt dào. Trong hôn nhân, đời sống kinh tế rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Tình cảm mới là quan trọng. Em cần anh là điểm tựa cho em”. Mỗi lần như vậy, anh Quang chỉ còn biết ôm đầu mà kêu trời: “Tôi muốn phát điên với lập luận của cô ấy. Tôi làm việc, kiếm tiền là muốn làm điểm tựa cho cô ấy. Tôi yêu cô ấy là tình cảm chứ là cái gì? Tôi giải thích với vợ: cái đàn piano nếu không có kinh tế thì em cũng khó lòng có để chơi, thưởng thức nghệ thuật. Con cái đi học phải đóng tiền, phải nuôi con, phải lo cho bố mẹ già,… Tất cả điều đó đều quan trọng và thực tế. Nó đảm bảo cuộc sống gia đình. Nói xong thì vợ tôi khóc. Cô ấy khóc trước mặt tôi, cả khóc âm thầm nữa".

Có lần, hai vợ chồng cãi nhau. Chị Thùy cứ thế im lặng, ngồi chơi piano trong khi anh Quang thì điên cuồng, khó chịu, đầu muốn nổ tung vì tiếng đàn không tuân theo giai điệu nào cả. "Cô ấy coi như không nghe thấy những cơm áo gạo tiền mà tôi phải đối mặt. Tôi không biết làm cách nào đành phải bỏ ra ngoài, chịu thua", anh Quang chia sẻ trong nỗi ấm ức.

Khổ nhất là không khí giữa bố mẹ và cô em gái chồng với chị Thùy. Đối với họ, chị Thùy là “giống” lập dị. Mẹ anh Quang và cô em gái thường xuyên "bóng gió" nói anh rằng “đội vợ lên đầu” và lúc nào cũng cười khẩy, mỉa mai cái đàn piano của chị Thùy vì thói học đòi làm nghệ sỹ theo kiểu "voi đú, chuột chù cũng nhảy cẫng".
 

Nhiều khi anh Quang thầm nghĩ: nếu anh mà có cùng quan điểm, suy nghĩ giống vợ có lẽ anh sẽ vô cùng dễ chịu mà lờ đi những châm chọc của gia đình, bạn bè. Nhưng cuộc đời vốn không như mong muốn, trong khi chị Thùy lúc nào cũng ủy mị sống vớit thế giới của riêng mình, thì anh Quang suốt ngày cảm thấy bực tức, ức chế hết vì vợ lại đến những lời châm chọc kia. "Tôi chán nói chuyện với cô ấy, cô ấy cũng không nói chuyện với tôi. Những lúc tôi ở nhà, cô ấy lại ngồi đàn, việc mà tôi ghét vô cùng tận. Đã đành cô ấy yêu đàn thì cũng có từng lúc đằng này...", anh Quang nhăn nhó khổ sở.

Cách nhà anh chừng hơn 50 mét có một quán cafe nhạc Trịnh, chị Thùy gần như không ngày nào không "trú chân" ở đó đôi ba tiếng. Mẹ chồng chị cho biết có khi cả buổi tối không thấy bóng dáng con dâu đâu, hơn 12 giờ đêm thấy tiếng chuông cửa, bà lật đật chạy ra thì cô con dâu "mắt nai" tội nghiệp cầu cứu: "Con quên mang chìa khóa, mải ngồi nghe 'Một cõi đi về' quá"... Bà nhẩm tính đã không dưới mười lần trong tháng này cô con dâu cứ thơ thẩn với  và thường trở về nhà bấm chuông cửa lúc nửa đêm: "Cũng bực mình lắm, nhưng nói chị ấy cũng bằng thế mà thôi. Chán đến nẫu ruột với dâu!". 
 
Chị Thùy còn có một "biệt tài biến hóa" mà suốt chừng ấy năm chung sống với nhau, anh Quang không tài nào hiểu nổi đó là: "Vợ tôi nói chuyện với mọi người rất thân thiện, cởi mở, không như lúc cô ấy ở nhà. Cô ấy trở nên hoạt bát, tự tin theo cách rất riêng. Còn ở nhà lúc nào tâm hồn cũng treo ngược trên mây. Cô ấy đu đưa, mơ màng theo những bài hát nói lên sự chiêm nghiệm, sầu thảm . Tôi nhận ra sự hạnh phúc trên khuôn mặt của cô ấy, một biểu hiện mà tôi chưa từng thấy khi cô ấy sống cùng tôi", anh Quang nén tiếng thở dài chua xót.

Chính bởi lối sống của chị Thùy mà anh Quang luôn cảm thấy mình là người mang lại cuộc sống sầu thảm, trầm buồn cho vợ: "Có lẽ vợ tôi đã cảm thấy bị hành hạ, bức tử đời sống tinh thần khi sống với tôi". Vẫn rất yêu vợ và cho dù là sự hoài nghi hoặc chỉ là cảm nhận thì anh Quang vẫn mơ hồ thấy được tình yêu của vợ dành cho mình, tuy nhiên cảm giác đó cứ mong manh. Và dần dần khi không còn kiểm soát được những ức chế của mình thì anh Quang đã chắc nịch tuyên bố với mọi người rằng: chúng tôi đã không đến được thế giới của nhau.

Cuối cùng khi mọi người cố gắng dàn xếp thì anh Quang tạm nghĩ đến một giải pháp cho hai người: tạm thời sống ly thân để cả hai tĩnh tâm lại. "Sau thời gian ly thân, hai người sẽ phải nhìn nhận lại cuộc sống chung và cuộc sống riêng của mỗi người. Tôi vẫn rất yêu vợ và mong chúng tôi sẽ tìm được hạnh phúc gia đình mà không phải tìm đến giải pháp ly hôn", anh Quang chia sẻ.

Chia sẻ