Nỗi khổ của những bà vợ vắng chồng

Lam Giang,
Chia sẻ

Từ hôm đó, chị Mỹ “bế quan tỏa cảng” không dám giao lưu, nhờ vả hay trò chuyện với bất kì người đàn ông nào nữa.

Bất kì một người phụ nữ nào cũng đều không muốn phải rơi vào hoàn cảnh phải xa chồng. Ngoài những nỗi buồn, sự vất vả khi phải một mình xử lí mọi chuyện, nhiều người phụ nữ còn gặp phải tình huống khó xử khi chồng vắng nhà.

“Bế quan tỏa cảng” với đàn ông vì sợ bị dị nghị

Điển hình cho trường hợp phụ nữ có chồng công tác xa nhà là phải thường xuyên phải đối mặt với những lời đàm tiếu, dị nghị và nghi hoặc của hàng xóm láng giềng. Bất kì một người đàn ông nào, dù là bạn bè, người quen hay thậm chí khách qua đường ghé vào hỏi thăm địa chỉ cũng rất có thể bị nghi ngờ là “có ý đồ”. Trường hợp của chị Mỹ (Hoàn Kiếm)  là một ví dụ.

Gần một tuần nay, cái trung cư nơi chị Mỹ ở toàn những lời bàn tán, xì xào: “Gớm, khéo chồng đi tu nghiệp nước ngoài về, cầm được cái bằng thạc sĩ về thì lại có thêm tờ đơn ly hôn cũng nên. Tình tứ, quấn nhau thế cơ mà”. Chị Mỹ hiểu người ta bóng gió về điều gì. Từ hôm đó, chị tuyệt giao không dám qua lại, nhờ vả bất kì một người đàn ông nào nữa vì sợ chồng ở xa, không hiểu được hết mọi chuyện, nghe đồn thổi rồi tan cửa nát nhà cũng nên.

Chồng chị Mỹ đi tu nghiệp nước ngoài 3 năm. Thời gian không có chồng bên cạnh, chị Mỹ bận rộn với đủ thứ việc đến tay. Cũng may, anh hàng xóm tốt bụng có đứa con gái học cùng lớp với con gái chị Mỹ giúp chị hàng ngày đèo hai đứa tới trường. Lắm hôm hai đứa học thêm buổi tối anh cũng qua đèo con chị Mỹ đi một thể. Có một lần, khi về chị mời anh vào nhà ngồi nói chuyện, hỏi thăm. Buổi nói chuyện có cả hai đứa trẻ cùng ngồi nhưng hàng xóm vẫn đánh giá. Lần điện nhà chị Mỹ bị hỏng do chuột cắn đứt dây, chị Mỹ có nhờ anh qua sửa giúp. Vì chính bản thân hai người không có ý đồ gì mờ ám nên rất vô tư, chỉ tới khi vô tình đi ngang căn hộ của một người hàng xóm bên cạnh, nghe người ta nói phía sau lưng, chị Mỹ mới giật mình thon thót: “Úi giời, đúng là tối lửa tắt đèn có nhau, thì thà thì thụp thế chẳng biết còn làm những việc gì nữa”.

Từ hôm đó, chị Mỹ “bế quan tỏa cảng” không dám giao lưu, nhờ vả hay trò chuyện với ai nữa vì sợ người ta lại nghi ngờ. Trong nhà có việc gì hỏng hóc, cần sửa chữa, chị toàn phải gọi điện để bố đẻ đến sửa giúp chứ không dám nhờ anh hàng xóm nào. Biết là bản thân mình không có gì nhưng chị vẫn tỏ ra lo sợ: “Tình ngay lý gian, chồng mình xa nhà nên người ta càng dễ đặt điều. Mà đâu phải chuyện gì mình cũng có thể thanh mình được. Tốt nhất là giữ mình mới mong giữ được hạnh phúc trước bia miệng tiếng đời”, chị Mỹ ái ngại cho biết.
 

Nỗi khổ khi người sống cùng nhà là… đàn ông

Khi chồng vắng nhà, việc tránh giao lưu với người khác giới ở bên ngoài còn dễ nhưng khi người duy nhất sống cùng nhà với mình cũng là… đàn ông thì quả thật là khó khăn.

Chị Loan (Ba Đình) vẫn không thể nào quen được với cuộc sống chỉ có bố chồng với nàng dâu trong nhà khi mà chồng chị bị thuyên chuyển công tác tới tận tỉnh xa. Mẹ chồng chị Loan mất đã lâu,chỉ còn bố chồng đã lớn tuổi. Chồng chị lại là con độc nhất, do đó, việc chăm nuôi bố là điều không thể nào tránh khỏi. Mọi chuyện sẽ thật bình thường nếu như chồng chị làm việc gần nhà. Đằng này anh đi vắng suốt, mỗi tháng chỉ được về qua phép vài hôm. Trong căn nhà, chỉ có chị Loan, đứa con gái nhỏ hơn 4 tuổi và bố chồng sinh sống nên nhiều lúc khiến chị cảm thấy bất tiện vô cùng.

“Mặc dù không có chuyện xảy ra nhừng lắm lúc mình thấy bất tiện. Nhà sâu, hẹp bề ngang nên bếp nằm đối diện với phòng tắm, phòng tắm lại không được kín đáo cho lắm. Nhiều hôm bố chồng tắm mình phải bế con lên phòng khách ngồi đợi bố xong mới xuống nấu cơm. Có hôm khu nhà mất điện, thắp nến lên xong, mình bế con sang nhà hàng xóm ngồi để tránh người ngoài lắm kẻ độc mồm độc miệng đặt điều này nọ”, chị Loan thở dài chia sẻ. Để tìm cách giải quyết những tình huống khó xử trên, chị Loan nghĩ ra cách về quê thuê một người trung tuổi, họ hàng xa lên ở cùng gọi là giúp việc gia đình nhưng thực chất là để không gian sống có thêm người ngoài, tránh mọi lời dị nghị không đáng có.

Cũng trong trường hợp khó xử như chị Loan, chị Ngân cũng phải sống chung với người em trai chồng. Gọi là em, nhưng chị Ngân vẫn kém em chồng đến 3 tuổi. Chồng chị là lái xe chở hàng đi suốt, cuối tuần mới về. Từ phía bên ngoài nhìn vào, chị thực sự rất ngại khi đàn ông, đàn bà sống cạnh nhau như vậy. Nhưng vì em chồng chưa lập gia đình, cũng chưa đủ điều kiện mua đất ra ở riêng nên không còn cách nào khác đành chấp nhận. Hàng xóm có đôi lúc tỏ vẻ ái ngại: “Chị em thật nhưng cô nam, quả nữ chả biết đâu mà lần”. Cũng may, không lâu sau đó, em chồng chị phần vì hiểu sự bất tiện khi sống cùng nhà với chị dâu, phần vì muốn tự lập nên đã thuê nhà ra ngoài sống. Hàng tháng, vợ chồng chị Loan chu cấp thêm cho em một khoản tiền gọi là hỗ trợ thuê nhà. Âu đó cũng là cách giải quyết hợp lí cho cả hai bên.

Có rất nhiều những tình huống xảy ra buộc người phụ nữ phải đối diện khi chồng vắng nhà. Nếu không tinh tế điều tiết và tìm biện pháp phù hợp, nhiều chị em sẽ bị rơi vào những hoàn cảnh “tình ngay lí gian” khó có thể thanh minh hay giải thích. Tuy nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, sự tin tưởng và động viên từ phía người chồng thân yêu sẽ là động lực để người vợ vượt qua được những khó khăn về sự vất vả cũng như những áp lực tinh thần mà họ phải đối diện.

Chia sẻ