"Nội chiến hoa hồng"

Theo Đời sống gia đình,
Chia sẻ

Hằng nghĩ bụng: “Giờ mới thôi không bám mẹ, đã biết tự lập rồi đấy! Nhưng cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, cứ tạm chấp nhận cái giải pháp tình thế của chồng, chờ dịp thuận lợi rồi ta tính tiếp!”

Chồng con một, có công ty riêng, bố mẹ chồng khá giả, mẹ chồng còn trẻ khỏe, ai cũng mừng tưởng Hằng cưới được Bình như “chuột sa chĩnh gạo”. Cưới xong dăm bữa nửa tháng, sau trăng mật đến kỳ “vỡ mật” thì Hằng cũng lờ mờ nhận thấy, hình như là “chuột sa… bẫy xịn” thì đúng hơn.

Đúng là “bẫy” vì nó hội tụ đầy đủ các yếu tố của một cái bẫy! Này nhé, mồi ngon hấp dẫn (bao gồm một nhà to, một xế hộp, một ông chồng giỏi giang biết làm ra tiền), thoạt nhìn không thể ngờ là bẫy (nếu biết thì dại gì mà chui vào), mà vào rồi mới biết là không thể… xơi được mồi. Cứ tưởng chồng có công ty riêng ăn nên làm ra thì vợ tha hồ… tiêu tiền chồng kiếm được, nào ngờ mẹ chồng quản lý chặt. Bình thanh minh: “Thì mẹ có nhiều kinh nghiệm (chả gì mẹ cũng có nghiệp vụ kế toán), lại tính toán chi tiêu chặt chẽ nên tiền đưa cho mẹ là chắc nhất. Mà anh nhờ mẹ quản tiền từ lâu rồi, bây giờ có em, lẽ nào lại chuyển sang em, chả hóa ra là “có mới nới cũ”, mẹ giận lại trút hết lên đầu em chứ ai?...”

Thì thôi vậy, Hằng đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”! 

Vẫn chưa xong, khoản tiền sinh hoạt hàng tháng cho cả nhà bốn người, Bình xông pha “để con lo”, thế là trừ nghiến ở khoản thu nhập hàng tháng từ công ty của Bình. Mẹ chồng vừa trẻ khỏe, vừa rảnh rỗi hơn, để mẹ chồng quản lý luôn khoản tiền sinh hoạt, hàng ngày đi chợ chi tiêu cho thuận tiện. Hằng chưng hửng, chả biết “đồng tròn đồng méo” của chồng đã đành, giờ vợ chồng có muốn mua sắm gì, nhất cử nhất động phải chờ mẹ chồng… cấp “quota” mới xong. Đến khoản tiền đi chợ mẹ chồng cũng quản lý nốt, thích mua sắm gì hay khoái ăn món nào, cứ hỏi mẹ chồng một câu thì xong ngay, nhưng Hằng bụng bảo dạ, mình kém gì ai mà phải ngửa tay nhận tiền của mẹ chồng. Ngân quỹ riêng từ thời con gái tất nhiên chẳng đến nỗi nào, nhưng được tiêu tiền chồng chắc vẫn sướng hơn nhiều. Thậm chí sau này bất mãn Hằng còn nghĩ, nếu cứ tiền ai nấy tiêu (đồng nghĩa với việc “hồn ai nấy giữ”) thế thì lấy chồng làm quái gì cho mệt, thà ta cứ ở vậy “nuôi thân béo mầm”!

Mấy đứa bạn thân của Hằng biết chuyện, thi nhau “chọc gậy bánh xe”: “Bố mẹ chồng còn chưa về hưu, mà ai cũng lương cao, sau này thêm hai đứa con nữa, một mình chồng cậu có lo mãi được không? Thế không định để dành lo cho con à?” Nghe cũng có lý, tối về Hằng mới rỉ tai chồng. Cứ tưởng Bình tự biết mà tìm cách chuyển hướng sang nhà “đầu tư” mới, đâu ngờ hôm sau Bình tông tốc kể hết cho mẹ nghe. Mẹ chồng con dâu không ai bảo ai, cùng song ca bài “gặp nhau làm ngơ” một thời gian. Sau thấy cần phải bộc lộ quan điểm rõ ràng thì hai bên bắt đầu chiến dịch “vận động hành lang”. Chuyện vẫn chưa thể ngã ngũ vì hai đối tác ai cũng chứng minh năng lực mình hơn, còn hai bên trung gian (bố chồng và chồng) chẳng ai dám thò mặt ra bênh vực “người của mình”. 

Từ sau hôm ấy, Hằng bắt đầu chiến dịch “xoa dịu mẹ chồng”... (Ảnh minh họa).

Mẹ chồng khư khư, tiền cứ chia đôi, nửa mua vàng tích trữ, nửa kia gửi tiết kiệm là nhất, vừa sinh lãi ổn định lại vừa an toàn. Hằng thì khăng khăng, em nhanh nhạy hơn, để em tranh thủ lướt sóng vàng, đầu tư bất động sản lại chả hơn chán vạn lãi suất tiết kiệm... “Hội đồng quản trị” gia đình lâm vào cảnh “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” mãi không có hồi kết. Còn hai nữ thành viên vẫn hàng ngày diễn cảnh “mặt nặng mày nhẹ”, thậm chí có lúc còn bột phát cả màn “đá thúng đụng nia” (may mà chưa “chửi mèo mắng chó”?!), chả ai chịu ai, ai cũng tự cho là mình đúng.

Nội chiến” ngày càng căng thẳng, từ những “yêu sách” kinh tế lan sang cả chính sách ngoại giao lẫn… nội giao. Hằng quyết “biểu tình” đòi quyền lợi (tự cho là chính đáng) bằng  nhiều “tiểu xảo”. Đáp lại, mẹ chồng cũng tung chiêu chống đỡ đầy khéo léo, chứng tỏ uy lực cùng nội công thâm hậu. Bữa ăn đầm ấm trước kia giờ đâm ra là thời khắc nặng nề nhất, không khí gia đình căng như dây đàn. Cũng có lúc Hằng thấy ân hận, nghĩ thế nào bố mẹ chồng cũng oán mình, cho mình là kẻ phá đám hạnh phúc gia đình họ, chen ngang vào chia rẽ tình mẫu tử. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, chả nhẽ cứ phải núp bóng mẹ chồng cả đời hay sao. Mà vợ chồng phải chia sẻ kinh tế cùng nhau mới ra một gia đình, chứ thế này thì khác gì đang diễn cảnh “góp gạo thổi cơm chung”. 

Chỉ khổ Bình kẹt ở giữa, nhăn nhó không biết nên theo phe nào. “Phò” lão phật gia thì sợ “tân nương” phật ý, mà bênh vợ mới cưới thì e mẹ rầu lòng… Nhưng không ra tay mau thì cuộc “nội chiến hoa hồng” có nguy cơ biến thành “chảo lửa Trung Đông”. Không biết Bình có tham khảo ý kiến của chuyên gia nào không mà một hôm nhân lúc gia đình đông đủ, mới hắng giọng tuyên bố, từ nay sẽ tự lo quản lý tiền của mình, mẹ và vợ cứ việc thảnh thơi làm gì tùy thích, không cần bận tâm đến chuyện tiền nong cho mệt. 

Hằng nghĩ bụng: “Giờ mới thôi không bám mẹ, đã biết tự lập rồi đấy! Nhưng cuộc chiến vẫn còn tiếp diễn, cứ tạm chấp nhận cái giải pháp tình thế của chồng, chờ dịp thuận lợi rồi ta tính tiếp!”

Từ sau hôm ấy, Hằng bắt đầu chiến dịch “xoa dịu mẹ chồng” (vì tự nhủ “tránh voi chả xấu mặt nào”…). Chiêu “một điều nhịn là chín điều lành” được Hằng áp dụng triệt để, quy ước ngầm “mẹ chồng luôn luôn đúng” được tôn trọng tuyệt đối. Bố chồng và chồng phấn khởi ra mặt khi thấy con dâu mặt lúc nào cũng tươi như hoa. Mà con dâu tươi thì mẹ chồng chả tội gì mà héo, vì mẹ chồng cũng ngại bị mang tiếng “cố chấp”. Cuộc “nội chiến” tạm thời bị dẹp yên nhanh chóng, khiến ngay cả các “khổ chủ” cũng thấy bất ngờ.

Chia sẻ