Những "vết thương" không lành

,
Chia sẻ

Có những vết thương chữa năm này qua năm khác, tưởng đã lành mà vẫn âm thầm rỉ máu, lặng lẽ nhói lên những cơn đau khi trái gió trở trời.

Ai trong đời chẳng có lần bị thương. Có vết thương chảy máu đầm đìa nhưng chóng lành, may năm bảy mũi rồi cuối cùng không thấy sẹo. Có những vết thương chữa năm này qua năm khác, tưởng đã lành mà vẫn âm thầm rỉ máu, lặng lẽ nhói lên những cơn đau khi trái gió trở trời.

Có cách nào khoác cho trái tim mình, tâm hồn mình tấm áo giáp, để tránh thương tích trước những trận chiến không hẹn trước của cuộc đời? Không có cách nào cả. Tạo hóa sinh ra con người là vậy: nếu mình không bị thương, thì cũng sẽ không biết gượng nhẹ trước những đớn đau của người khác.

“Những vết thương vô ý tự gây nên”
 
Giả sử tất cả mọi người xung quanh em đều đáng yêu, giả sử như không có kẻ thù, không có ai núp sau cửa để nã súng khi em đẩy cửa vào nhà, giả sử như tất cả những vết thương đều là do chúng ta vô ý tự gây nên...

Ngay cả khi giả sử như thế, thì những vết thương vẫn đau.

Khi anh vô tình giẫm lên chân em, gót giày đàn ông làm đầu ngón chân em tê dại. Khi anh làm một “phép thử” cho tình yêu chân thành của chúng ta, anh không hề biết anh đã vô tình làm tổn thương trái tim nhỏ bé của vợ mình. Đàn ông bản chất là vô tâm, nên em lặng lẽ giấu những vết thương ấy vào lòng, rồi sau đó lại nhận ra: vì giấu đi, nên lần sau mình lại phải nhận vết thương ấy một lần nữa, cũng hệt như vậy!

Nhưng, giả sử như thế không bền vững chút nào. Anh, tất nhiên, không phải là tác giả duy nhất của những vết thương. Em còn phải chịu đựng hằng ngày nhiều thứ lắm: những mũi tên vô hình của vài đồng nghiệp đố kỵ; trò trêu chọc vô duyên ở văn phòng; gã đàn ông trên phố ngang ngược quẹo ngay trước xe em còn quay lại chửi: “Đi đứng kiểu gì vậy, mẹ già?”; bà bán cá ngoài chợ liếc xéo mớ tiền nhỏ trong tay em: “Không có tiền thì đừng ăn, cá này mắc lắm!”...

Cuộc sống nhìn từ phía này thì mượt mà rực rỡ, nhưng nhìn từ phía kia lại tua tủa chông gai. Không ai biết được khi nào và ở đâu mình sẽ dính một đòn chí mạng, cũng không ai có thể điều chỉnh được mức độ đau đớn của mình.

Chỉ có một điều em chắc chắn: những vết thương gây ra bởi người kề cận bên mình, người em yêu thương, là những vết thương em phải cố gắng tự chữa, cố gắng quên, cố gắng băng bó, che giấu những cái nhìn tọc mạch của bàn dân thiên hạ. Đó cũng là những vết thương khó lành, hoặc chẳng bao giờ lành nổi. Có khi, nó đóng vảy lại, khô sần, cộm lên, chỉ cần va chạm nhẹ là lại tróc vảy, chảy máu...
 

Chịu đựng bằng “thuốc giảm đau”

Một lần, H. nghe chị đồng nghiệp làm cùng cơ quan với chồng mình khen: “Em sướng ghê, có anh chồng ga-lăng hết cỡ! Chồng chị ấy a, ăn cục nói hòn...”. H. cười đắng chát: tối hôm qua sau trận nhậu về nhà, anh đã bảo mẹ con cô: “Xéo khỏi nhà tao, đồ ăn hại đái nát!”. Bao nhiêu năm ở nhà ôm con, cô biết đi đâu khi không một đồng dính túi. Cắn răng nhịn nhục vì con, nhưng mỗi lần nghe ai đó khen anh giỏi kiếm tiền, anh ga-lăng, vợ anh sung sướng ở nhà nuôi con không phải bươn chải... H. đều thấy lòng mình như bị xát muối. Cô lấy những đứa con làm mục đích của đời mình, cố gắng giữ mình chai lì đi để bớt phần nào đau đớn...

Cách khác, cô bạn thân của Th. đã cấp cho bạn mình một liều thuốc giảm đau “độc nhất vô nhị”: “Bồ ơi, bồ có đẹp bằng Hillary Clinton không? Có giàu hay thông minh bằng bà ấy không? Có cẩn thận gìn giữ hình ảnh gia đình bằng đệ nhất phu nhân nước Mỹ không? Vậy mà bà ấy vẫn bị tổn thương bởi ông chồng đào hoa. Nhưng bà ấy phải tự chữa lành vết thương, tự mình đứng dậy, chuyện đã lỡ ra rồi, ích gì mà cứ khoét mãi vào lòng nhau? Ai cũng vậy thôi...”.

Chẳng cần học y khoa, những người phụ nữ đều luôn biết tự tìm ra một cách nào đó để cầm máu, sát trùng và băng bó vết thương của mình. Có người tìm bạn bè để tâm sự, phân tích ngược xuôi, giải phẫu vết thương, rồi may vá lại lòng mình. Có người tìm một thứ thuốc (như Hillary Clinton chẳng hạn) uống vào để giảm bớt đau đớn. Có người tìm cách tập luyện, nâng cao “thể lực” (làm việc, học hành, dành dụm...) để có thể chịu đựng những cuộc chiến khác, chắc chắn sẽ tiếp tục xảy ra.

Những cách chữa thương muôn hình nghìn vẻ như đồng hành với việc tâm hồn người phụ nữ sản sinh ra những kháng thể để tự bảo vệ mình. Tạo hóa phú cho con người khả năng quên, đó cũng là một phương thuốc trị thương hữu hiệu. Thử nhìn lại mình như một bệnh nhân, hẳn cũng sẽ có khi mình cảm thấy “ta phục ta quá” vì kỹ năng chữa trị của mình đã “lên tay” rất nhiều theo năm tháng, biết “cắt thuốc” nào chính xác với một vết thương. Và như một hệ quả tất yếu, mình biết nhận diện chính xác đâu là nơi dễ tổn thương của người khác, để rồi cũng có khả năng “tặng” người khác một vết thương chí mạng!

Hay tấn công và trở thành “sát thủ”?

Tổn thương tinh thần là những tổn thương đau đớn, sâu sắc và lâu dài hơn cả. Trạng thái tổn thương đồng nghĩa với những cú sốc tinh thần, nên trong lúc ấy, gần như không ai có thể ngay lập tức tha thứ cho kẻ đã làm mình bị thương.

Người ta, sau khi bị đau một lần đến đứt da xé thịt, thường có xu hướng trả thù, hay tìm cách để kẻ khác cũng phải bị đau như mình mới hả. Vì vậy, không khó khăn gì để thấy phái nữ, vốn rất yếu ớt, rất nhạy cảm đối với đau đớn, vẫn có thể tung ra những đòn hiểm, làm cho đối phương phải quằn quại, cho bõ những khi mình “lên bờ xuống ruộng” vì trúng thương!

H.Y., choáng váng gần như ngất tại chỗ khi nhận tin chồng mình ngoại tình, nhưng ngay lập tức sau đó, cô lập kế hoạch trả thù anh chồng - kẻ trước đó cô đã yêu bằng tất cả trái tim và thể xác. Đàn bà, hễ đã không muốn, đã không làm thì thôi, khi họ muốn, họ có thể tàn nhẫn hơn rất nhiều lần so với đàn ông.

Không cần tuyên bố, không cần gây gổ gì ở nhà, H.Y. lặng lẽ cặp bồ ngay với một kép trẻ. Trong khi anh chồng đối diện với hàng núi đơn tố cáo ở cơ quan: vi phạm chế độ hôn nhân, có hành vi ruồng rẫy vợ con, vi phạm đạo đức công chức... đến nỗi mất luôn cái chức phó giám đốc đang trong tầm tay vì dính vào những lùm xùm tình ái, H.Y. thu vén tất cả tài sản của gia đình vào quỹ riêng của mình.

Lúc anh chồng không chịu đựng nổi, đưa ra đề nghị chia tay cũng là lúc họ chỉ còn đối diện với căn nhà trống, H.Y. bình thản chấp thuận. Căn nhà rỗng bán chia đôi mỗi người một nửa, H.Y. ngạo nghễ ra đi cùng người tình trẻ sau khi “chiếu chậm” cho anh chồng xem lại cuộc tấn công rửa hận của mình. Trở lại cuộc đời độc thân, một lần trong độ nhậu nghiêng trời, anh chồng tuyên bố: Trong những đòn thế của cuộc đời, đòn trả thù của cô vợ cũ là đau nhất, tàn nhẫn nhất. Và, không bao giờ anh còn tin nổi đàn bà.

Âu đó cũng là lẽ thường tình. Lẽ đời “ăn khế trả vàng” kể cả khi đớn đau lẫn khi hạnh phúc. Có người thương cảm cho rằng H.Y. đã “xuống tay quá nặng”, nhưng ai đo được độ nông-sâu-nặng-nhẹ của vết thương trong lòng mỗi người. Chỉ có thể nói vui: “thương nhau lắm cắn nhau đau”, để ngậm ngùi hiểu rằng kẻ gần ta nhất là kẻ có thể xuống tay tàn nhẫn nhất.

Hiểu biết để sống với nhau và cũng để kiêng nể lẫn nhau là thế. Thực ra, trong đời sống hôn nhân không ai mãi là kẻ mạnh hay mãi là kẻ yếu. Những chuyện xảy ra hằng ngày cho thấy, ai cũng có thể dễ dàng knock out đối thủ chỉ sau một đòn dứt điểm. Trái tim ai cũng dễ thương tổn, vì chỉ là máu là thịt bình thường. Vậy nên, đừng thách thức, cũng đừng tàn nhẫn với nhau.

Trong rất nhiều những lý do khiến người ta nương nhẹ vết thương của người khác, có lý do là chẳng ai muốn người ta mạnh tay với những vết thương của mình. Sự tha thứ hay lòng nhân ái còn cho chính bản thân mình, chứ không hẳn hoàn toàn vì người khác. Hiểu được điều đó, người ta sẽ còn nâng niu nhau, bảo bọc nhau, vì đó cũng là tự bảo bọc lấy mình.
 
Theo Hoàng Mai
Phụ nữ
Chia sẻ