Những người vợ tủi cực vì đòn của chồng

,
Chia sẻ

Không vừa ý là đánh vợ, những lúc ngứa mắt... cũng đánh. Khi chị muốn ly hôn thì chồng không cho mà còn dùng xích chó cột chị lại.

Cùng với câu chuyện chị Thanh (Bắc Ninh) kể là chiếc xích chó mà người chồng đã dùng để xích chị được trưng bày trong hội thảo xây dựng mạng lưới cung cấp thông tin cho Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về Bạo lực giới, diễn ra sáng nay tại Hà Nội.

"Bị chồng đánh bao nhiêu lần tôi cũng chẳng nhớ rõ. Những ngày bình yên chỉ đếm trên đầu ngón tay chứ chẳng nói gì đến hạnh phúc. Nhiều người bảo sống với chồng như thế thà bỏ đi còn hơn. Tôi rất buồn nhưng lần lữa vì thương con còn nhỏ và thương mẹ già. Ngày tháng trôi qua tâm trí tôi chai lỳ vì những trận đòn nhưng sức khỏe tôi không được chai lỳ như vậy", chị Thanh tâm sự.

Những công cụ được dùng trong bạo lực gia đình. Ảnh:N.P.

Đồng cảnh "sống chung với vũ lực" như chị Thanh, chị Minh (Hà Nam) lại bị chồng dùng điếu cày đánh ngay cả lúc ngủ. Một lần thay vì chịu đòn như mọi khi, chị trốn sang nhà hàng xóm, đợi đến khi chồng nguôi giận thì về.

Lúc tưởng chồng đã nguôi, chị mới về nhà ôm con ngủ. Đến 3 giờ sáng, chị tỉnh giấc, thấy đầu và người đau ê ẩm, mặt mũi sưng vù, xung quanh toàn mùi nước điếu. Phải một lúc sau, chị mới lờ mờ nhớ ra chồng đã dùng điếu cày đánh trong lúc ngủ. Chị đã phải cố gượng dậy cầm điện thoại gọi hàng xóm nhờ đưa đi cấp cứu. Sau lần ấy vì tưởng chị đã chết nên anh ta bỏ trốn, không dám về nhà.

Đây chỉ là hai trong số rất nhiều câu chuyện của những phụ nữ đang bị bạo hành trong chính gia đình của mình. Có những phụ nữ vì chồng ghen tuông vô cớ mà xát ớt vào đáy quần lót, có người bị chồng cầm viên gạch, cái xoong ném vào người, thậm chí dùng cả bồ đập đất...

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên cho biết, không chỉ bị hành hạ về thân thể, nhiều chị em thường xuyên chịu những câu chửi bới thậm tệ của chồng.

"Nhiều chị em bị chồng bạo ngược nhưng lại không dám lên tiếng mà cam chịu.Vì thương con, thương mẹ già, vì sĩ diện, sợ ly dị rồi thành bơ vơ không nơi ăn chốn ở, không nghề nghiệp. Có rất nhiều lý do ràng buộc người phụ nữ với chồng dù không muốn, một trong số đó là do họ không biết tìm sự giúp đỡ từ đâu", bà Vân Anh cho biết.

Chính vì thế Trung tâm Tư vấn và Thông tin tư liệu về Bạo lực giới ra đời, là trung tâm tư liệu về phòng chống bạo lực giới đầu tiên tại Việt Nam. Các hoạt động của trung tâm gồm: tập hợp thông tin, tư liệu về bạo lực giới tại Việt Nam, tổ chức các hội thảo chia sẻ thông tin về bạo lực giới trên toàn quốc, hỗ trợ các cán bộ xã hội phương pháp giải quyết, tư vấn các trường hợp bị bạo hành tại cộng đồng...

Những ai có nhu cầu tư vấn có thể gọi đến đường dây miễn phí (043) 755 9333. Trung tâm sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 6/2009.
 
Theo Vnexpress
Chia sẻ