Những đêm trắng của vợ chủ đò sau ngày định mệnh

,
Chia sẻ

10 ngày sau thảm họa chìm đò trên sông Gianh khiến 42 người thiệt mạng, chủ đò và lái đò đều bị khởi tố, bỏ lại hai người vợ trẻ ngổn ngang những nỗi đời. Chúng tôi đã trở lại Quảng Hải để thấu hiểu nỗi lòng của họ.

Những cơn ác mộng của vợ chủ đò

“Hôm đó, em cũng đi trên đò cho kịp đến chợ. Trước đó, thấy bà con ùn ùn leo lên đò, anh Quý đã dùng sào đẩy xuống và thậm chí chắp tay mà lạy bà con đừng lên nữa. Nhưng cuối cùng ai cũng chen lấn muốn sang sông sớm.

Đò cách bờ vài chục mét, chú Mậu tắt máy để đò tấp vô bến thì bà con nhổm dậy, đò chông chênh rồi tràn nước vào. Tui cũng rớt xuống nước, may vớ được tấm ván nên thoát chết” - chị Cao Thị Lý, vợ chủ đò Nguyễn Xuân Quý chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại "thảm họa" mà chồng chị chính là chủ con đò oan nghiệt.

Mẹ, vợ và con của chủ đò Nguyễn Xuân Quý lo lắng ngóng tin chồng.

Ngay trong sáng hôm đó, cả chồng chị và em trai Nguyễn Xuân Mậu đều chỉ được cho về nhà thay quần áo khô rồi bị đưa đi tạm giữ phục vụ công tác điều tra. Chồng bị bắt, chỉ còn 3 mẹ con chị Lý ở lại trong ngôi làng nơi có 42 người bỏ mạng mà nhiều người hiểu chồng chị chính là thủ phạm.

3 ngày tết, cả xã Quảng Hải ngập trong nước mắt và khăn tang thì căn nhà của chị Lý cũng không dám mở cửa, thắp nén hương cho tổ tiên. Nhiều người quá đau khổ đã đòi kéo đến nhà chị đập phá. Thoát chết, chị cũng chỉ biết đến nhà các nạn nhân, thắp nén nhang và cầu xin sự cảm thông của gia đình.

Chị Lý đau đớn: “Chợ Điền hợp sớm, tan sớm nên ai cũng cố chen chân lên. Đò nhà tui cũng là con đò duy nhất đưa bà con sang chợ. Đò rời bến rồi, vẫn còn những người lội nước trèo lên cho bằng được nên mới ra nông nỗi.

Từ hôm xảy chuyện, mẹ con tui hoảng loạn lắm. Nhiều bà con do quá đau buồn đã đòi đuổi mẹ con tui ra khỏi làng. Tui chỉ muốn cầu xin bà con cho tui ở lại làng để hàng năm được thắp nén nhang như một lời chuộc lỗi với những người đã khuất”.

Theo chị Lý, mấy đêm đầu sau thảm họa, chị không thể nào chợp mắt. Cứ nhắm mắt lại là chị gặp ác mộng. Chị lại thấy mình đang ngoi ngóp giữa dòng nước, có hàng chục người nắm chân chị mà lôi…

Mãi đến dăm hôm sau, khi những đêm trắng triền miên khiến chị kiệt sức, chị mới thiếp đi trong cơn mê man nặng nhọc. Nước mắt lăn dài trên má, chị Lý cắn môi: “Tội vạ chi tui cũng xin chịu cả. Tui biết cái đau của bà con là mất người thân thì không chi bù đắp được, nhưng tui chẳng biết làm chi để chuộc lỗi với bà con cả”.

“Trời xui đất khiến thế nào chú ơi”

Nhìn thấy tôi với cái ba-lô to tướng trên lưng, chị Cao Thị Lan lộ vẻ sợ sệt và dè dặt đáp lại lời chào của người khách lạ. Nghe tôi giới thiệu là phóng viên và thông báo với chị rằng chồng chị, anh Nguyễn Xuân Mậu (lái đò) đã bị khởi tố cùng chủ đò Nguyễn Xuân Quý, chị đã không cầm được nước mắt, gặng hỏi tôi chồng chị sẽ bị tù mấy năm.

Với chị, cái tiền đồ tù tội của chồng như là một nghiệp chướng: “Trước chồng tui chỉ biết đi chở cát, sau vì cái chân đau thần kinh nên anh bỏ, mua máy cày để bà con ai thuê thì làm.

Một năm làm được hai vụ, thời gian nhàn rỗi nhiều quá nên anh Mậu tranh thủ vô Nam làm ăn thêm. Đến tháng 4/2008, do người chèo đò cho anh Quý nghỉ chạy nên anh Quý gọi chồng tui về”.
 
 
Chị Lan không biết làm gì để nuôi hai đứa con nhỏ.

Chị Lan kể, sáng đó chị đi chuyến sớm sang chợ Điền. Đang mua bán ở chợ thì nghe tiếng la hét, chạy ra bờ sông thấy con đò chìm mà chị như người chết lịm.

Mãi sau khi có thuyền chở đoàn cứu hộ qua sông, chị mới chạy về. Chồng chị còn sống nhưng bị người ta bắt đi ngay sau đó. Nhìn nỗi đau của người trong xã, nhìn những xác chết lần lượt được "xốc" lên bờ chị đã không dám ra khỏi nhà. Mãi sang năm mới, chị mới dám đến nhà người làng thắp nén nhang cho những người xấu số.

Chị Lan buồn bã: “Chồng tui làm gì có giấy phép nên bình thường chỉ đứng mũi đò. Hôm đó, do đò đông quá anh Quý phải lên đứng mũi để cản bà con xuống đò. Sau đò đông quá, anh Mậu không lên mũi được nên ngồi sau, nổ máy lái luôn. Ai dè…”.

Tay ôm chặt hai đứa con mới 6 và 3 tuổi, chị Lan khóc rưng rức: “Trời xui khiến răng á chú ơi, anh Mậu nhiều lần muốn nghỉ lắm rồi, bởi chèo cả tháng cũng chỉ được 700 - 800 nghìn đồng, đến mấy ngày tết mới được 100 nghìn/ngày mua chút kẹo bánh ăn tết chứ có mô”.

Chị chỉ mong một trong hai người đàn ông trong gia đình được nhẹ tội để về nuôi vợ, nuôi con. Bởi như gia đình chị, giờ anh Mậu bị bỏ tù thì chị chỉ còn nghề khâu nón để nuôi con.

Cũng như chị Lý, chị Lan ngồi nhẩm tính: mỗi tháng phải nộp cho xã 4,2 triệu đồng tiền đấu thầu. Trong khi đó chở người dân trong xã chỉ lấy 500 đồng/người cho cả 2 lượt. Cứ như thế ngày nắng bù ngày mưa thì lấy gì ăn, chỉ may có mấy dịp lễ tết.

Tâm sự của 2 chị khiến chúng tôi nảy một phép tính: chỉ để nộp đủ 4,2 triệu/tháng cho xã, trước đây mỗi ngày anh phải chở 8.400 lượt người đi về trong tháng, tức gần 300 người/ngày. Nếu chạy đúng đăng kiểm, mỗi ngày con đò kia phải chạy hơn 20 lượt. Để bù thêm tiền xăng dầu, khấu hao và cả tiền lãi, tất nhiên số chuyến phải tăng thêm nhiều nữa. Mãi tới gần đây, khi giá dầu tăng vùn vụt, xã mới đồng ý cho chủ đò thu 1.000 đồng/người cho 2 lượt đi về.

Chào chị ra về, tôi chỉ biết lấy số điện thoại để lúc nào vụ án xét xử, tôi còn báo cho chị vào dự và thăm chồng. Bởi trước đó chị và chị Lý đã khăn gói vào Đồng Hới thăm chồng nhưng do vụ án đang được điều tra nên chị chỉ được phép gửi mấy bộ quần áo cho chồng.

Nỗi đau của chị Lan, chị Lý chưa thấm tháp vào đâu so với mất mát của người dân Quảng Hải. Những tâm sự của các chị cũng không thể xóa đi tội lỗi mà chồng các chị mắc phải. Nhưng nỗi đau của hai người đàn bà, cùng những tâm sự của họ cho thấy một điều: không phải tất cả lỗi nằm ở người chủ đò, lái đò…

Theo Hồng Kỹ
Dân trí
Chia sẻ