“Nhắm mắt đưa chân” khổ một đời

Lam Phong,
Chia sẻ

Tiếng bàn ghê xô nhau, tiếng cốc chén rơi loảng xoảng khuấy động cả khu xóm. Ai cũng thương tiếc cho cuộc đời chị, chỉ vì “nhắm mắt đưa chân” mà khổ một đời.

Đứt gánh giữa đường

Nhà tôi ngay gần nhà chị, nên thi thoảng chị vẫn qua chơi. Nhưng đến mãi sau này tôi mới hiểu, chị sắc sảo, xinh đẹp là thế mà lại chịu lấy một người đàn ông thô kệch và nhiều tật xấu như chồng chị hiện tại để khổ cả một đời.

Ngày còn trẻ, chị cũng có một mối tình 5 năm với anh chàng kỹ sư xây dựng. Vì nhà nghèo nên chị phải nghỉ học giữa chừng, còn anh thì vẫn miệt mài sách vở, quyết ra trường để cưới chị làm vợ. Mối tình của họ tưởng chừng như sắp đến ngày đơm hoa kết trái khi hai gia đình đã chính thức dạm hỏi, chỉ còn chờ ngày lành tháng tốt là nên duyên vợ chồng. Vậy mà, những chuyến đi công trình xa nhà đã khiến anh tìm đến một người con gái khác, họ có con với nhau, rồi đám cưới của chị và anh bị hủy bỏ.

Chị cay đắng cho thân phận mình. Lỗi là do anh mà sao chị thấy lòng như lửa đốt, tủi hờn, xót xa và xấu hổ với cha mẹ, làng xóm. Trong khi tâm trạng đang rối bời, thì anh Tuyền - chồng chị bây giờ - vốn đã theo đuổi chị từ lâu, nhân dịp này đưa trầu cau sang dạm hỏi. Quá đau đớn vì mối tình lỡ dở, chị đành “nhắm mắt đưa chân” theo anh về làm vợ với hy vọng cuộc đời sẽ rẽ sang một trang mới, tươi vui hơn, hạnh phúc hơn.

“Nhắm mắt đưa chân” khổ một đời  1
Khi đã "nhắm mắt đưa chân", liệu hạnh phúc có thể bền lâu?

… nên đành “nhắm mắt đưa chân”

Chị về làm dâu nhà ông bà Từ cách đây cũng ngót nghét 5 năm. Ngày ấy chị là người làng trên, gia đình nghèo khó nhưng bù lại chị xinh đẹp, được nhiều anh để ý. Trong khi đó, gia đình ông bà Từ có của ăn của để, nhưng anh con trai lại vừa thô kệch, vừa ham rượu chè.

Có lần, tôi thấy chị mắt đỏ hoe chạy vào nhà tôi rồi chị khóc. Chị không nói gì, tôi cũng hiểu sao mắt chị đỏ bởi chuyện chồng chị mỗi lần say xỉn đánh đập vợ đã trở thành chuyện cơm bữa ở xóm tôi.

Cay đắng dường chưa không chịu buông tha cuộc đời chị. Lấy nhau được gần một năm anh trở lại thói quen rượu chè trước kia. Từ ngày chị sinh con, anh chưa hề ẵm bồng đứa nhỏ, chưa hết ba tháng cữ mà chị đã phải tối mắt tối mũi lo chuyện cơm nước, nhà cửa. Đáng sợ hơn, anh còn cấm đoán, không cho chị ra ngoài với lý do “đi chỉ có mà đi với giai”.

Anh bắt chị nhận hàng về nhà làm và trông coi cửa hàng gas anh đang kinh doanh nhưng không để cho chị cầm lấy một xu. Nhìn cuốn sổ tay anh giao cho chị ghi chi tiết từng đồng tiền bán hàng, tiền chi tiêu hàng ngày, chị mới thấm thía nỗi đau khi bị coi thường và phận của người phụ thuộc.

Đã gần 5 năm vợ chồng vậy mà anh vẫn đem lòng ghen tuông với mối tình cũ của chị. Không những thế, anh còn nghi ngờ, ghen ghét với tất cả những người đàn ông nào “lỡ” khen chị xinh, trót lưu luyến vẻ sắc sảo của chị. Mỗi lần như vậy là mỗi lần chị nhận những trận đòn roi vô lý đến thâm tím cả người từ anh.

Lá đơn ly dị chị đã viết từ lâu, bao nhiêu lần viết là bao lần chị khóc, thương con chị lại xé đơn rồi lại viết. 5 năm vợ chồng, lẽ ra là những năm tình nghĩa, những năm để người ta nhìn lại và hạnh phúc rồi đau xót mỗi khi nghĩ đến cảnh lìa xa.

Nhưng với chị 5 năm qua tựa như địa ngục giữa chốn trần gian. Chị không bao giờ rõ anh đi đâu, làm gì, thu nhập ra sao, chưa một lần biết đến sự an ủi, động viên từ anh dù chỉ là lời nói hay một cái nắm tay vội.

Nói với tôi mà chị nghẹn ngào, nước mắt chỉ trực trào ra. Người ta đi làm thuê còn có tiền, còn chị đi “làm thuê” chẳng những không có tiền mà còn bị hành hạ cả về thể xác lẫn tinh thần.

Tôi chỉ biết lặng im khi chị nói. Tiếp tục hay không, có lẽ chỉ có chị mới có thể quyết định. Yêu nhau, tìm hiểu nhau mới đi đến hôn nhân vậy mà đôi khi còn xô xát, hạnh phúc còn bị đe dọa thì với chị, khi đã “nhắm mắt đưa chân” liệu hạnh phúc có thể bền lâu được không?



Chia sẻ