Ngày vui nhất và ngày buồn nhất

Theo NLĐ,
Chia sẻ

Chỉ đến khi đã lấy chồng, sống cùng bố mẹ chồng, con mới cảm nhận rõ ràng sự khác biệt lớn lao ấy. Và con biết, con đã rất sai với mẹ. Nhưng con mong mẹ hiểu rằng, dù con ở đâu, dù con đã lớn, thì với con, không ai có thể thay thế mẹ.

Sắp tới là ngày đại… đại… đại sự kiện (theo cách nói của bố mẹ chồng, các anh chị và những thành viên xa, gần khác), đó là kỉ niệm 40 năm ngày cưới của bố mẹ chồng tôi. Dâu, rể, con gái, con trai, tất cả đều xoắn xuýt, nhỏ to bàn bạc, sao để dành cho bố mẹ một món quà thật ý nghĩa mà không kém phần giá trị. Con dâu út của mẹ ngồi đó, im lặng, lắng nghe. Những lời đó đưa con đi thật xa, bay mãi về miền kí ức của nhiều năm về trước...
 
Con nghĩ về những ngày đã qua trong cuộc đời mình. Ngày con xa nhà, bắt đầu cuộc sống sinh viên. Đến bây giờ con 29 tuổi, đã có hơn 11 năm sống xa mẹ. Có bao giờ con tặng quà cho bố  mẹ vào ngày cưới, có bao giờ con lại tỏ ra hân hoan, hồ hởi thế này chưa? Chợt thấy thương mẹ hơn bao giờ hết.
 
Người ta bảo “Dâu là con, rể là khách”, con nghiệm ra thật đúng. Về làm dâu, con thức khuya dậy sớm, nhà cửa, bếp núc lúc nào cũng cố gắng tinh tươm. Con lắng nghe lời mẹ chồng dạy bảo rất chăm chú và có phần hơi nhiệt tình thái quá! Con xăng xái chở mẹ chồng đi chợ vào mỗi sáng cuối tuần, lăng xăng chạy phía sau, tay xách nách mang, nào là thức ăn, hoa trái và ti tỉ những thứ lặt vặt khác. Nhiều khi nặng muốn tê tái bàn tay mà miệng vẫn cười ra vẻ sung sướng lắm.
 
 
Mẹ chồng ốm, một ngày đi làm con điện về hỏi thăm dăm bảy lần. Còn mỗi lúc ở nhà, con ra vào thăm hỏi, vắt cho mẹ ly nước cam, đưa cho mẹ từng viên thuốc... Con luôn cố gắng đáp ứng tối đa những nhu cầu  của bố mẹ chồng. Này là gấp quần áo phải thật vuông thành sắc cạnh, ấm trà xanh sáng sớm thức giấc đã có sẵn trên bàn, nhà cửa lúc nào cũng sạch bong, mặt bàn bao giờ cũng bóng loáng...
 
Nhưng với mẹ thì rất ít khi con như thế. Con càu nhàu nếu bị mẹ đánh thức vào buổi sáng, con cằn nhằn nếu món ăn không hợp khẩu vị, thậm chí đôi lúc con cãi lại mẹ chỉ vì mẹ nói những chuyện con không muốn nghe... Mẹ chỉ cười. “Ừ thì cho mày ngủ thêm chút nữa”, hay “Thôi để hôm sau mẹ nấu ngon hơn”.
 
Cùng gọi là mẹ đấy nhưng mọi sự dường như quá khác. Chỉ đến khi đã lấy chồng, sống cùng bố mẹ chồng, con mới cảm nhận rõ ràng sự khác biệt lớn lao ấy. Và con biết, con đã rất sai với mẹ. Nhưng con mong mẹ hiểu rằng, dù con ở đâu, dù con đã lớn, thì với con, không ai có thể thay thế mẹ. Mẹ của con, luôn bao dung và độ lượng.
 
Con còn nhớ, ngày con mới tốt nghiệp cấp 3, mẹ khăn gói đưa con đi thi đại học. Mẹ con mình cùng nằm co ro trong căn nhà trọ chật chội, chỉ 10m2 mà tới gần 10 con người chen chúc. Mẹ nhường cho con chỗ nằm rộng hơn để con có giấc ngủ tốt, để con có thể thật minh mẫn khi làm bài thi vào sáng hôm sau.
 
Rồi ngày con nhận giấy báo đại học, mẹ khóc. Vì cớ gì? Con chỉ hiểu đơn giản là vì  mẹ vui, mẹ tự hào vì con mẹ là đứa duy nhất trong 6 đứa cùng lứa trong xóm ngày ấy đậu đại học, mà lại là Đại học Sư phạm TP. Mãi sau này, khi lớn hơn một chút, con mới hiểu rằng, đó còn là giọt nước mắt lo âu. Rồi đây con sẽ phải xa mẹ, con sẽ sống và học tập ở một thành phố xa xôi, đầy cạm bẫy. Ai sẽ lo cho con, ai gọi con vào mỗi buổi sáng, ai nhắc nhở con tối ngủ phải buông màn, ai chăm con những khi con ốm?
 
Lớn hơn cả niềm vui là nỗi lo ấy của mẹ. 18 tuổi, con bước những bước chập chững vào đời, bắt đầu xa mẹ, con hồ hởi, tràn đầy nhiệt huyết, có biết đâu, bao nỗi lo âu chất đầy trong mắt mẹ...
 

4 năm đại học rồi cũng dần trôi qua, bao lần mẹ vào thăm con, bấy nhiêu lần trở về  là bấy nhiêu lần mẹ khóc.  Những lần mẹ vào thăm, nằm cùng con trong căn gác chật, nhìn thấy mấy chú chuột chạy loanh quanh trong nhà, mẹ thao thức cả đêm. Nhà ở quê rộng thênh thang, cây trái bốn mùa, không gian thoáng đãng; sao con gái mẹ phải chịu cảnh trọ vất vả thế này. Rồi buồn, rồi thương...

Vậy rồi, 4 năm cũng qua đi, mẹ bảo: “Con về nhà làm đi, được gần cha gần mẹ. Con gái, ở xa cha mẹ, sau này khổ lắm”. Thật sự, cho đến tận bây giờ, con cũng không hiểu vì sao và cái gì đã níu chân con ở lại mảnh đất này. Công việc, cuộc sống bộn bề cứ cuốn con đi, hết ngày này qua ngày khác, hết năm này qua năm khác.
 
Thấm thoát mà đã 11 năm rồi. Một con số quả là dài, phải không mẹ? 
 
Thật lòng, nếu được chọn lại, con sẽ chọn về bên mẹ, được sống trong tình thương yêu của mẹ, trong tình cảm thân ái của bè bạn, xóm giềng... Đối với con, không đâu đẹp bằng quê mình, không đâu  thân thương bằng quê mình, và không đầu tình cảm ấm áp bằng con người quê mình, mẹ ạ.
 
Ngày 1.1.2012, ngày vui nhất. Ngày cưới của con. Con đọc được niềm vui trong mắt mẹ. Vậy là cuối cùng sau bao thúc giục, sau bao ngày nhắc nhở con (nhẹ nhàng có, ác liệt có), cuối cùng quả bom nổ chậm còn lại trong nhà ta cũng có một người dưng tình nguyện  rước về. Mẹ vui vì con lấy được người chồng hiền lành, công việc ổn định, nhà cửa khang trang (đúng như tiêu chí của bố mẹ vẫn luôn "trao đổi" cùng con).
 
29 tuổi, con lập gia đình, đối với mẹ đã là quá muộn. Ngày đám hỏi con, mẹ nói chuyện với bà thông gia mà khóc rấm rức. Mẹ gửi gắm con cho bà, mong bà yêu thương con, dạy dỗ con, chỉ bảo cho con những điều hay lẽ phải. Mẹ cầm tay bà, thỏ thẻ, mong bà bao dung bỏ qua cho con những điều chưa phải. Mẹ nói rằng, 18 tuổi, mẹ dắt tay con vào Sài gòn đi học, con sống xa mẹ. Con có thể rất uyên thâm về kiến thức nhưng có thể sẽ kém cỏi về ứng xử, đối nhân xử thế. Mẹ mong bà đừng chắp nhặt con những điều như thế. Mong bà đừng coi con là dâu, hãy coi con như con gái bà mà hết lòng yêu thương, dạy dỗ. Con nghe mà rớt nước mắt mẹ à.
 

Trong ngày vui nhất ấy, niềm vui của mẹ có khi còn lớn hơn niềm hạnh phúc của con. Mẹ mừng vì từ nay con đã có một tổ ấm của riêng mình, đã có chồng con bên cạnh chia sẻ với con vui buồn. Mừng vì khi con đau ốm, con có người thân bên cạnh. Kể sao cho hết niềm vui, niềm hân hoan trong mắt mẹ.

Ngày 1-1-2012, ngày buồn nhất. Con cưới chồng. Niềm hạnh phúc xen lẫn nỗi buồn trong nụ cười của con. Tại thời điểm ấy, con cảm nhận rất rõ rằng, con muốn được ở bên mẹ, con muốn được sống gần mẹ biết bao. Con ra trường, đi làm. Mãi bon chen giữa dòng đời tấp nập, con đã  không có thời gian ngưng lại để nghĩ nhiều về mẹ, không có thời gian ngưng lại để cảm nhận cho rõ lòng con, tình cảm của con, không có thời gian ngưng lại để biết đối với con điều gì là quan trọng nhất. Con nhận ra rằng gia đình là thứ thiêng liêng, quý giá nhất.
 
Nhưng cũng đúng lúc con nhận ra chân lý ấy thì cũng là lúc con xa mẹ. Con không thể tự do đi về mỗi khi con muốn, con cũng không thể về thăm mẹ trong những kì nghỉ, trong những ngày lễ tết. Con cũng không thể đến ngay bên mẹ khi mẹ bệnh đau. Rất nhiều việc của con, đã không còn hoàn toàn do con quyết định. Nhưng con mong mẹ hiểu rằng, dù ở đâu, dù con đã lớn, hay sau này con già lão đi, thì đối với con, mẹ vẫn luôn là niềm vui sống, là niềm an ủi, là bến bờ yêu thương của con trong suốt cuộc đời này.

Mẹ của con, con muốn một lần đủ can đảm để nói được 3 tiếng: Con yêu mẹ. Nhưng có lẽ con và cũng như nhiều người khác nữa cảm thấy thẹn thùng khi nói thế. Thôi thì mong những người em, người bạn của con, sẽ giúp con đem nỗi lòng này đến với mẹ, để mẹ hiểu rằng, con yêu mẹ biết bao...

Mẹ và con, ngày buồn nhất và ngày vui nhất. 

Chia sẻ