Ngất xỉu khi con trai đòi cưới gái "nạ dòng"

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Hàng xóm chạy túa sang khi nghe tiếng rú của bà Liên, thấy bà nằm lịm giữa đám con cái nhớn nhác. Hóa ra là vì anh con trai đòi lấy vợ.

Đẻ cố đến lần thứ tư mới được mụn con trai nên bà Liên (62 tuổi, sống ở Cần Thơ) cứ mong đêm mong ngày là có dâu, có cháu. Ấy thế mà khi Toản, con trai bà, “khoe” vợ chưa cưới của mình thì bà thấy như đất trời sụp đổ.

Khóc ngất khi con lấy “vợ thừa”

Toản rời gia đình ở Cần Thơ lên TP HCM làm việc từ 5 năm nay. Nhớ con, bà Liên càng sốt ruột chuyện hôn nhân của Toản, một phần cũng vì anh đã 31 tuổi. Mỗi lần con về hay mỗi khi gọi điện, bà đều giục giã: “Mày định để mẹ chết mà không có cháu bế hả con?”.

Dịp rằm tháng giêng vừa qua, Toản nói với mẹ là anh đã có ý trung nhân, và sẽ cưới vào tháng tư âm lịch nếu mẹ cho phép. Bà Liên đứng tim vì sung sướng, vội vàng hỏi han cặn kẽ về nàng dâu tương lai, để rồi đứng tim lần nữa khi biết cô hơn Toản ba tuổi, đã có một đời chồng và đứa con trai 8 tuổi. Bà hét lên một tiếng rồi ngất xỉu. Hàng xóm tưởng có tai nạn chết người, rầm rập chạy sang.

Mấy ngày sau đó, nhà Toản như có đám ma. Bà Liên bỏ ăn bỏ ngủ, khóc lăn khóc lóc, tóc tai rũ rượi, đấm ngực kêu trời rằng “tôi có ăn ở thất nhân thất đức gì đâu mà trời nỡ hại tôi thế này”. Cả nhà không ai khuyên giải được, chỉ sợ bà kiệt sức sinh bệnh.
 

Nhà bà Quy ở quận Tây Hồ, Hà Nội cũng như có bão khi cậu con út tên Hưởng dẫn người yêu về nhà. Nhìn cô gái có vẻ già dặn, ghê gớm, lại không có chút nào xinh xắn, bà đã không ưa rồi. Đến khi biết cô đã ly dị chồng cũ cách đây một năm thì bà đánh rơi cả khay đựng đá mà bà định bỏ vào lý nước cho con dâu tương lai. Chẳng nói chẳng rằng, bà ngồi thụp xuống đất, ôm mặt khóc òa lên ai oán, đến nỗi chồng và các con thấy ngượng với khách, khuyên giải không được đành phải cố dìu bà vào phòng.

“Cháu ơi, khuyên chúng nó bỏ nhau hộ bác”

Sau cơn sốc biết con muốn lấy “vợ thừa”, nhiều bà mẹ lau nước mắt với quyết tâm hừng hực là ngăn cản chuyện tình dại dột của con trai. Sau khi Toản trở lại TP HCM, bà Liên lôi cuốn sổ ghi số điện thoại, gọi cho tất cả họ hàng của mình và bạn bè Toản mà bà biết ở TP HCM, yêu cầu “khuyên” hộ. “Cháu ơi, bác có mỗi nó là con trai, đặt vào nó bao nhiêu hy vọng, vậy mà nó u mê ngu xuẩn như vậy. Cháu thương bác mà can nó đi, chia rẽ chúng nó đi, làm cho chúng nó bỏ nhau đi…”, bà nói chuyện với cô cháu ruột vốn khá thân với Toản.

Với bà Trần Thị Bé ở quận Bình Thạnh, TP HCM, việc “cứu vớt đời trai” của con không chỉ dừng lại ở lời nói, mà bà ra tay quyết liệt. Con bà vừa đẹp trai vừa biết làm ăn, mới 28 tuổi đã có nhà lầu xe hơi và vài ba miếng đất trong thành phố, vậy mà chẳng hiểu sao lại “đâm đầu” đòi cưới một cô giáo tiếng Anh từ quê lên, sống trong khu trọ tồi tàn với đứa con gái ba tuổi, kết quả cuộc hôn nhân trước. Không chỉ đến gặp cô gái ở nhà trọ để cấm đoán, đe dọa, bà còn tìm về quê, đến tận nhà bố mẹ cô để lăng nhục, yêu cầu họ can thiệp để cắt đứt mối tình chênh lệch này. Với con trai, bà dựng chuyện để vu khống cô gái, mong anh “mở mắt”. Cuộc “tổng tiến công nhiều mặt này” đã có kết quả: chàng trai hiểu lầm bạn gái, cô gái bị tổn thương danh dự, lại căm hận vì cả gia đình bị nhục mạ nên cũng chẳng thèm thanh minh, thế là chia tay.

Nước mắt rồi cũng chảy xuôi

Đứa con trai luôn là niềm tự hào và hy vọng của bà mẹ nên khi biết nó sẽ lấy cô gái từng  có chồng có con, bà mẹ nào cũng sốc, đau buồn và phản xạ đầu tiên là mong con mình sớm “tỉnh ngộ”. Nhưng nếu đó là tình yêu đích thực của anh con trai và anh quyết tâm cưới, thì phần lớn phụ huynh đành “đầu hàng”. Bà mẹ của Toản cũng vậy, tuy phản ứng dữ dội bằng các màn ngất xỉu, khóc lóc chết đi sống lại, gọi điện cầu cứu khắp nơi nhưng chỉ ít ngày sau, bà Liên đã bình tâm lại.

Bà nói chuyện với con trai, với những người quen từng tiếp xúc với “nàng dâu bất đắc dĩ kia” để tìm hiểu về cô và xem tình cảm của con mình đến mức độ nào. Thấy rõ cô gái là người đáng mến và Toản không thể sống thiếu cô được, bà thở dài: “Âu là cái duyên cái số”. Mấy ngày sau, người yêu Toản vô cùng sửng sốt và cảm động phát khóc khi thấy bà gọi điện nói về kế hoạch cưới xin, lại còn dặn dò cô giữ gìn sức khỏe.

Bà Quy cũng vậy, sau màn “ăn vạ” trước mặt bạn gái của con trong ngày cô đến ra mắt, bà bị cả nhà phê bình và vẫn khăng khăng phản đối cuộc hôn nhân. Nhưng sau mấy lần đau ốm được cô gái chăm sóc, giúp đỡ việc nhà bằng vẻ đảm đang, tháo vát hiếm thấy, bà đã xiêu xiêu. Đến khi nhà bà gặp rắc rối về chuyện tranh chấp đất đai, được cô vận dụng các mối quan hệ giải quyết êm đẹp thì bà “tâm phục khẩu phục”.

Nhưng sự nghĩ lại của các bà mẹ đôi khi lại quá muộn, như trường hợp của bà Bé. Sau những ngày hài lòng, hả hê vì chia rẽ được con mình với cô giáo viên tiếng Anh, bà lo lắng thấy đã một năm rưỡi trôi qua mà con luôn buồn bã, chán đời và ngày một rượu chè bê tha. Ân hận vì hiểu rằng con mình vẫn yêu cô gái đó, bà âm thầm tìm cách nối lại, nhưng cô gái đã có bạn trai mới mất rồi. 
Chia sẻ