"Mù tịt" về công việc của chồng

,
Chia sẻ

Kể lể rằng chẳng hiểu công việc mới của chồng thế nào, hay đi đêm về hôm, Thuận bị đồng nghiệp khích: ‘Anh nhà cậu có bồ 100% rồi. Không quản lý nghiêm thì có ngày hối không kịp’.

Khả năng ấy, Thuận cũng đã tính đến nhưng không có bằng chứng thuyết phục. Chồng Thuận tốt nghiệp công nghệ tin học, rất chăm chỉ. Công việc của chồng, Thuận chỉ biết mang máng là làm lập trình cho một công ty phần mềm của Mỹ, lương tháng vài trăm USD. Cụ thể lương bao nhiêu, công ty nhiều người không, chồng mình làm ở phòng nào, công việc chi tiết hàng ngày là gì, có áp lực hay stress gì không thì cô không khai thác được vì có hỏi, chồng cũng không nói.

Ảnh minh họa.

“Mình mà chán sếp hay mệt mỏi với công việc là than thở ngay. Làm gì, ăn trưa với ai cũng kể cho chồng rõ ràng. Còn chồng mình, có hỏi thăm công việc của anh bận rộn không, có được tăng lương không, có nhân viên mới không… thì đáp án lúc nào cũng là ‘bình thường’ hoặc ‘không có gì mới, vẫn như thế” – Thuận chia sẻ.

Chồng Thuận còn tìm việc làm thêm. Lúc nào Thuận thấy có í ới điện thoại là chồng xách cặp, vội vàng phóng xe đi. Cô hỏi, anh cũng chỉ đáp qua quýt: “Đi gặp khách hàng” mà cô cũng không thể biết khách hàng đó ở đâu, thu nhập thêm là bao nhiêu… Thuận cho biết, nhiều lúc cũng tủi thân vì không được chồng chia sẻ nhưng chẳng biết phải làm sao. Cô đã cố gắng hỏi thăm chồng nhiều lần nhưng không có kết quả.

Cùng cảnh với Thuận, Nhâm (Thanh Xuân, Hà Nội) có chồng làm cơ khí cho một công ty ôtô. Lương tháng của chồng Nhâm không biết vì chuyển khoản hết. Chồng cô khai là chỉ lấy 1/3 lương để chi phí cá nhân, xăng xe, điện thoại. Thấy chồng không hút thuốc, rượu chè, đề đóm, chỉ thỉnh thoảng “cà phê cà pháo” với bạn bè, Nhâm cũng yên tâm. Sinh hoạt hàng ngày là do lương của Nhâm. Tiền của chồng tích cóp để mua nhà. Lúc tò mò, Nhâm có ý hỏi chồng tiết kiệm được bao nhiêu nhưng anh xã không nói cụ thể, chỉ đại khái là vài trăm triệu.

Công việc hàng ngày vợ chồng cũng ít chia sẻ. Thường là chỉ mình Nhâm kể chuyện ở cơ quan mình, còn chồng ngồi nghe. Có lần thấy mặt chồng rầu rầu, Nhâm đoán là có khó khăn trong công việc nhưng gặng hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời hờ hững: “Không có gì”. Dạo gần đây, Nhâm thấy chồng bảo đi làm ăn cùng sếp, ngày nào cũng 9-10h tối mới về, chủ nhật cũng hiếm khi ở nhà nên đâm lo. Chồng Nhâm chẳng bao giờ khai đi những đâu, làm những gì, chỉ biết phóng xe thanh minh: “có việc”.

Nhâm bảo, nhiều khi cô cũng buồn và cô đơn, giá mà biết chồng làm gì, gặp ai, ở đâu thì yên tâm hơn. Tuy nhiên, hỏi han nhiều thì chồng lại cáu gắt, không hợp tác nên cô đành thôi. Mãi rồi cứ như một thói quen thế.

Bí kíp ‘khai thác’ chồng

Khá nhiều phụ nữ than phiền rằng, hiếm khi nghe được chồng thổ lộ cảm xúc, nhất là những bế tắc trong công việc. Vấn đề là phụ nữ thích chia sẻ, còn nam giới coi trọng hành động hơn lời nói. Không ít anh chồng không muốn vợ lo lắng nên “giấu nhẹm” khi thất bại hay gặp khó khăn trong công việc. Có anh thì cho rằng nói ra, vợ cũng không giải quyết được gì nên tự mình gánh vác.

Lý do khác là do phụ nữ chưa biết cách để các anh mở lời. Nhiều người vợ có tật hay chê bai, nếu biết chồng chậm thăng tiến, bị cắt thưởng hay sếp “trù dập” thể nào cũng chỉ trích chồng. Đàn ông thì sợ nhất là bị vợ coi thường nên để tự phòng vệ, các anh thích im lặng là hơn. Những câu như “Chuyện đấy mà anh không làm được à?” hay “Anh để đồng nghiệp qua mặt mà còn ngồi im thế sao?” khiến bất cứ anh chồng nào cũng chọn cách “im là hơn”. Nếu vợ biết lắng nghe, biết thông cảm, không chê bai hay áp đặt suy nghĩ của mình thì chồng sẽ thích trò chuyện hơn.

Ở trường hợp này, cách tốt nhất để tìm nói chung với chồng là chia sẻ kinh nghiệm của bản thân. Nếu chồng bạn buồn vì ý tưởng mới bị bác bỏ thì người vợ hãy kể cho chồng những thất bại tương tự của mình. Khi có sự đồng cảm, người chồng sẽ có cảm giác được an ủi, từ đó, cuộc trò chuyện sẽ suôn sẻ hơn.

Ngoài ra, cũng tránh đặt áp lực lên vai chồng. Nếu trong mắt vợ, người chồng là một lãnh đạo cừ khôi thì anh ấy rất khó để chia sẻ thất bại. Nếu luôn kiếm được rất nhiều tiền về cho vợ thì anh ấy không dám thổ lộ bị lừa mất số tiền không nhỏ. Nhất là khi tiền mất sẽ khiến người vợ xót ruột, cằn nhằn, chì chiết chồng nhiều hơn. Điều đàn ông sợ nữa là những khó khăn của mình sẽ bị vợ “buôn” với bạn bè, người thân, đồng nghiệp. Sau đó, bị vợ so sánh về khả năng kiếm tiền với chồng của người khác.

Cuối cùng có những anh bản thân đã kiệm lời, dù vợ tìm rất nhiều cách “khai thác”. Có thể không cần ngay lập tức biết hết về công việc của chồng mà ngày qua ngày, “moi” một ít thông tin. Không anh nào thích về đến nhà là phải trả lời hàng đống câu hỏi dồn dập của vợ. Cũng không anh nào muốn chuẩn bị bước chân ra khỏi nhà phải trình báo vợ kỹ càng. Sự quan tâm chi tiết của vợ, chưa kể nhiều cô còn muốn lãnh đạo chồng khiến anh ấy chán và ngại chia sẻ.
 
Theo Me&be
Chia sẻ