Một mảnh đời của gia đình vợ Việt chồng Hàn

Theo NYT/ VnE,
Chia sẻ

Cuối cùng thì ông Bùi Văn Vui cũng được sống ba tháng trong ngôi nhà mới mà hai cô con gái lấy chồng Hàn Quốc giúp xây nên. Ngôi nhà là mơ ước của vợ chồng ông và của các cô con gái lấy chồng xa.

Khi đang phải đối mặt với tử thần do mắc căn bệnh ung thư vòm họng, ông Vui đã phải giục thợ xây dựng làm nhanh bằng cách viết nguệch ngoạc lên những mẩu giấy, bởi ông không còn nói được nữa.

Căn nhà hai tầng mới khang trang che khuất hẳn ngôi nhà cũ nhỏ, nơi gia đình ông Vui đã sống đến hơn một phần tư thế kỷ. Ở vùng nông thôn phía bắc, gần Hải Phòng này, từ rất xa đã có thể nhận ra màu ngói mới đỏ tươi của ngôi nhà nổi bật hẳn trong khung cảnh của những con đường bùn đất, những cánh đồng lúa và bụi chuối tiêu.

“Ngôi nhà này là mơ ước của ông ấy,” người vợ góa của ông Vui, bà Nguyễn Thị Nguyệt, 60 tuổi, nói vào một buổi chiều thứ bảy. Trong lúc nói chuyện thỉnh thoảng bà lại phải đuổi những con gà từ phía sân cứ đòi nhảy lên bậc tam cấp bằng đá dẫn vào phòng khách.

Ngôi nhà của ông Vui và bà Nguyệt ở Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh: NYT

Ngôi nhà của ông Vui và bà Nguyệt ở Quảng Yên, Quảng Ninh. Ảnh: NYT

Cũng như nhiều gia đình khác ở nông thôn, kinh tế gia đình bà đã khấm khá hơn nhờ có các cô con gái lấy chồng Hàn Quốc. Họ lấy chồng ngoại với mong muốn đổi đời và giúp đỡ cha mẹ. Số tiền họ kiếm được ở Hàn Quốc, gửi đều đặn về cho gia đình ở những vùng quê nhỏ bé như Quảng Yên, đã biến thành những ngôi nhà mới khang trang hơn, mặc dù sự khấm khá này chẳng là gì so với những chiếc Lexus SUV ưa thích của các thương gia ở Hà Nội, nơi cách Quảng Yên độ hơn trăm km về phía tây.

Những ông chồng Hàn của các cô gái Việt trẻ trung này, thường là những người khó tìm được vợ ở Hàn Quốc, bởi họ là những người có thu nhập thấp hoặc đã trải qua một đời vợ. Cuộc cạnh tranh khốc liệt trong thị trường hôn nhân đã tạo điều kiện cho dịch vụ môi giới kết hôn bùng nổ. Các công ty môi giới thường đưa những người đàn ông này đến những quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, để chọn vợ qua những cuộc gặp mặt diễn ra chóng vánh.

Trong một cuộc gặp mặt như vậy vào năm 2007, cô con gái lúc đó 22 tuổi của ông Vui và bà Nguyệt, Bùi Thị Thùy đã gặp được người chồng của mình, ông Kim Tae-goo, một nông dân trồng táo góa vợ ngoài 50 tuổi. Ở quán karaoke Ngôi sao May mắn, tại Hà Nội lúc đó, trong số khoảng hơn hai chục cô gái đến dự buổi xem mặt, lúc đầu không một cô nào muốn lấy ông Kim. Nhưng Thùy và hai cô nữa đã bước lên sau khi ông Kim hứa mỗi tháng sẽ gửi 100 USD về Việt Nam cho bố mẹ của cô gái nào đồng ý lấy ông.

Cô Bùi Thị Thùy và chồng Kim Tae-goo

Người chồng Hàn Quốc Kim Tae-goo cùng cô dâu Bùi Thị Thùy và bố mẹ họ hàng cô trong lễ cưới ở Việt Nam năm 2007. Ảnh: IHT.

Thùy và ông chồng họ Kim đã có một cuộc sống ổn định tại một ngôi làng nhỏ ở Hàn Quốc. Một năm sau cô sinh được một bé gái. Tuy nhiên hai vợ chồng đã chia tay từ cách đây một năm. Hiện Thùy sống tại Seoul với em gái mình, cũng lấy chồng Hàn Quốc.

Trong đám cưới của Thùy và Kim năm 2007 tại Hà Nội, ông Vui không giấu được sự thất vọng vì cô con gái lấy một người chồng cỡ tuổi bố mình. Nhận ra điều

Phóng viên Norimitsu Onishi của tờ New York Times từng viết loạt bài về hôn nhân giữa phụ nữ Việt và các ông chồng Hàn. Năm 2007, khi đi theo những người đàn ông Hàn đến Việt Nam tìm vợ, anh viết về đám cưới của cô Bùi Thị Thùy và ông Kim Taegoo. Sau đó anh viết tiếp về cuộc sống của Thùy sau khi ổn định tại Hàn Quốc. Nhiều năm sau, anh về lại Quảng Yên, quê của Thùy để viết về những thay đổi của gia đình cô.

không vui của bố vợ, ông Kim nhắc đến việc mỗi tháng ông sẽ gửi 100 USD về cho gia đình vợ.

“Nhưng Kim không giữ lời hứa,” bà Nguyệt nói về ông con rể. Trong bốn năm, Kim gửi tất cả là 880 USD. “Nó cũng nghèo.”

Ông Kim từ chối trả lời phỏng vấn cho bài báo này.

Ngược lại bà Nguyệt cho biết mỗi tháng bà nhận được hơn 100 USD từ cô con gái thứ tư, em của Thùy, và con rể cũng người Hàn. Ngoài khoản tiền 100 USD của chồng, cô còn gửi cho bố mẹ một phần thu nhập cô kiếm được từ việc làm thêm.

Hai vợ chồng cô đã cho bố mẹ được một nửa số tiền trong tổng số 20.000 USD chi phí cho việc xây ngôi nhà mới, bà Nguyệt nói. Phần còn lại là do gia đình bà bán đất để lấy tiền bù thêm.

Chắc chắn gia đình bà không thể nào xây nổi ngôi nhà nếu chỉ dựa hoàn toàn vào khoản thu nhập nhỏ nhoi của ông Vui. Ngoài việc đồng áng, ông Vui còn đi bốc vác cát và đá thuê ở bến cảng gần đó. Mỗi tháng ông kiếm được khoảng 120 USD.

“Số ông ấy vất vả lắm,” bà Nguyệt nói. “Bố mẹ chồng tôi chết từ khi ông ấy còn bé. Suốt đời ông ấy lúc nào cũng nghèo. Đến khi con cái có thể giúp đỡ được bố mẹ thì ông ấy lại đi.”

Bà Nguyệt gặp ông Vui vào đầu năm 1970 khi ông tham gia bộ đội chống Mỹ. Bản thân bà cũng tham gia phụ nữ du kích. Hai người đến với nhau. Tuy nhiên vì bà nhiều hơn ông hai tuổi, cả hai đã phải nói dối họ hàng hai bên về tuổi của mình. Năm 1974 hai người làm đám cưới.

Hai ông bà có năm người con, bốn gái, một trai. Thùy là con gái thứ ba. Theo mẹ cô kể, ngày bé Thùy được bố cưng chiều nhất nhà. Thùy hiền lành và chăm chỉ, bà Nguyệt nói. Mới 11 tuổi Thùy lúc nào cũng luôn chân luôn tay làm việc nhà, khiến hàng xóm họ hàng đều gọi cô là cô Tấm.

“Tôi có bốn đứa con gái, nhưng nó làm hết mọi việc. Những đứa khác chẳng phải làm gì cả,” bà Nguyệt nói.

Sau khi cho hai cô con gái lấy chồng Hàn, gia đình bà bắt đầu dự tính xây nhà mới, bởi đó không chỉ là ước mơ của ông Vui mà còn là của cả những đứa con gái lấy chồng xa của ông bà nữa.

“Chúng tôi muốn làm một điều gì đó cho bố mẹ - và ngôi nhà mới chính là kế hoạch đó,” Thùy nói qua điện thoại từ Hàn Quốc.

Cô Bùi Thị Thùy và chồng mới cưới, cùng một cặp khác cũng gặp nhau tại quán Ngôi sao May mắn và nên duyên cùng ngày. Ảnh: IHT.

Cô Bùi Thị Thùy và chồng mới cưới, cùng một cặp khác cũng gặp nhau tại quán Ngôi sao May mắn và nên duyên cùng ngày. Ảnh: IHT.

Để xây ngôi nhà mới, móng cần được gia cố, bởi vị trí ngôi nhà nằm trên vùng đất mượn nên nền nhà bị yếu. Nhưng ngay khi thợ đổ xong móng vào đầu năm 2010, cũng là lúc ông Vui phát hiện bị ung thư vòm họng.

Ông Vui hoãn việc xây nhà để đi Hà Nội chữa chạy. Tuy nhiên khi biết việc điều trị không có hiệu quả, ông quyết định dồn sức lực cuối cùng của mình vào việc hoàn thành ngôi nhà. Ông đắn đo chọn lựa từng viên gạch, chỉ dẫn tỉ mỉ cho thợ xây dựng từng cái cửa lớn, hay cửa sổ cho đúng kích cỡ.

Việc xây dựng hoàn tất vào tháng 10 năm 2010. Ba tháng cuối trước khi qua đời, ông Vui rất yếu. Ông không thể nào leo lên phòng ngủ trên tầng hai, nơi ông ưa thích nhất, để từ đó phóng tầm mắt ra ruộng lúa xung quanh. Tế bào ung thư đã to bằng quả bưởi, khiến ông không còn nói chuyện được với người nhà, kể cả Thùy, cô con gái bay về thăm bố từ Hàn Quốc.

Đám tang ông Vui có tám sĩ quan khiêng linh cữu. Sau đám tang, Thùy trở lại Hàn Quốc. Tuy nhiên bố mẹ cô đã dành cho cô một phần đất nhỏ bên cạnh ngôi nhà mới.

“Khi con nó lớn, có thể Thùy sẽ quay về sống ở đây,” mẹ cô nói khi đứng trước sân. Lúc đó trời đã bắt đầu tối. Có thể thấy một vết nứt chạy dài gần hết bờ hè, bà Nguyệt cho rằng đó là do nền đất yếu. Trong lúc bà nói chuyện với khách, hai con gà trống lẻn được vào nhà khiến bà Nguyệt phải chạy đuổi chúng ra.

Một con gà chạy lòng vòng ngang phòng khách đến gần bàn thờ của ông Vui. Trên bàn thờ, hương hoa cắm đầy trước tấm ảnh ông mặc quân phục. Theo truyền thống, những thứ được cho là cần thiết cho người ở thế giới bên kia cũng được bày biện trên bàn thờ như đồ uống, thuốc lá, hoa quả, cả tiền và vàng bằng giấy nữa.

Chia sẻ