“Mếu” với những ông chồng cam chịu cảnh… “mặc váy”

Mộc Miên,
Chia sẻ

Nhiều hôm về nhà, quần quật làm việc nhà, nghe vợ hả hê cười đùa với mấy mụ bạn sề: "“Sao mày phải “dạ” với nó? Chồng chứ có phải là ba mày đâu, vợ chồng phải bình đẳng, nó gọi thì mày “ừ” hoặc bảo là "cái gì!". Chỉ vậy thôi” mà anh thấy cay đắng.

Phụ nữ dù mạnh mẽ đến đâu thì cũng luôn muốn người đàn ông bên cạnh mình - người chồng của mình là chỗ dựa vững chắc, sẵn sàng gánh vác công to, việc lớn trong gia đình. Thế nhưng thực tế lại có những ông chồng suốt ngày chỉ biết cúc cung phục vụ, cum cúp khi nghe vợ hỏi, “vâng dạ” khi vợ nhắc đến tên.

Đã nhất vợ, nhì trời thì thôi… đành im lặng

Có rất nhiều ông chồng luôn đề cao mục tiêu “nhường vợ”, vợ nói gì cũng ậm ờ cho qua, lấy châm ngôn “một điều nhịn, chín điều lành” để cho nhà cửa trong ấm, ngoài êm. Cũng có nhiều ông chồng biết rõ được mặt trái của việc nhường nhịn, chiều chuộng vợ thái quá có thể khiến bản thân mình bị vợ “lấn tới”, giành thế thượng phong… rồi đâm ra xem thường chồng, coi chồng không bằng một nắm giẻ rách nhưng vẫn tặc lưỡi: “Nhịn vợ chứ có nhịn ai đâu mà thiệt”. Để rồi đến lúc người ngoài nhìn vào, có cố thể hiện cái oai cũng không còn kịp.

Từ đầu phố đến cuối ngõ, không ai còn lạ lẫm gì với cảnh mỗi chiều anh Lý, sau giờ tan sở về lại lóc cóc lôi chiếc xe đạp cà tàng trong góc nhà ra, vội vàng phóng ra chợ cập rập một tay chọn rau, cá, thịt một tay không quên ghi ghi chép chép vào cuốn sổ chi tiêu hàng tháng mà chị Bình – vợ anh, giao phó. Các bà bán hàng từ đầu chợ đến cuối chợ không ai là không biết anh Lý. Có hôm thấy anh mặt phờ phạc đứng ở cổng chợ đưa tay lên quệt mồ hôi đang rịn ra ở trán, nhiều bà bông đùa: “Chị Lý lại đi chợ đấy à?” rồi phá lên cười như nắc nẻ, anh cũng chả ngại ngần cười tươi như hoa đáp lại.
 

Nghĩ cũng cực thân, lấy vợ về tưởng thoát được kiếp chợ búa từ hồi còn độc thân nhưng xem ra anh không có số “đàn ông sung sướng”, lấy vợ song một cái, vợ chửa rồi đẻ… khiến cuộc sống của anh cứ nháo nhào bếp núc. Lời vợ như lời thánh phán anh cứ cung cúc phục vụ bởi nếu không, có đứng ở đầu phường cũng nghe thấy tiếng vợ anh rít lên từng hồi đay nghiến. Cũng đã có lần, bực mình vung tay, giáng cho vợ một cái tát vào má nhưng hậu quả là cả nhà anh từ trên xuống dưới bị vợ lôi ra chửi tanh bành cho hả giận trước khi ôm con về nhà ngoại.

Đáng ra để trị tiệt nọc thói hỗn láo của vợ thì anh nên mặc kệ, có chân đi ắt có chân về. Đằng này, mới một hôm vợ khăn gói quả mướp bế thằng con đi, anh không chịu nổi, lại “trơ trơ cái mặt” đến năn nỉ vợ về nhà. Lần một, lần hai, nắm được thóp của ông chồng “coi vợ còn hơn trời”, chị Bình tha hồ ngang ngược, sai chồng như sai “con ở”, mắng chồng như mắng con... Cả nhà anh ban đầu còn lên tiếng chỉ trích vợ anh quá quắt nhưng dần dần họ cũng xúm vào nhiếc anh “sợ vợ như sợ thiên lôi”. Còn anh thì ậm ừ, cười trừ nếu không vợ anh bỏ đi anh lại khổ sở mà chạy theo năn nỉ.

Vợ gọi thì “dạ” mà dạy bảo thì phải “vâng”

Cũng gần tương tự như hoàn cảnh của anh Lý, anh Thực khi còn độc thân thì nêu cao khẩu hiệu: “Con gái thời nay phải năng động, bình đẳng với nam giới, mạnh mẽ và biết nắm cơ hội về tay mình”, thế nên khi lấy vợ, anh cũng chọn một cô vợ “tay làm một thì mồm năm miệng mười”, để cho vợ thoải mái “thể hiện”, chồng nói gì thì có thể “xối xả phản biện”. Nhưng rồi được một thời gian, vợ lý luận quá kinh khủng rồi kéo theo cả hai đứa con theo phe nên anh dần dần sống với vai trò “đầy tớ trung thành” của cả mấy mẹ con. Hễ anh lên tiếng phàn nàn về đứa con gái lớn lười biếng thì ngay lập tức chị trừng mắt: “Nó còn bận học hành, làm có tí việc đã than, hay là để tôi làm” thì anh lập tức mềm nhũn như bún.
 

Mỗi sáng, cả nhà còn say giấc, anh lọ mọ dậy nấu cơm, sắp sẵn vào 3 hộp cho vợ và hai con rồi lại hì hụi cho quần áo vào máy giặt. Chiều về lại đảo một vòng qua chợ, làn nọ làn kia những rau quả, thực phẩm chuẩn bị cho bữa tối và sáng ngày hôm sau. Vợ nắm kinh tế nên mỗi lần muốn “đảo chỉnh” anh lại bị cái triết lý đồng tiền của vợ chèn ngay ở cổ họng. Anh bất lực chịu cảnh vợ con coi thường, “mặc váy” phục vụ vợ con. Có lần hít thở thật sau, lấy hết can đảm “vùng lên” thế nhưng cuối cùng chỉ nhìn cái thế tay chống nạnh, mắt gườm gườm, miệng chuẩn bị chu ra quát tháo của vợ là anh chẳng còn biết mình đang định làm gì và muốn gì nữa.

Đã đành vợ không làm thì sức mình cố được cũng không sao, đằng này vợ “dạy” gì anh buộc lòng phải tuân theo nếu không thì sẽ “chịu cảnh lìa vợ, xa con”. Bởi vậy vợ bảo về quê tranh đất với anh em, anh cũng hùng hồn, mặt đỏ tía tai, chặt tre, cắm đất và đe dọa: “Đứa nào đụng vào đừng xong với ông”, thế là mất họ hàng, mất anh em.
 
Nhiều hôm về nhà, quần quật làm việc nhà, nghe vợ hả hê cười đùa với mấy mụ bạn sề: "“Sao mày phải “dạ” với nó? Chồng chứ có phải là ba mày đâu, vợ chồng phải bình đẳng, nó gọi thì mày “ừ” hoặc bảo là "cái gì!". Chỉ vậy thôi”, rồi nhìn xuống mớ tiền lẻ vợ mới dúi vào tay để anh đi chợ mà anh thấy cay đắng.
Chia sẻ