"Méo mặt" vì có mẹ chồng sĩ diện hão

Oải Hương,
Chia sẻ

Luôn được họ hàng và mọi người bên ngoài ca ngợi tốt nết, hào phóng, nhưng thực sự, cái tính tốt của những bà mẹ chồng này thực chất chỉ là sĩ diện hão. Điều này khiến nhiều nàng dâu phải khó chịu ra mặt.

Nếu người ngoài nhìn vào, ai cũng hết lời ca ngợi mẹ chồng Dung (Vạn Phúc, Hà Nội) tốt tính và hào phóng. Thực sự, nếu không sống cùng bà, chắc Dung cũng nghĩ như vậy. Song có sống cùng, Dung mới nhận ra, cái tính tốt ấy của mẹ chồng chỉ do quá sĩ diện hão mà thôi.

2 năm nay, mẹ chồng Dung cũng lên Hà Nội trông cháu cho vợ chồng cô nên cũng hiểu cuộc sống của vợ chồng Dung vất vả thế nào. Nhưng mỗi lần về quê, bà vẫn đòi hỏi các con phải chi bao khoản vô lý để "đẹp mặt" với chòm xóm, họ hàng.

“Vợ chồng mình mang tiếng sống trên thành phố nhưng ở trong căn nhà 27m2. Tuy chồng đi làm lương cao hơn vợ một chút nhưng công việc cũng vất vả lắm. Hơn nữa mỗi tháng vợ chồng cũng chỉ kiếm được khoảng 14 triệu trong khi có bao nhiêu khoản phải chi. Một nách vợ chồng mình vẫn phải lo đủ các công việc của bố mẹ chồng ở dưới quê và còn con nhỏ nữa nên khá vất vả. Vậy mà lần nào về quê, mẹ chồng cũng bắt vợ chồng phải có quà cho hàng xóm, họ hàng” - Người vợ trẻ này bức xúc kể.

Như không giấu nổi sự khó chịu với mẹ chồng sĩ diện hão, Dung nói tiếp: “Mà quà bánh mang về quê nào có phải ít. Mẹ chồng mình bắt người ít nhất cũng phải là phong bánh, gói kẹo. Đấy là bà con họ hàng xa thì thế. Còn bà con họ hàng gần thì bà bắt cho tiền. Người nhiều thì biếu 500 ngàn, người ít thì 200 -100 ngàn”.


Tính ra, mỗi lần về quê, vợ chồng cô bị mẹ chồng bắt chi số tiền bằng cả tháng lương của chồng. Trong khi đó, Dung nào có dư dả gì vì cô còn bao khoản phải tiêu (Ảnh minh họa)

Thực sự, mỗi lần về quê, Dung cảm giác cứ như đem tiền đi rải. Là người quản lý tài chính trong gia đình nên Dung thấy rất xót mà không biết làm thế nào. Tính ra, mỗi lần về quê, vợ chồng cô bị mẹ chồng bắt chi số tiền bằng cả tháng lương của chồng. Trong khi đó, Dung nào có dư dả gì vì cô còn bao khoản phải tiêu.

“Phận làm con, mình cũng đồng ý là lâu lâu đi làm về có quà bánh biếu người nọ người kia. Nhưng vợ chồng mình đi làm có xa xôi gì đâu. Một tháng vợ chồng mình cũng về quê 1 lần. Chưa kể khi quê có việc thì phải về 2 lần. Mà lần nào mẹ chồng cũng bắt như thế. Về kiểu đó chắc mình chẳng mấy mà sạt nghiệp” - Dung kêu ca.

Nhiều lần, để mẹ chồng bớt tính sĩ diện hão, Dung đã thẳng thắn than nghèo kể khổ với bà. Nhưng mẹ chồng Dũng vẫn chẳng kiểu cho. Bà vẫn gợi ý nọ kia vì cứ nghĩ vợ chồng Dũng có nhà trên này rồi là sung sướng lắm rồi. 

Một lần về quê, Dung chủ tâm mua hạn chế mua đồ đi để thông báo ngầm vợ chồng đang khó khăn. Nhưng mẹ chồng biết và thể hiện thái độ không bằng lòng ra mặt: “Bà hình như không cần phải biết là con cháu vất vả thế nào. Bà bảo các cụ ở quê là nhất định phải thế. Chúng mày khó khăn thế nào tao không cần biết nhưng về quê thì nhất định phải đàng hoàng. Như hôm vừa rồi về quê, vợ chồng có mua một lốc sữa cho con uống dần 2 hôm ở đó. Bà về cái lại đem đi cho trẻ con hàng xóm uống hết cả. Thật là không còn gì bực mình và ức chế hơn”.

“Thật sự thấy bà phóng khoáng như vậy nên ai cũng khen bà. Càng được khen, mẹ chồng mình lại càng thích và hãnh diện. Bà lại càng phát huy và càng chết vợ chồng mình trong khi mình đâu có khá khẩm gì. Mình chẳng biết phải làm thế nào bởi còn nghĩ ăn đời ở kiếp với mẹ chồng, nhà chồng. Mình sợ nói quá thẳng, bà không hiểu cho lại bảo mình nọ kia, ích kỷ” - Dung kêu ca.

Mẹ chồng Nguyệt dù lên thành phố ở với vợ chồng cô đã ngót nghét 4 năm nay nhưng cũng không thương con thương cháu và chẳng bao giờ biết 2 từ tiết kiệm. Lúc nào bà cũng nghĩ, vợ chồng Nguyệt ở thành phố có nhà cửa đàng hoàng, công việc ổn định là đã giầu hơn ở quê rất nhiều. Bà đâu hiểu ở thành phố kiếm tiền nhiều hơn nhưng chi phí cũng cao hơn. Do đó, bà vẫn ra sức đòi hỏi vợ chồng Nguyệt mỗi lần về quê để đẹp mặt bà và gia đình.

Mỗi lần về quê, Nguyệt lúc nào cũng phải nhớ mua đồ chơi, quần áo thật nhiều cho các cháu của chồng và bánh kẹo cho các cháu xa trong họ. Còn mua hoa quả thắp hương các cụ, mẹ chồng cũng yêu cầu phải mua đủ 5 loại để bày biện đẹp mắt và mua với số lượng hàng thúng còn đủ chia cho mỗi nhà một ít.

“Chả thế mà mỗi lần vợ chồng hay bà về quê mình đều phải xuất 1 khoản tiền khá to đến sốt ruột vì cuộc sống của vợ chồng  nào có khá khẩm gì. Nhiều lúc vợ chồng rất sợ bà về quê, chỉ ước khoảng 2 tháng bà về 1 lần thôi. Vì thực sự, mỗi lần về mẹ chồng cứ bắt đưa tiền nong rồi quà bánh. Nhiều lúc vợ chồng chẳng muốn về quê. Bởi về lại nghĩ khoản đi lại, lại thêm quà bánh nữa, tiêu hụt hết bao tiền” - Nguyệt khổ sở giãi bày.

Thậm chí có lần, quá xót ruột nên Nguyệt kêu ca với chồng. Chồng thấy vợ nói hợp lý nên cũng nhẹ nhàng nói chuyện với mẹ chồng về việc nên cắt bớt khoản quà cáp, biếu xén mỗi lần về quê: “Có thế mà mẹ chồng mình dỗi, chửi bới um lên bảo thôi sẽ không về quê và không quà cáp gì hết. Bà còn bảo, mỗi lần bà về sẽ vay mượn các bác để mua một ít quà mang về mà không cần nhờ cậy các con. Rồi bà còn bảo, nứt mắt ra đã ích kỷ và nhỏ nhen rồi. Hào phóng một chút sau này được tiếng tốt cho con cháu”.

Có thời gian, Nguyệt đang mang bầu lần 2 và ốm nghén nặng không đi làm được. Nguyệt phải xin nghỉ không lương mấy tháng. Mọi chi phí trong nhà của vợ chồng Nguyệt trông chờ cả vào chồng. Mọi người ở quê cũng chẳng bao giờ hỏi han vợ chồng được 1 câu. Thế mà, chị dâu gọi điện lên bảo ngôi chùa ở quê sửa chữa, mẹ chồng cứ liên tục giục vợ chồng Nguyệt có ăn có học thì tâm đức ít nhất 1 chỉ vàng để bà cầm về tâm đức người ta đúc chuông. Trong khi các gia đình khác chỉ tâm đức 200-300 ngàn.

Đỉnh điểm tính sĩ diện hão của mẹ chồng khiến Nguyệt muốn nhịn cũng không sao nhịn nổi là sự việc xảy ra mới đây: “Đợt thi đại học vừa rồi, họ nhà chồng ở quê có 3 cháu thi đại học. Bố mẹ chồng mình lại bảo các cháu họ lên ở cùng với vợ chồng mình. Thật sự nhà có thêm người mình thấy vô cùng bất tiện. Nhưng nghĩ có vài ngày nên mình cũng không làm căng và chấp nhận. Vậy mà khi các cháu đi thi đại học về, bà còn nói với bố mẹ các cháu rằng, sắp tới có đỗ và lên học đại học, thì cứ cho các cháu lên ở nhà vợ chồng mình?!”.

"Nếu chồng cứ cho các cháu ở cùng thì mình sẽ chia tay vì không thể sống thế được. Mẹ chồng sĩ diện hão thì mình cố nhịn chứ các cháu thì khó lắm" (Ảnh minh họa)

Điên lên, Nguyệt đã bảo với chồng: "Nếu chồng cứ cho các cháu ở cùng thì mình sẽ chia tay vì không thể sống thế được. Mẹ chồng sĩ diện hão thì mình cố nhịn chứ các cháu thì khó lắm. Ở nhà mình 1,2 tháng thì không sao. Đằng này học đại học và đi làm cho đến khi dựng vở gả chồng cũng gần chục năm đằng đẵng. Chồng mình may cũng hiểu ra và bảo để anh nói lại mới mẹ”.

Bà mẹ 2 con này phân trần: “Chưa biết anh đã thuyết phục được mẹ chồng từ bỏ cái ý định dở hơi ấy đi chưa. Nhưng sao người gì mà sĩ diện hão cao thế không biết. Bà chẳng biết thương con cháu gì cả. Vợ chồng mình nào có giàu có gì, vả lại còn một nách 2 con thơ. Nhưng mình tin, khi nghe chồng nói thế, bà lại sẽ nổi đóa lên và bảo vợ chồng mình hẹp hòi ích kỷ chỉ nghĩ đến tiền. Nhiều lúc buồn bực và khó nghĩ lắm”.

Chia sẻ