Mẹ chồng xin lỗi con dâu trước toà

,
Chia sẻ

Nhiều đôi ly hôn chỉ vì mẹ chồng, nhưng cũng có những bà mẹ chồng hạ mình xin lỗi con dâu ngay giữa phiên xử chỉ để cứu vãn hôn nhân của con.

Sau vụ tai nạn giao thông, chị Nguyễn Thị Minh L. (Thái Nguyên) vĩnh viễn phải gắn chặt cuộc đời với chiếc xe lăn. Từ khi tỉnh thuốc mê, biết mình bị liệt cả hai chân, chị hoàn toàn suy sụp. Điều giữ chị còn tiếp tục sống chính là tình yêu và sự chăm sóc của chồng, anh Lương Ngọc P. Thế nhưng, anh càng muốn bù đắp cho vợ bao nhiêu thì mẹ anh lại càng hắt hủi chị bấy nhiêu.
 
Lời hối lỗi của mẹ chồng

Kể từ khi ra viện, không ngày nào chị L.  không phải chịu đựng những lời nói móc máy, độc địa của mẹ chồng. Bà nói chị là gánh nặng của gia đình, chỉ ở nhà ăn bám chồng và nhà chồng, tiền thuốc men cho chị đã làm chồng điêu đứng. Bà dùng những lời lẽ cay độc nhất để nói với chị, không tỏ chút thương xót nào đối với người con dâu tội nghiệp.

Một mặt, bà ra sức chửi mắng con dâu, mặt khác lại ngọt nhạt khuyên con trai lấy vợ khác để rũ bỏ gánh nặng. Nhưng anh P. một mực từ chối. Những lúc chị L. suy sụp, anh động viên chị đừng để tâm những lời mẹ nói, chỉ là mẹ quá thương con trai nên mới cư xử như vậy. Nhưng đứng trước sự hụt hẫng to lớn khi mất đi đôi chân, lại bị mẹ chồng đối xử như người dưng, chị L. quá đau khổ. Có những lúc, chị thấy lời bà nói cũng không sai nên muốn giải thoát anh.


Không chịu nổi sức ép từ mẹ chồng, chị L. quyết ly dị mặc dù anh P. vẫn một mực yêu thương và muốn chăm sóc cho chị. Trước ngày ra toà, chị bỏ về nhà bố mẹ đẻ, còn anh P. do không thuyết phục được vợ nên buồn khổ đi tìm rượu và mấy người bạn để giãi bày. Tối hôm đó, khi P. về nhà trong tình trạng say xỉn không còn biết gì, mẹ anh phải dìu con vào nhà và thấy trong túi áo anh có một lá thư. Vừa mở ra, bà đã nhận ra ngay nét chữ nàng dâu. Bà đã đọc lá thư đó, một lá thư của sự chia ly đầy đau xót, tiếc nuối và chan chứa tình yêu, có những chỗ nhoè đi vì nước mắt.

Hôm sau, tại phiên toà xử ly hôn, trước sự ngỡ ngàng của tất cả những người tham dự, bà mẹ chồng, nguồn gốc của cuộc chia ly, lại chính là người hàn gắn mối nhân duyên. Lần đầu tiên, chị L. thấy bà rơi nước mắt. Ngồi trên chiếc xe lăn, chị không thể tin khi mẹ chồng chị quỳ xuống chân chị, ôm lấy tay chị mà nức nở: “Mẹ có lỗi, mẹ có lỗi với con! Mẹ xin con hãy quay về!”. Tất cả những lời người mẹ này thốt ra chỉ có thế, nhưng cô con dâu bật khóc và những người khác cũng không cầm nổi nước mắt. Bà mẹ chồng cay nghiệt cuối cùng cũng đã cảm động trước tình yêu mà anh chị dành cho nhau và biết mình có tội khi chia rẽ một mối tình sâu nặng đến thế.

Việc thiện của con dâu và sự cảm kích của mẹ chồng

Đám cưới đôi vợ chồng trẻ Lê Mai H. và Trần Huy L. (Vũng Tàu) như khởi đầu cho một sự bất hạnh éo le. Tất cả chỉ tại câu phán của một thầy tướng số đất Thủ đô: “Không ổn, vợ chồng khắc mệnh, tất mang hoạ tang tóc”. Bà mẹ chồng khăng khăng phản đối, nhưng cậu con trai vẫn dứt khoát cưới người mình yêu. Quan hệ mẹ chồng con dâu vì thế mà chẳng thể cơm lành canh ngọt. Bà suốt ngày đay nghiến, hạch sách dù con dâu có đảm đang, dịu hiền đến thế nào. Hàng xóm cũng bất bình, người thân trong nhà khuyên bảo nhưng đâu dễ gì xoá được nỗi ám ảnh về cái hoạ mà cô con dâu sẽ đổ ập xuống gia đình bà.

Đứa cháu đích tôn chào đời mang theo hy vọng của người con dâu là có thể giảm bớt sự cay nghiệt của mẹ chồng, nhưng không thể. Bởi chính lúc đó, cậu em chồng được chẩn đoán bị máu trắng sau lần ngất xỉu khi đang đá bóng. Bà mẹ khóc than nhận hung tin từ bệnh viện, rồi ném cái nhìn khinh bỉ vào nàng dâu đang bế đứa cháu chưa đầy tháng tuổi. Bà nghĩ, đó là người phụ nữ đến từ địa ngục, đem tai ương đến cho gia đình mình.  Phần vì giận con trai không nghe lời mẹ, phần vì nghĩ lời tiên tri của thầy bói đã thành hiện thực, bà đòi đuổi con dâu ra khỏi nhà ngay lập tức. Bà còn giữ lấy đứa cháu, ép cô con dâu ra đi một mình, không chồng, không con khi đứa bé đang cần sữa mẹ. Nàng dâu đành về nhà mẹ đẻ chờ ngày toà xử ly dị.
 
Một hôm, sau nhiều lần tới thăm cậu em chồng đang ngày càng yếu đi, cô mới biết chồng mình vốn mắc bệnh bẩm sinh về máu nên không thể hiến tuỷ cho em trai. Cả gia đình chồng ngập tràn một không khí u ám. Quên hết sự hành hạ của mẹ chồng, cô vẫn tiếp tục tìm kiếm những người có thể hiến tuỷ cho em chồng. Rồi một Việt kiều từ Australia gửi thư cho cô cho biết anh có đầy đủ những điều kiện về sinh lý để có thể hiến tuỷ. Xiết bao sung sướng vì con trai từ cõi chết trở về, bà mẹ chồng ôm chầm cô con dâu ngay tại phiên toà xử ly hôn. Bà thực tâm xin lỗi và mong sao cô đồng ý quay lại để bà chuộc lại những sai lầm tồi tệ trước đây.

Tấm lòng người mẹ

Khác với hai trường hợp trên, bà Phạm Thị N. (Hà Nam) là một người mẹ chồng tuyệt vời theo mọi nghĩa. Con dâu trưởng của bà là một cô gái Hà Nội. Ngày cô sinh, bà tất tả từ quê, lặn lội lên chăm con, chăm cháu. Nhưng do vụng về, chưa quen với nếp sống thành thị và cách sử dụng những đồ dùng hiện đại nên nhiều lần bà làm con dâu bực tức. Không chịu được bà mẹ chồng quê mùa, cô nằng nặc đòi thuê ô sin. Bà N. phật ý, bỏ về quê. Anh con trai hiểu thảo thấy thế rất tức giận. Qua vài lần cãi vã, anh cảm thấy không thể chung sống với người vợ chẳng coi mẹ chồng ra gì. Còn vợ anh vốn tính trẻ con, được nuông chiều quen nên khi bị chồng mắng thì coi là sự sỉ nhục lớn. Cô sẵng giọng: “Ly hôn thì ly hôn”. Thế là hai người dắt nhau ra toà.

Ngày xử, gia đình hai bên đều có mặt đông đủ. Đứng trước toà, anh chồng lại có ý ngập ngừng, vì nghĩ kỹ lại, anh thấy mình cũng quá nóng tính và vội vàng. Còn người vợ dù được bố mẹ đẻ hết lời khuyên bảo vẫn một mực đòi ly dị vì cho rằng chồng chỉ coi mẹ là nhất, không còn yêu thương cô nữa. Thấy thái độ của con trai, bà N. hiểu ngay rằng anh còn rất yêu vợ. Quá thương con, bà đứng lên nhận mọi tội lỗi, thừa nhận sự quê kệch của mình và xin lỗi con dâu: “Mẹ đã không chăm sóc tốt cho con và cháu. Là người mẹ, mẹ hiểu sau khi sinh nở, đàn bà trái tính trái nết là thường, nhưng lúc đó mẹ nghĩ không thông, giận dỗi con vô cớ. Con trai mẹ rất yêu con. Con có thể quay về làm con dâu mẹ được không?”. Những lời giản dị, mộc mạc đã làm cảm động không chỉ ông bà thông gia, những người tham dự phiên toà, mà còn làm động lòng cả cô con dâu vốn ngang ngạnh.
 
Theo Đang Yêu
Chia sẻ