Mẹ chồng sợ con dâu một phép

Đất Việt,
Chia sẻ

“Có mỗi chồng tớ là con trai, bà ấy để bọn tớ bỏ ra ngoài ở thì sau này biết nhờ vào ai? Thế nên tớ chả phải chiều bà ấy tí nào", Mai "khoe" với bạn.

Bên cạnh những bà mẹ chồng hành con dâu tới số, lại có không ít trường hợp ngược lại: cố gắng nhịn con dâu, thậm chí chịu lép một bề chỉ vì nghĩ rằng sau này khi già yếu sẽ phải phụ thuộc vào con.

Bố mẹ chồng phải “làm dâu” con dâu

Xác định về già sẽ trông cậy vào đứa con trai duy nhất nên khi cưới được cô con dâu cẩn thận, khéo léo, ông bà Dần (Long Biên, Hà Nội) rất tự hào. Họ càng hài lòng vì nàng dâu ý tứ, cẩn thận trong từng lời ăn tiếng nói. Sau, họ phát mệt vì sự cẩn thận quá mức của nàng dâu nhưng vẫn lựa theo tính cách của cô vì “sợ nó đòi ra ở riêng”.

Trưa, bố chồng mặc quần đùi ngồi ăn cơm. Tối, mẹ chồng được nàng dâu nhắc nhở: “Mẹ bảo bố đừng mặc quần đùi khi ngồi ăn như thế, dù sao con cũng là con dâu mà”. Từ đó, ông bố dù trời nóng đến đâu cũng phải ăn mặc chỉnh tề khi ở nhà. Có lần nhà đông khách, ông Dần vào phòng con mượn tạm chiếc quạt mang xuống dưới, con dâu cũng phàn nàn: “Con thấy bố chồng vào phòng con dâu không tiện lắm mẹ ạ”.

Ông bà Dần cảm thấy như chính họ đang phải làm dâu, dù không hề phụ thuộc con cái về mặt kinh tế. Nhiều người góp ý nên cho vợ chồng con trai ra ở riêng nhưng họ gạt phắt đi: “Tôi có mỗi mình nó, hai vợ chồng cũng đã già thì phải ở cùng vợ chồng nó chứ”.

Cứ dọa ở riêng là mẹ chồng… sợ

Bà Thọ (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cũng quan niệm bố mẹ già phải ở với con trai nên dù cô con dâu tên Mai tính nết rất khó chịu, bà vẫn cố chiều. Biết mẹ chồng sợ con đòi ra ở riêng nên Mai cứ không vừa ý là nói xa nói gần đòi dọn ra, bà Thọ lại phải xuống nước xoa dịu.  Chính Mai có lần khoe với một người bạn rằng, mẹ chồng sợ cô không sống cùng nên cô thích làm gì, đi đâu, bà cũng “không dám” có ý kiến. “Có mỗi mình chồng tớ là con trai, bà ấy để bọn tớ đi thì sau này nhờ vào ai? Nên ở nhà toàn là mẹ chồng chiều tớ chứ tớ chả phải chiều bà tí nào", Mai nói. 

Bà Thọ chỉ thích ăn cá, vốn không mấy khi ăn thịt. Nhưng nàng dâu chê “ăn cá tanh mù, cả nhà cũng toàn mùi cá không chịu được” nên hằng ngày đi chợ, bà Thọ chẳng dám mua cá. Mai sinh con, bà Thọ được nàng dâu "nhường" hết mọi việc nhà lẫn việc chăm sóc đứa trẻ. Việc gì không đúng ý là Mai lên giọng ngay, khiến bà Thọ làm gì cũng phải lựa lời hỏi ý kiến cô trước. Anh con trai thì “nể” vợ, chẳng mấy khi nhắc nhở Mai, thỉnh thoảng mới an ủi mẹ một câu. Buồn, nhưng bà Thọ vẫn bảo: “Nó quá đáng thì mình nhịn một tí cũng không sao. Mình còn con trai, còn các cháu, sau này già yếu và chết đi đều phải nhờ vào chúng nó chăm sóc, hương khói chứ người ngoài ai lo cho mình được”.

Nhiều người già khác cũng nghĩ “trẻ cậy cha, già cậy con” nên cố gắng nhường nhịn các con ngay cả khi con cái đối xử không phải đạo. Nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Với những người như con trai và con dâu của bà Thọ, khi bà già yếu, bệnh tật liệu họ có chăm sóc, phụng dưỡng chu đáo hay không?
 
Chị Hải (Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng chia sẻ câu chuyện tương tự của gia đình mình. Mẹ đẻ chị, bà Tích hiện sống với cậu con trai duy nhất. Bà Tích là người khá dễ tính, chiều con dâu hết mực nhưng cô vẫn thường xuyên “mặt nặng mày nhẹ” với mẹ chồng. Mỗi lần về thăm mẹ, chứng kiến cảnh đó, chị Hải thấy “chướng mắt”, muốn góp ý với em dâu nhưng bà Tích lại bảo: “Mẹ già rồi, sau này mọi việc đều phải dựa vào hai vợ chồng nó nên cố nhường nhịn một chút. Chứ khắt khe với nó quá, sau này có ốm nằm một chỗ nó cũng mặc kệ thì biết làm thế nào”.

Chị Tích thì nghĩ, giờ bà còn khỏe, còn giúp được nhiều việc mà em dâu còn hỗn như vậy. Sau này bà già yếu, bệnh tật, không biết cô ta còn xử tệ đến đâu.

Trẻ cậy cha, già liệu có được cậy con?

Chị Carla, một người Pháp đã nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, hiện học tại khoa Việt Nam học, ĐH Ngoại Ngữ Hà Nội, nhận xét về vấn đề này: "Tôi thấy người Việt Nam, đặc biệt là người già, thường rất hay lo xa. Họ không lo lắng cho cuộc sống hiện tại mà lại dành sự quan tâm cho những việc sau khi mình đã chết như lo không có người cúng giỗ, không có chỗ mai táng... dù chưa biết cái thế giới sau khi chết đó có tồn tại hay không. Nhiều người còn cố chịu đựng cuộc sống khổ cực chỉ để chết rồi sẽ sướng”. 

Đối với người nước ngoài thì việc này đúng là khá “lạ” nhưng theo chuyên gia tâm lý Lê Thu Hiền, trong văn hóa Việt Nam, câu “trẻ cậy cha, già cậy con” luôn được mọi người nhắc đến. Đối với người già, khổ cực mấy cũng không đáng sợ bằng cảnh sống cô đơn, không có con cháu bên cạnh khi xế bóng về chiều. Tâm lý đó khiến nhiều người dù ở với con cháu bị ngược đãi nhưng vẫn cố chịu đựng để có một gia đình "vì dù sao chúng vẫn là con cháu mình”.

Chuyên gia Thu Hiền đã từng gặp một trường hợp bà cụ bị con cháu hắt hủi, không chăm sóc, chỉ cho cụ sống trong một góc bếp tối tăm, chật chội. Thế nhưng khi chính quyền đề nghị giúp đỡ, đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội để được chăm sóc tốt hơn, sống thoải mái hơn, cụ vẫn nhất định không chịu: "Đây là nhà tôi, sống chết tôi cũng phải ở cùng con cháu chứ không đi đâu hết”.

Người già cần nhất là có một cuộc sống thanh thản, bình yên. Nếu được sống quây quần hạnh phúc bên đàn con cháu thì sẽ là điều vô cùng tốt đẹp. Nhưng nếu mối quan hệ của bố mẹ già và con cháu không được tốt, không hợp sở thích, tính nết, quá trình sống chung nảy sinh nhiều mẫu thuẫn khó dung hoà thì tốt nhất là nên sống riêng. Vì người già rất nhạy cảm, cuộc sống liên tục có những chuyện không vui, không vừa ý sẽ khiến họ phải suy nghĩ; những ức chế này sẽ  ảnh hưởng đến cả sức khoẻ tinh thần và thể chất. 

“Người già không cần phải quá lệ thuộc vào con cái. Hãy tạo cho mình một cuộc sống thoải mái nhất về tinh thần. Đó là liều thuốc bổ tốt nhất đối với người già”, bà Thu Hiền nói.

Chia sẻ