Ly hôn kiểu "cạch mặt"

,
Chia sẻ

Sau khi chia tay, rất nhiều cặp từng là vợ chồng “cạch mặt” nhau thẳng tay hay thậm chí coi như kẻ thù.

Có thể, những người làm cha làm mẹ đó thấy hả hê, thỏa mãn với sự ghét bỏ mình đã dành cho “đối thủ” nhưng họ có biết đâu rằng, họ đã vô tình gieo vào lòng con cái những hạt giống xấu khiến cho tâm hồn thơ trẻ bị tổn thương.Bôi nhọ “người cũ” trước mặt con cái

Kết thúc cuộc hôn nhân đầy mỏi mệt, chị Hòa (Yên Hòa, Hà Nội) đã nghĩ mình thoát được một cái nợ đời. Nhiều lúc, những hình ảnh về một cuộc sống trước kia cứ hiện về như ám ảnh trong những giấc mơ khiến chị phải thảng thốt giật mình. Những trận cãi vã liên tu bất tận, những lần thượng cẳng chân hạ cẳng tay không thương tiếc khiến thân thể chị tím bầm cả tuần không khỏi... tất cả những hình ảnh đó hiện về trong kí ức chị như một cuốn phim quay chậm khiến chị không thể quên được con người đã gây cho mình tất cả những đau đớn, khổ sở đó.
 
Cũng tự hứa với lòng rằng chia tay rồi thì những chuyện cũ không nhớ đến nữa, vẫn coi nhau là bạn vì dù gì hai người cũng còn có 2 đứa con chung nhưng chị đã không làm được điều đó. Thời gian đầu mới ly hôn, bất cứ đồ vật, hình ảnh, chuyện gì gợi đến người chồng cũ đều khiến chị “ngứa mắt”. Trong khi đó, cậu con trai lớn ở cùng với chị sau khi bố mẹ ly hôn lại ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách, sở thích của bố nên nhiều phen khiến chị Hòa “điên tiết”. Cậu con trai mua về một con chim vành khuyên có bộ lông vàng óng, chị quắc mắt: “Suốt ngày chỉ chim với chóc, rồi cũng vô dụng giống như thằng bố mày thôi”. Trong bữa ăn, con trai không chịu ăn thịt mỡ thì bị mẹ mắng “con nhà lính tính nhà quan, mày không khác gì thằng bố mày cả, chả được cái tích sự gì”.

Những cằn nhằn, càu nhàu của chị khiến không khí trong gia đình nặng nề u ám như có đám. Cậu con trai đã học cấp 2 có lần nói thẳng với mẹ: “Sao mẹ cứ gọi bố là “thằng bố mày” thế? Tốt xấu gì đó cũng là bố của con!”. Lời nói của con quả thực có khiến một người làm mẹ như chị giật mình nhưng rồi vẫn đâu lại vào đó, hàng ngày, hàng ngày, chị Hòa vẫn không ngớt mắng mỏ con vô cớ chỉ vì ngoại hình, tính cách của con vô tình khiến chị nhớ đến những ký ức đau buồn khi sống cùng người chồng cũ.
 
Sự đổ vỡ hôn nhân vì người vợ tham vàng bỏ ngãi đã gieo vào lòng anh Lương một nỗi đau đớn, hận thù sâu sắc. Sau ly hôn, anh sống cùng con gái trong căn nhà cũ. Nhiều khi đi làm về nhà muộn, thấy con lủi thủi trong nhà một mình, câm lặng như cái bóng, anh thương con đến trào nước mắt. Càng thương con, anh lại càng hận người vợ bạc tình bạc nghĩa của mình. Đó là những lúc anh chửi rủa người vợ cũ ngay trước mặt đứa con gái chưa đầy 10 tuổi đầu: “Mẹ mày là loại đàn bà lăng loàn, mất nết; mẹ mày...”. Rượu vào lời ra, những câu nói xúc phạm, xỉ nhục người vợ từng đầu gối tay ấp tuôn ra như suối trong nỗi sợ hãi, tổn thương sâu sắc của cô con gái. 

Và những hậu họa khôn lường

Chị Hòa đã ngỡ ngàng, tưởng như tai mình nghe lầm khi cô giáo chủ nhiệm thông báo tình trạng học ngày càng giảm sút của con mình. Con trai chị thường xuyên bỏ học, sức học sút kém, ở trong lớp thì lầm lì không nói chuyện và rất dễ nổi xung với các bạn khác trong lớp vì những chuyện không đâu. Trước đó, dù không phải là học sinh xuất sắc của lớp nhưng kết quả học tập của con trai chưa bao giờ khiến chị phải phiền lòng như thế. Ngay cả ở nhà, con trai cũng đối xử với mẹ như với người xa lạ. Cháu chỉ nói những gì buộc phải nói còn có thể im lặng được lúc nào thì luôn im lặng. Chị Hòa chợt nhận ra rằng, từ lúc nào, hai mẹ con đã trở thành những người xa lạ, từ lúc nào, chị đã không thể bảo ban, nói chuyện được với con mình.

Thể chất vốn yếu ớt, tâm hồn mong manh yếu đuối của cô con gái anh Lương vốn không thể chịu đựng nổi cú sốc cha mẹ chia tay nhau giờ lại càng trở nên bị thương tổn bởi những lời nói vô tình, sỉ nhục của bố dành cho mẹ. Cô bé cô đơn, không có lấy một người thân yêu chia sẻ nên chỉ biết co mình lại trước tất cả. Từ lúc nào, cô bé hoạt bát, đáng yêu đã trở thành một đứa trẻ tự kỉ, luôn ngơ ngác, sợ hãi trước tất cả mọi điều.

Anh Lương chỉ đơn giản nghĩ rằng, nói ra như thế để mình giảm được phần nào nỗi uất ức trong lòng mà con gái thì cũng hiểu được rõ hơn mẹ nó là người như thế nào để thông cảm với nỗi đau khổ của người cha. Anh đã không thể nhận thức được rằng, mỗi lời anh nói là một mũi kim châm vào tâm hồn mong manh, yếu đuối của cô con gái nhỏ vốn đã quá cô đơn, dễ vỡ.

Lời khuyên của chuyên gia tâm lý

Theo chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa: Hành vi nói xấu chồng hay vợ cũ của mình tưởng là đổ hết tội lỗi lên đầu họ để con cái ủng hộ, đứng về “phe” mình nhưng thực ra làm như thế là hủy hoại tâm hồn trong trắng ngây thơ của đứa trẻ. Bởi vì khi nó nghĩ xấu về người đã sinh ra nó hoặc khinh bỉ, căm ghét cha hay mẹ nó là phá hủy lòng tin của trẻ thơ vào người lớn nói chung, kể cả người mà chúng từng thương yêu, kính trọng. Nếu cả người thân yêu nhất của chúng còn xấu xa như vậy thì chúng biết tin ai trên cõi đời này ? Và đứa trẻ lớn lên với tâm trạng hoài nghi tất cả, thậm chí căm thù tất cả sẽ rất dễ biến thành kẻ trả thù đời, rất dễ làm những điều ác độc, trở thành tội phạm, có khi ngay ở tuổi vị thành niên. Đó có phải là tương lai của đứa con mà ta mong muốn, ta đã nhận trước tòa án ly hôn quyền được nuôi dạy nó nên người ?

Nếu người cha hay mẹ là người được quyền nuôi con hãy nghĩ đến tương lai của nó. Bởi vì tương lai của con sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của mình. Nếu nó trở thành kẻ hư hỏng, thậm chí tội phạm thì người phải hứng chịu những nỗi đau do nó gây ra trước hết là mình. Vì thế không nên nói xấu hoặc tỏ thái độ căm thù người đã chia tay với mình. Vì đó chính là cha hoặc mẹ đứa trẻ.

Nếu trẻ hỏi tại sao bố mẹ chia tay mà không sống cùng nhau như bố mẹ  bạn nó chẳng hạn ? Chỉ nên giải thích là do không hợp nhau nên không thể sống chung với nhau. Nếu trẻ còn quá ngây thơ chưa hiểu thế nào là hợp nhau, có thể ví dụ như con cá và con chim một con thích sống dưới nước, một con thích sống trên cây nên phải chia tay nhau. Chẳng có ai xấu xa cả.

Người mẹ nên nói, bố rất yêu con, nhớ con. Con phải ngoan, học giỏi thì bố sẽ yêu hơn. Khi người cũ đến thăm con nên tạo điều kiện cho họ gặp con thuận lợi. Đứa trẻ đỡ bị thiệt thòi về tình cảm và sự chăm sóc vật chất nếu có. Có chị mua tặng con cái đàn ooc-gan nhân ngày sinh của nó giá mấy triệu đồng nhưng gọi điện cho chồng cũ bảo anh mua cho con cái hộp đựng đàn có 200 nghìn đồng và nói đây là quà của bố mẹ tặng con. Đứa trẻ sẽ sung sướng hơn nhiều. Khi nó yêu bố mẹ, nó sẽ yêu cuộc đời này và nó sẽ trở thành người tốt. Ai chẳng mong muốn con như vậy.

Tất nhiên nếu người nuôi dưỡng trẻ tỏ ra không đủ tư cách làm cha hay mẹ đứa trẻ, toàn đầu độc hủy hoại tâm hồn nó, hoặc làm những việc xấu xa bôi nhọ người khác hoặc hành hạ nó như để trả thù người kia thì có thể phải làm đơn đưa ra tòa xin được tòa xem xét lại quyền nuôi con và tòa có thể thay đổi quyết định ban đầu, giao quyền nuôi con cho người kia.
 
Theo Phununet
Chia sẻ