Lấy phải chồng thích… “nằm khểnh”

Mạc Thủy,
Chia sẻ

Sau vài tháng kết hôn, chị Phương mới thấy hóa ra chồng mình không khác gì “một đứa con nít trong cái xác lớn cồ”, chỉ thích "nằm khểnh"...

Sau gần 2 năm kết hôn, chị Phương (Văn Khê – Hà Đông) mới thấm thía lời cảnh báo của cô bạn thân “lấy kiểu chồng công tử thế kia rồi chỉ rước khổ vào thân”. Theo chia sẻ của chị Phương thì anh Lâm – chồng chị, sinh trưởng trong gia đình khá giả lại là con trai một, là cháu trai duy nhất của nhánh họ. Chính vì lý do đó, ngay cả khi anh đã lập gia đình thì vẫn được cả nhà dồn tâm sức chăm sóc, chiều chuộng. Ngay cả khi chị Phương sinh con, sự tập trung của gia đình dành cho đứa trẻ vẫn không thể bằng anh.

Chị Phương kể: “Hồi còn yêu nhau, đến nhà anh ấy chơi thấy mọi người chăm chút cho anh ấy từng ly từng tí thì tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng nhà người ta ‘con hiếm cháu thèm’ nên điều đó cũng không có gì lạ. Hơn nữa, trước mặt tôi, anh ấy cũng không hề tỏ ra mình là kiểu người ‘em chã’. Bởi vậy nên tôi không mấy băn khoăn. Khi đó, ai cũng bảo tôi và anh ấy xứng đôi, về làm dâu gia đình anh tôi sẽ sung sướng… Chỉ riêng có cô bạn thân của tôi có ý kiến hoàn toàn trái ngược. Cô ấy cho rằng trông cái vẻ công tử và điều kiện sinh trưởng của anh ấy thì tôi cần phải cân nhắc nếu không sẽ khổ”.

Cho rằng bạn thân quá lý trí nên chị Phương gạt đi. Quan điểm lấy chồng của chị lúc đó cũng khá đơn giản: điều kiện gia đình nhà chồng tốt, hai vợ chồng có việc làm, có tình yêu. Và chị đồng ý lên xe hoa năm 2012. Cưới nhau được một thời gian, chị Phương mới thấy hóa ra chồng mình không khác gì “một đứa con nít trong cái xác lớn cồ”. 

“3 tháng sau khi cưới tôi có bầu. Suốt mấy tháng đầu thai kì, tôi nghén kinh khủng, người cứ rũ ra. Vậy mà chồng thì hết giờ cơ quan thì hoặc là nằm khểnh xem tivi hoặc là la cà với đám bạn. Thế rồi bỗng dưng anh ấy kêu than với cả nhà rằng chán việc văn phòng muốn học lên cao để xin chỗ làm khác. Được cả nhà khuyến khích, anh ấy nghỉ việc luôn mà không hề suy nghĩ rằng tôi sắp sinh, vợ ở cữ, chồng không làm việc thì lấy đâu tiền để chi tiêu. Tôi có đề đạt ý kiến rằng dù đi học thì anh cũng nên đi làm nhưng rồi cái tính em chã trỗi dậy, anh ấy bảo đã có bố mẹ lo nên tôi không phải lăn tăn” – chị Phương thở dài cho hay.

Lấy phải chồng thích… “nằm khểnh” 1
Bụng bầu nhưng chị Phương vẫn phải gồng mình làm thêm ngoài giờ để kiếm tiền tích cóp... (Ảnh minh họa)

Trước ý kiến của chồng và bố mẹ chồng, chị Phương dù không muốn cũng phải chấp nhận để chồng quay lại cuộc sống sinh viên phụ thuộc vào bố mẹ. Chị Phương cũng an ủi mình rằng biết đâu như vậy chồng sẽ có thời gian chăm sóc, phụ đỡ chị trong thời gian bầu bì. Vậy nhưng mọi việc càng trở nên chán ngán và chị Phương ngày càng mất phương hướng với cuộc hôn nhân của mình khi anh Lâm ngoài giờ lên lớp thì không mảy may để ý đến bất cứ việc gì. “Vợ bụng bầu vượt mặt nhưng anh ấy không đỡ đần được việc gì. Phòng ốc của hai vợ chồng anh ấy bày bừa bãi nào quần áo bẩn, nào sách báo, tạp chí, vỏ thực phẩm, tàn thuốc lá... Tôi có cằn nhằn thì anh lấy cớ học mệt, nằm duỗi thẳng trên ghế rồi bảo tôi dọn dẹp. Thấy vợ bụng to lúi húi cúi lên cúi xuống nhặt nhạnh, dọn phòng vậy mà anh ấy vẫn nằm thẳng đuột như vậy… Tôi cáu, nói to tiếng, chuyện đến tai bố mẹ chồng thì cả nhà vốn cưng nựng, không để anh ấy đụng tay đụng chân vào việc gì nên bênh anh ấy chằm chặp” – chị Phương ngán ngẩm nói.
 
Nhìn chồng tối ngày nằm khểnh vô lo, vô nghĩ như thể còn độc thân, ngẫm nghĩ đến cuộc sống tương lai, chị Phương đành phải gồng mình làm thêm giờ, làm đồ handmade bán để kiếm thêm tiền tích lỹ. “Mọi việc cứ diễn ra trước mắt mà anh ấy coi như không. Vợ cực khổ thế nào, mệt mỏi ra sao anh ấy cũng không bận tâm. Tháng nào bố mẹ đưa tiền cho tiêu không đủ thì anh ấy lại chìa tay lấy của vợ. Có dạo, bố mẹ cho tiền đóng học phí rồi, anh ấy lại tiêu vào việc tiếp đãi bạn bè thế là tôi lại phải móc hầu bao dành dụm của mình đưa cho anh ấy” – chị Phương cho hay.

Sinh con xong, chăm con, nuôi con… chỉ một mình lủi thủi, chị Phương nhiều khi thấy chua xót mà không dám than với ai. Bởi vì theo chị: “Mình làm mình chịu, khổ hay sướng là do mình tự rước lấy, đâu ai ép buộc mình. Nhiều khi thấy vợ người ta được chồng chiều chuộng, đỡ đần mà phát thèm. Mình có chồng mà cứ như một bà mẹ đơn thân. Tiền chi tiêu trong nhà, tiền sữa cho con, tiền thuê người giúp việc… anh ấy để một mình vợ cáng đáng chi trả. Con khóc quấy, hay ốm anh ấy cũng chưa bao giờ thức nổi 1 tiếng để chăm con. Bế con được một lát là kêu mệt rồi nổi cáu”.

Mặc dù luôn muốn giữ hòa khí nhưng chị Phương nhiều khi vì quá chán nản với người chồng không muốn làm việc, lúc nào cũng chỉ biết ngửa tay xin tiền nên lớn tiếng trách mắng. Vợ chồng chị vì thế mà không ngày nào là không giận dỗi, tranh cãi. “Có khi anh ấy lại còn muốn vợ cáu bẳn, gây sự để dễ bề đi khỏi nhà mà không cần phải kiếm lý do. Tôi cũng tính đến chuyện ly hôn thế nhưng nghĩ tới đứa con còn chưa biết gì, tôi thấy xót xa quá!” – chị Phương buồn rầu nói.

Chia sẻ