Làm gì để tránh lợn bệnh, gà toi?

Lan Anh ,
Chia sẻ

Mua phải thịt dịch bệnh sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe cả nhà. Các bà nội trợ hãy tham khảo một vài lời khuyên bỏ túi hữu ích để chọn mua thức ăn khi đi chợ nhé.

Để mua được thức ăn tươi ngon cho gia đình mình đòi hỏi các bà nội trợ phải có chút kinh nghiệm và phải thật tinh tường khi chọn lựa. Thịt gà, lợn, bò bị dịch bệnh ngoài biểu hiện có mùi, màu sắc, khác lạ, thỉnh thoảng các bà nội trợ cũng sẽ gặp khó khăn để nhận biết vì đôi khi người bán đã “ngụy trang” thịt bệnh một cách cẩn thận. Nhưng các bà nội trợ hãy yên tâm, vẫn có cách để phát hiện ra.

Chọn thịt 

Thông thường dựa vào màu sắc, ngửi mùi, ấn vào miếng thịt để lựa chọn. Thực phẩm tươi, ngon có màng ngoài khô, không bị nhớt, mùi và màu sắc bình thường, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ngón tay ấn vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi bỏ ngón tay ra.

Để cẩn thận hơn, các bà nội trợ phải chú ý trong chọn lựa từng loại thực phẩm:

Với thịt gà toi, thân gà có màu đen xạm hơn do máu bị đọng lại, không được lưu thông hoặc chảy ra không hết khi làm thịt, mỏ có màu hơi sẫm, mắt thụt vào trong, giác mạc đục, bề mặt da nhớt và thịt không có độ đàn hồi. Nếu gà còn sống có biểu hiện lông xù, xơ xác, mào tím tái.

Chọn thịt gia cầm nên chọn những con có mỏ nhìn bóng loáng, da màu trắng nhạt, bề mặt khô ráo, mỡ có màu trắng hơi vàng, sáng bóng. Nếu gia cầm còn sống nên chọn những con có lông bóng đều, mào đỏ tươi, hậu môn co lại, khô ráo và không dính phân.

Đối với thịt lợn, bò nên sờ vào miếng thịt để kiểm tra. Những miếng thịt khi sờ vào có cảm giác cứng, không mềm mại, không có độ dẻo dính thì thường đã bị ướp urê hoặc hàn the.

Để phát hiện thịt lợn, bò bị nhiễm giun sán, cắt thịt theo dọc thớ. Miếng thịt nào có những đốm trắng to bằng đầu kim thì miếng thịt đó đã bị nhiễm giun xoắn. Còn thớ thịt có những hình sợi hoặc hình bầu dục to bằng hạt đậu, màu trắng hoặc vàng xám nằm song song với thớ thịt, thì nên loại bỏ vì miếng thịt đã bị nhiễm sán.

Đối với cá, nếu mua cá làm sẵn hoặc cá vừa chết phải đảm bảo yêu cầu khi để cá lên bàn tay, thân cá co cứng không thõng xuống, mắt cá trong suốt, miệng ngậm cứng, mang màu đỏ tươi, dán chặt xuống hoa khế, vây tươi óng ánh dính chặt vào thân, bụng bình thường, hậu môn thụt sâu có màu trắng nhạt, thịt rắn chắc, có đàn hồi và dính chặt vào xương sống.

Chọn trứng

Có một cách đơn giản khi chọn trứng là lắc nhẹ quả trứng, nếu trứng không kêu thì là trứng mới, trứng càng để lâu sẽ càng kêu to.Hoặc nắm quả trứng trong lòng bàn tay, để hở hai đầu trứng, mắt nhìn vào một đầu và đầu kia soi lên nguồn ánh sáng (mặt trời hoặc ngọn đèn điện - PV) và chỉ chọn những quả trứng có lòng trứng màu hồng, trong suốt với một chấm hồng ở giữa.

Không nên chọn những quả trứng có vệt máu hoặc có vật lạ hình sợi dài vì trứng có thể đã bị ung hoặc bị nhiễm sán.

Để biết trứng cũ hay mới, có thể thả trứng vào dung dịch muối 10%. Nếu quả trứng chìm xuống đáy là quả trứng mới đẻ trong ngày, quả trứng nào lơ lửng trong dung dịch có nghĩa trứng đã đẻ từ 3-5 ngày. Trứng quá 5 ngày là những quả nổi trên mặt dung dịch.
 
Chọn rau
 
Chọn rau thì các bà nội trợ rất rành rồi, chọn rau non, lá xanh và tươi là ổn. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên chọn rau trái mùa. Những loại rau quả ít dùng thuốc trừ sâu là bầu, bí xanh, bí đỏ, chuối... Không nên chọn trái cây dập nát vì có nguy cơ nhiễm khuẩn, dễ gây tiêu chảy. Rau mua về cần phải rửa sạch sẽ nhiều lần, ngâm nước muối loãng, có thể sử dụng máy khử độc hoa quả...để giảm nguy cơ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, giúp bữa ăn ngon miệng lại an toàn.
Lan Anh (TH) 
Chia sẻ