Khủng hoảng đàn ông "gác" két

K.V,
Chia sẻ

Anh Tuân kết luận hoặc vợ tiêu pha linh tinh, hoặc mang tiền về cho bố mẹ đẻ. Cực chẳng đã, anh quyết định làm chân "gác" két.

Trăm đường sợ vợ "ném tiền qua cửa sổ"

Là giám đốc điều hành của một Tập đoàn nước ngoài, anh Tuân lại khiến cả gia đình phát sốt khi cưới cô vợ mới học hết cấp 3. Cũng dễ hiểu vì Ngọc Thụy, vợ anh rất xinh xắn. Học hết cấp 3, sau hai lần thi trượt đại học, Thụy ra Hà Nội bán cơm bụi cho cô ruột. Không biết ma xui quỷ khiến thế nào mà anh Tuân, một người chỉ biết đến hàng hiệu và nhà hàng sang trọng lại tới ăn cơm bụi ven đường. 

Tiếng sét ái tình khiến hai người ''dính'' lấy nhau. Sau một năm yêu thương mặn nồng, anh Tuân quyết tâm để Thụy trở thành người nâng khăn sửa áo cho mình. 

Trước đây khi chưa lấy vợ, mỗi khi lĩnh lương, anh thường rút tiền về nhờ mẹ quản lý. Vốn là doanh nhân nên mẹ anh rất sành sỏi trong chuyện quản lý tiền nong. Bà rải đều tiền của anh vào vàng, ngoại tệ, chứng khoán và tiết kiệm. Cứ tới cuối năm, hai mẹ con cùng ngồi tổng kết. Kết quả đều ngoài mong đợi của anh, trung bình, mỗi năm, số tiền anh gửi mẹ đạt tới số lãi khoảng 30%.

Vì vợ không biết quản lý tiền, anh quyết làm chân gác két (Ảnh minh họa)

Sau khi lập gia đình, mẹ anh vẫn là người quản lý tài sản cho anh. Thụy hầu như không biết một chút nào về tài chính gia đình của mình. Tuy nhiên, sau khi mẹ mất, anh rất đau đầu về chuyện quản lý tiền nong gia đình. Ở cơ quan đã có quá nhiều việc, anh không muốn ôm đồm thêm nữa. Nhưng để vợ quản lý thì anh không yên tâm chút nào. 

Trước khi lấy nhau, anh đã xin cho Thụy vào làm văn phòng trong công ty bạn thân. Thu nhập của Thụy không cao nhưng không đến nỗi tồi. Ấy vậy mà chẳng bao giờ cô mang được xu nào về nhà. Anh Tuân kết luận hoặc vợ tiêu pha linh tinh, hoặc mang tiền về cho bố mẹ đẻ. Cực chẳng đã anh mới quyết định làm chân "gác" két.

Anh Ninh thì biết rõ vấn đề giữ tiền của vợ. Chị Huyền là người biết chi tiêu, cân đo đong đếm khi mua bất cứ thứ gì từ cái chổi lau nhà tới chiếc xe máy. Nhưng sau một thời gian chị giữ tiền, sổ tiết kiệm gia đình không tăng thêm là bao. Anh căn vặn mãi chị mới thú nhận chị gửi tiền về cho bố mẹ. Ban đầu, bố mẹ xin, chị còn bàn với chồng. Lâu dần, thấy chồng khó chịu, chị Huyền không dám kể nữa. 

Nhưng vì bố mẹ chị toàn đưa ra những lý do đau thương như đi viện, mua thuốc,... nên chị giấu chồng gửi tiền về quê. Chị định bụng sẽ từ từ gom góp tiền để bù vào nhưng không ngờ anh Ninh lại sớm phát hiện ra. Không tin tưởng vợ, anh Ninh đòi giữ tiền mặc dù anh không thích công việc này chút nào. Quá đáng hơn, anh còn muốn quản lý tiền của chị Huyền bằng cách ép chị phải dùng lương của chị chi tiêu cho gia đình. Lương của anh sẽ gửi tiết kiệm và sử dụng cho các mua sắm lớn trong gia đình.

Giữ tiền đâu phải việc của đàn ông

Hóa ra việc giữ tiền cũng lắm nhiêu khê. Anh Ninh phát mệt với việc cứ phải tính toán hàng ngày. Ban đầu anh chỉ nghĩ đơn giản, cơm nước, chợ búa anh không phải ngó ngàng tới, còn lại không có gì dùng đến tiền nữa trừ những khoản mua sắm lớn. Ấy vậy mà lại quá nhiều việc phát sinh. Lúc thì đứa bạn thân cưới phải chi 2 triệu, khi thì mua cái máy tính cho con, lúc khác lại sửa máy tính,… Bao việc phát sinh khiến chuyện tiền nong cứ loạn cả lên.

Tháng nào các số liệu tổng kết của anh cũng chênh lệch và anh tìm "nát nước" mà không phát hiện ra nguyên nhân.

Tâm sự với bạn, anh Ninh nói: “Chả ngờ cái việc quản lý tiền của gia đình lại phức tạp thế. Vợ tôi nó làm tốt lắm nhưng phải mỗi cái tội hay tuồn về cho bố mẹ. Mà bố mẹ vợ tôi cũng quá đáng. Hơi một tí là đòi tiền. Vợ tôi thì cứ cun cút làm theo. Chẳng thương chồng con gì cả. Bây giờ cho nó quản lý, tôi không yên tâm chút nào. Mà tôi cố thì đau hết cả đầu”.

Là một người không cẩn thận, không chỉn chu nên anh Ninh hoàn toàn không phù hợp với công việc kế toán gia đình. Không muốn làm mà cứ phải làm nên anh Ninh ức chế. Cứ cuối tháng, khi ngồi tổng kết lại thu - chi, y như rằng anh lại căng thẳng và nổi đóa với vợ. Thành ra, nhà anh có thói quen vui vẻ đầu tháng, cãi nhau cuối tháng.

Giữ tiền là việc của đàn ông? (Ảnh minh họa)

Gia đình anh Tuân, chị Thụy không cãi nhau vì chị Thụy biết thân biết phận. Trong một ngày nghỉ cuối tuần, anh Tuân đi câu cá với bạn bè, ở nhà, cu Bi nhà anh tự dưng ngất. Người bé cứ lả đi. Hốt hoảng, chị Thụy đưa con vào bệnh viện mà trong túi chỉ có mấy chục nghìn. Gọi cho chồng không được, vay tiền đồng nghiệp thì ai cũng đi chơi. May sao, đúng lúc nguy hiểm nhất chị nhớ ra chiếc dây chuyền vàng. Bán đi được vài triệu, chị thừa tiền đóng viện phí cho con. Vừa thương con, vừa tủi thân, chị quay ra giận chồng. 

Sau sự cố, anh Tuân cũng muốn chia sẻ việc quản lý tài chính với vợ. Nhưng vì không yên tâm nên anh vẫn chần chừ. Càng chần chừ thêm ngày nào, chị càng giận anh thêm ngày đó. Nhưng anh không muốn bao công sức của mình đổ xuống sông xuống bể vì sự thiếu hiểu biết của vợ.

Anh nói thật lòng với vợ: “Anh rất muốn giao cho em quản lý tài chính gia đình. Nhưng tính em luộm thuộm, vô tâm, nói trước quên sau. Em lại không được nhanh nhẹn, tháo vát như mẹ. Em có giận thì anh cũng không thể giao tay hòm chìa khóa cho em được. Mỗi lương của em mà em không biết vì sao nó hết thì làm sao em quản lý được cả tiền tỷ”.

Trong khi đó, anh Ninh lại thay đổi quyết định vì anh quá đau đầu với tiền nong. Anh chỉ hy vọng vợ tôn trọng: “Anh không tiếc tiền biếu bố mẹ nhưng cái gì cũng phải có lý. Nhà mình không phải cái kho, lúc nào cần là bố mẹ gọi. Còn em, em phải tôn trọng anh. Cái nhỏ nhặt anh không tính nhưng việc lớn hay biếu ai, cho ai vay, em nên nói qua với anh. Như thế, gia đình mới vui vẻ lâu dài được”.
Chia sẻ