Khốn đốn vì chồng thích… “chém gió”

Bồ Công Anh,
Chia sẻ

Thói quen nói quá, nói khoác của đàn ông để “oai” một chút những tưởng là vô hại nhưng nhiều khi nó gây ra bao khó chịu và ấm ức cho những người vợ.

Khoe khoang nhà… đại gia

Giờ đây trong con mắt của toàn bộ họ hàng ở quê, vợ chồng chị Hà (Giải Phóng – Hà Nội) như thể một đại gia giàu có. Tất nhiên, hệ lụy kéo theo đó là hàng loạt những lần “nhờ vả”, “giúp đỡ”, những lần bắt buộc phải trở thành mạnh thường quân bất đắc dĩ cho mọi hoạt động của dòng họ. Tất cả cũng chỉ vì cái tật quen “chém gió” của anh Tài – chồng chị Hà mà ra.

Cuộc sống của cặp vợ chồng sống xa quê, lập nghiệp, mưu sinh trên thành phố, bố mẹ hai bên cũng không giúp đỡ được nhiều như vợ chồng anh Tài, chị Hà chỉ tạm gọi là dư giả. Có được thành quả đó là sự chắt bóp, dè xẻn bao năm trời mới được chút vốn liếng để dành phòng khi tai biến. So với nhiều người khác trong dòng họ sống ở quê đúng là anh Tài có khá giả hơn đôi chút. Mọi việc sẽ thật là bình thường nếu vợ chồng anh chị thể hiện đúng những gì mình có. Nhưng khổ một nỗi với cái tính bốc đồng quen “chém gió” của mình, mỗi lần về quê, trong lúc họp mặt cả họ, anh Tài luôn huênh hoang nói mình giàu có chẳng thiếu thứ gì: “Nói thật với các bác, nhà cháu giờ trông lên chẳng bằng ai nhưng tự cảm thấy không kém ai cái gì. Thiên hạ có cái gì nhà cháu cũng không thua kém. Gọi là đại gia thì hơi quá chứ quả tình cũng không kém là bao”. Sau mỗi dịp “phóng đại” lên như vậy, thấy mọi người mắt tròn, mắt dẹt thán phục, khen ngợi: “Phải công nhận vợ chồng cháu giỏi thật, đúng là rạng rỡ dòng họ nhà ta” anh Tài thấy mình hãnh diện lắm, cảm giác như trên tận mây xanh.
 

Những lời “nói quá” tưởng chừng như vô hại đó lại gây ra rất nhiều những phiền toái về sau. Lần lượt người trong họ tới nhờ vả vì nghĩ vợ chồng anh chị giàu có. Nay, bác trưởng họ yêu cầu phải đóng góp gấp 3 lần người khác trong việc xây mộ tổ. Mai, mọi người trong họ đề nghị anh chị tài trợ cho quỹ học bổng của dòng họ… Đó là chưa kể, thi thoảng lại có một người trong họ tìm đến “vay tạm”, “mượn đỡ” chút tiền. Lo liệu đủ cho những khoản đó thì tốn kém không ít tiền của mà khước từ thì ngay lập tức anh chị sẽ bị “cách ly” vì cái tội “cậy tiền, khinh người, không có tâm với dòng họ”. Vì vậy, chị cứ gồng mình lên lo liệu mọi việc sau những lời chém gió của chồng.

Chồng chuyên hứa hão

Cùng chung một nỗi khổ vì có ông chồng thích khoác lác, trường hợp của chị Diễm (Mỹ Đình – Hà Nội) còn xấu hổ hơn khi mọi người xung quanh đều nhận ra tính xấu đó của chồng chị. Trong cuộc sống vợ chồng, không biết bao lần trong lúc cao hứng, anh hứa hẹn: “Tháng tới lĩnh lương anh sẽ đưa cả nhà mình đi du lịch một chuyến cho thỏa thích”, hoặc “Em thích cái dây chuyền mặt ngọc đó đúng không? Được rồi, sang tháng anh sẽ tặng em một cái”. Lúc đầu chị tin, cứ hồi hộp chờ đợi những mãi không thấy chồng thực hiện, hỏi lại anh chỉ ậm ừ cho qua. Dần dần chị hiểu, anh chỉ quen hứa cho vui miệng chứ không bao giờ có ý thức thực hiện.

Là vợ chồng hiểu tính nhau nên chị cũng không chấp nhặt chuyện anh chỉ hứa mà không làm. Chị coi như đó là thói quen xấu của chồng nên mặc kệ. Nhưng không dừng lại ở đó, với ai anh cũng thể hiện sự thái quá đó của mình. Anh bạn tới chơi, kể lể về việc làm ăn đang gặp khó khăn. Không hiểu thương bạn hay mạnh miệng thế nào, anh hứa sang tháng anh sẽ giúp cho bạn một khoản lớn mà làm ăn. Nhìn gương mặt mừng như bắt được vàng của người bạn lúc đó và sự tiu nghỉu của anh ấy khi chồng chị gãi đầu gãi tai nói không giúp được mà chị Hà ngượng không biết giấu mặt vào đâu.
 

Với nhà vợ cũng vậy, lần nào sang chơi anh cũng hứa lấy được. Nhìn thấy bố vợ hì hụi sửa cái xe đạp cũ, anh tuyên bố: “Bố đi cái xe này làm gì cho mệt, để sang tháng con mua biếu bố chiếc xe đạp điện đi chơi cho thích”. Ông cụ mừng lắm vậy mà chờ mãi chẳng thấy đâu đành ngậm ngùi bỏ qua vì sợ hỏi thì con rể lại nghĩ mình tham lam. Sau nhiều lần, khi thì hứa mua cho mẹ vợ cái lò vi sóng để nấu ăn cho tiện, khi là dự tính mua cho thằng em cái máy vi tính… dần dần mỗi khi anh hứa mọi người chỉ nhìn nhau cười tủm tỉm. Chị Diễm tâm sự: “Mọi người chưa bao giờ bắt buộc anh ấy phải có trách nhiệm mua cái này cái khác, giúp đỡ việc này việc kia. Vì thế cái gì mình làm được, giúp được thì làm không thì thôi, hứa hẹn làm gì để người ta nghĩ mình khoác lác. Nhưng đằng này anh ấy toàn như vậy. Giờ đây mỗi lần anh hứa hẹn gì, mọi người đều bảo ‘Trăm voi không được bát nước xáo’ làm mình cũng ngượng lây”.

Bản tính thích thể hiện mình là một đặc trưng của cánh đàn ông. Họ thường muốn tỏ ra là người nổi trội, thành đạt và hơn người khác. Tuy nhiên, thật bất tiện nếu những ông chồng có thói quen khoa trương một cách thái quá sẽ gây ra những ấn tượng không tốt từ những người xung quanh và có thể tạo ra những hiểu làm. Theo các chuyên gia tâm lí, trong trường hợp như vậy, các bà vợ cần khéo léo, tinh tế, cần tránh thái độ phanh phui “vạch áo cho người xem lưng”, làm bẽ mặt hoặc mất thể hiện chồng. Điều đó sẽ tạo ra cho ông chồng sự xấu hổ. Hãy khéo lẽo, tìm những thời điểm thích hợp nhất để giúp chồng nhận ra hãy sống và thể hiện đúng với những gì mình có. Bằng cách ấy, chị em phụ nữ mới có thể giúp chồng khắc phục được sở thích “chém gió” của mình mà không làm tổn thương anh ấy.

Chia sẻ