Khóc, cười chuyện... dạy ôsin

,
Chia sẻ

Thời hiện đại, nhiều gia đình cả vợ và chồng đều đi làm từ sáng đến chiều, thời gian dành cho việc nội trợ, chăm sóc con cái không nhiều nên đều cần đến một người giúp việc.

Lựa chọn được người giúp việc ưng ý đã khó, dạy cho họ thích nghi được với những thói quen sinh hoạt, khẩu vị của từng người trong gia đình còn khó hơn. Quanh việc dạy ôsin cũng xảy ra bao chuyện dở khóc dở cười.

Ôsin… dạy cả chủ

“Cứ tưởng mình dạy nó hóa ra nó dạy lại cả mình!”. Bà Hào mặt chưa hết cơn bực khi nhắc đến cô bé giúp việc ở quê người nhà mới giới thiệu. Cô bé mới 17 tuổi, nhanh nhẹn, sạch sẽ và rất chịu khó nhưng một nhược điểm khiến bà chị nóng tính của tôi không ưa chính là luôn tỏ ra cái gì mình cũng biết. Chị hướng dẫn cho cô bé cách nấu ăn sao cho hợp khẩu vị gia đình (vốn ăn hơi mặn) thì cô bé điềm nhiên: “Ăn mặn là không tốt. Nhà mình nên thay đổi đi. Từ giờ cháu sẽ nấu nhạt thôi”.

Ngày nào cũng như ngày nào, gia đình chị phải chịu đựng một nồi canh “nhạt như không có tí muối nào”. Chị lại nhắc nhưng cô bé vẫn “mũ ni che tai”. Chị lau nhà đỡ việc cho cô bé thì bị chê:"Cô lau… bẩn thế!”, “cô phải lau như thế này mới sạch” cứ như thể cô bé mới là chủ còn bà chị tôi đích thị là… ôsin.

Chị Lê nhà ở ngõ 198 - Xuân Thủy có một chị giúp việc rất hay tự ái và mau nước mắt. Chị giúp việc này có hoàn cảnh khá éo le. Bố mẹ mất sớm, chị tần tảo ở vậy nuôi các em khôn lớn và dựng vợ gả chồng cho chúng nhưng không ngờ khi các em có gia đình riêng thì chị lại bị coi là người thừa trong nhà. Luôn ám ảnh mình chỉ là người thừa, người bỏ đi nên khi ai góp ý điều gì dù rất nhẹ nhàng nhưng chị cũng tủi thân, nước mắt ngắn dài.

Dù rất thông cảm với hoàn cảnh của chị giúp việc nhưng chị Lê cũng không thể nào chịu nổi hành động lấy tay ngoáy mũi và quệt lên bất cứ chỗ nào trong nhà của chị. Nhắc khéo chị mấy lần nhưng chị lại khóc lóc, đòi… về quê. Không nhắc thì nhìn những vết lem luốc trên bộ salon mới cáu, trên tường nhà mà chị Lê xót hết cả ruột.

Dạy ôsin cũng phải dùng mưu

Bà chị Hào nhà tôi năm lần bảy lượt bực mình với cô bé giúp việc nhưng không thể không công nhận rằng cô bé rất được việc. Chị coi cô bé như con cháu trong nhà và cũng chịu khó nhắc nhở cháu dần dần bỏ tính bộc tuệch nghĩ gì nói nấy của mình. Cô bé đã có những tiến bộ rõ rệt.

Chị Lê thì nghĩ mãi mới được một mẹo khiến chị giúp việc không tự ái mà vẫn bỏ được tật ngoáy mũi bôi linh tinh. Chị mua một cuốn sách dạy cho trẻ em tiểu học về các cách giữ gìn vệ sinh thân thể và giữ vệ sinh môi trường sống. Tối nào chị cũng bắt cu Tí đang học lớp hai đọc to các mục trong sách và giảng giải thêm cho con hiểu. Sau khi cu Tí đọc đến mục không được ngoáy mũi trước mặt người khác và bôi quệt linh tinh thì từ đó nhà cu Tí cũng không có những vết lem nhem trên tường nữa.

Cần lắm một chữ tình, một từ đồng cảm

Dẫu biết ôsin thì cũng có người này người khác nhưng những người đã chấp nhận bỏ việc nhà mình đi làm giúp việc cho nhà người khác thì hầu hết đều có cuộc sống khó khăn. Người nghèo thường giàu tự ái. Một lời nói nặng hay một cử chỉ khó chịu cũng khiến cho họ cảm thấy bị xúc phạm, bị tổn thương lòng tự trọng. Dù họ là người được trả tiền để làm công cho các gia đình nhưng để họ có thể gắn bó lâu dài với chúng ta, coi nhà của chúng ta như nhà mình thì cần lắm một chữ tình, một từ đồng cảm trong ứng xử hàng ngày.

Người xưa có câu “cho thế nào thì nhận thế ấy”. Người chủ nhà có hiểu và đồng cảm với những khó khăn vất vả của người làm công thì cũng sẽ được họ đền đáp lại bằng một thái độ làm việc tích cực, một sự kính trọng, tin yêu.

Theo Phụ nữ 

Chia sẻ