Khổ vì ... cưới xin

,
Chia sẻ

Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay thì cả người đi mời đám cưới và người được mời đều ái ngại. Người đi mời thì không thể không đi mời vì sợ bị trách. Người được mời thì không biết đóng phong bì bao nhiêu.

Những đám cưới thành thị

Ở những thành phố lớn, địa điểm tổ chức đám cưới là vấn đề đầu tiên các đôi bạn trẻ phải nghĩ tới khi quyết định tiến tới hôn nhân. Anh Hoàng dự định cưới vào đầu năm sau nhưng đã phải đặt chỗ khách sạn từ đầu năm nay. Lý do rất đơn giản: khách sạn đã kín lịch thuê từ giờ đến năm sau. Vậy là mặc dù muốn tổ chức đám cưới sớm nhưng anh vẫn phải… chờ khách sạn. Thế nhưng nếu cố gắng thuê một khách sạn không hợp lý chỉ vì thời gian gấp thì tình cảm còn thê thảm hơn. Đám cưới hỗn loạn, chồng chéo, chật chội. Có khi một đám cưới tổ chức ở hai, ba tầng trong một tòa nhà hoặc hai tòa nhà khác nhay khiến cho các vị khách mời rất vất vả để tìm đúng chỗ.

Những đám cưới của gia đình khá giả ở thành phố thường rất tốn kém, cầu kỳ. Lượng khách có thể không nhiều bằng ở nông thôn nhưng số tiền chi thì có thể khiến cho nhiều người giật mình. Không chỉ là chi phí tổ chức ăn uống, thuê địa điểm rất tốn kém mà các dịch vụ đi kèm cũng cầu kỳ không kém. Những chiếc thiếp cưới tuy chỉ dùng một lần và cũng chỉ làm nhiệm vụ nhắc nhở người được mời nhớ ngày cưới nhưng cũng được thiết kế cầu kỳ sao cho Pro (chuyên nghiệp) nhất. Và những đôi bạn trẻ chọn thiếp cưới cầu kỳ có thể tốn tiền triệu chỉ để in hình mình lên thiếp cưới, làm cho tấm thiệp đẹp lung linh.

Các cặp cô dâu chú rể thường tốn một khoản tiền tương đối để chụp ảnh cưới. Hiện nay dịch vụ này ngày càng trở nên cầu kỳ, chụp ảnh trong studio được thay thế bằng chụp ảnh ngoại cảnh. Số tiền chụp ảnh cưới vì vậy cũng bị đẩy lên con số trên dưới chục triệu. Sau khi cưới xong, những đôi uyên ương này mới cảm thấy tiếc vì số ảnh cưới này hầu như ít được xem tới và cũng không cần thiết phải nhiều đến vậy. Chỉ vì trước khi cưới họ đều nghĩ “cả đời chỉ có một lần cưới, phải làm sao cho đáng nhớ”. Dịch vụ làm đẹp cho vợ chồng trước khi cưới, chọn váy cưới, may complê, áo cưới cũng ngốn một khoản khổng lồ nhưng các cặp uyên ương vẫn hạnh phúc, vẫn sẵn sàng bỏ ra. Cộng với chi phí tổ chức ăn uống, đám cưới quả là một gánh nặng đối với gia đình. Nhiều người đã phát lên: đám cưới Việt ngày càng tốn kém hơn chứ không hề gọn nhẹ đi chút nào.
 
Và ở thành thị chỉ có những đám cưới trong những khu công nghiệp của công nhân là gọn nhẹ. Những đám cưới vội vã ở các khu công nghiệp lại mang một dáng vẻ hết sức công nhân. Đám cưới tranh thủ diễn ra trong mấy tiếng đồng hồ người công nhân được nghỉ. Không gian cưới nhỏ hẹp, khách mời khách khứa cũng vội vã chúc mừng, ăn cơm rồi ra về. Đến mùa cưới, các dãy nhà cho thuê địa điểm cưới nho nhỏ san sát nhau mỗi đám cưới chỉ khoảng mấy chục mâm cỗ. Những đám cưới diễn ra nhỏ gọn, nhanh chóng rất “công nghiêp”.

Và đám cưới nông thôn

Đám cưới ở nông thôn vẫn giữ cách tổ chức khá cầu kỳ, nặng về ăn uống. Chỉ khác là trước kia đám cưới thường có thuốc lá và nhiều rươu, hiện nay thì ít hơn. Nếu đám cưới nhà ai có người say rượu, gây gổ với nhau thì gia đình tổ chức lễ cưới phải chịu phạt. Chính vì vậy hiện tượng đánh bạc, say rượu gây gổ đánh nhau giảm hẳn. Tuy nhiên đám cưới vẫn được người ta xem là “cái nợ miệng” phải trả đi trả lại cho nhau. Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay thì cả người đi mời đám cưới và người được mời đều ái ngại. Người đi mời thì không thể không đi mời vì sợ bị trách. Người được mời thì không biết đóng phong bì bao nhiêu. Giá thực phẩm ngày càng leo thang nhất là dịp cuối năm. Những gia đình tổ chức đám cưới càng tổ chức long trọng thì cô dâu chú rể sau này càng phải gánh món nợ to.

Tại sao ở nông thôn, nơi kinh tế khó khăn mọi người vẫn đua nhau tổ chức đám cưới to? Đó là vì quan niệm tổ chức đám cưới to là sang, là oai với làng xóm, nhiều người tổ chức đám cưới to chỉ là để cho bằng hàng xóm láng giềng, để nở mày nở mặt với họ hàng. Nhưng sau cái oai mà họ thu được là cả một món nợ cho con cái. Bạn thơm, người vừa tổ chức đám cưới xong nói: “Nhà tôi rất khó khăn nhưng cũng phải tổ chức đám cưới cho nó đàng hoàng một chút vì trước kia gia đình, bố mẹ tôi đi ăn cỗ cưới mãi của thiên hạ rồi, giờ mình phải mời lại họ, không mời không được. Cuối cùng đám cưới xong chúng tôi bị “lõm” mất 5 triệu. Đó cũng là một số tiền lớn với hai vợ chồng tôi, lại phải lo trả nợ, đến là khổ. Bây gờ nghĩ lại tôi lại muốn tổ chức gọn nhẹ hơn cho đỡ khổ”.

Mùa cưới đang đến gần, rất nhiều các cặp uyên ương đang lên lịch cho lễ cưới của mình. Tổ chức hình thức là: truyền thống, theo nếp cũ với cỗ bàn linh đình hay gọn nhẹ theo nếp sống mới vẫn đang là câu hỏi với nhiều người. Đa phần các gia đình vẫn chọn đám cưới linh đình, lãng phí. Mong rằng mùa cưới năm nay các lễ cưới sẽ diễn ra gọn nhẹ hơn mà vẫn ý nghĩa, trang trọng lịch sự.

Theo Gia đình
Chia sẻ