Khi thu nhập của vợ cao hơn chồng

Hiền Anh,
Chia sẻ

Phụ nữ thành đạt có thu nhập cao không còn là chuyện hiếm. Vậy khi vợ hơn chồng, “âm thịnh dương suy”, phải làm gì để giữ gìn sự bình yên cho gia đình?

Đảo lộn phân công trong gia đình

Kiếm được nhiều tiền luôn đồng nghĩa với việc phải dành nhiều thời gian cho nó. Mỗi người đều chỉ có 24 tiếng đồng hồ để ăn, ngủ, nghỉ ngơi và làm việc. Vì thế, đương nhiên người vợ phải thỏa thuận, "thương lượng" với chồng để cùng nhau sắp xếp lại công việc gia đình, sao cho người chồng chuyển sang làm những việc mà giờ đây người vợ không thể còn đủ thời gian và sức lực để đảm đương.

Thế là mọi chuyện bị xáo trộn, người chồng phải cố gắng thích nghi với vai trò mới, vốn dĩ rất khó khăn với đàn ông. Khi đó người vợ phải rất tâm lý, chia sẻ, động viên và tỏ rõ sự biết ơn về những gánh vác của chồng. Đó là cách khôn ngoan nhất, tốt nhất.

 

Suy nghĩ của người chồng

Phải là người bản lĩnh lắm thì mới coi đó là chuyện chẳng có gì phải suy nghĩ. Hoặc là người quen sống dựa dẫm, ỉ lại, chỉ cần biết có tiền thì mới hài lòng ở nhà “hầu” vợ. Còn hầu hết đàn ông khi thua kém vợ về khả năng kiếm tiền sẽ nảy sinh những tâm lý sau:

- Vai trò làm chủ gia đình sẽ chuyển sang cho vợ: Các cụ đã nói "mạnh vì gạo, bạo vì tiền". Giờ người chồng thua kém vợ về thu nhập tài chính thì ắt sẽ nảy sinh tư tưởng tự ti, rằng mình không làm tròn bổn phận làm chủ, là trụ cột trong gia đình. Từ đó, sẽ rất thận trọng khi đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến tài chính, chỉ luôn muốn đùn đẩy cho vợ, tìm cách né tránh.

Khi đó, sự nhạy cảm của người vợ rất quan trọng. Nếu không dần dần, người chồng sẽ từ bỏ vị trí chèo lái con thuyền gia đình lúc nào không hay.

- Tâm lý sợ bị vợ coi thường, thiếu tôn trọng:  Có người chồng nói hẳn ra rằng: Thà không được vợ yêu còn hơn bị vợ coi thường, thiếu tôn trọng. Mà người vợ làm ra nhiều tiền, hoặc vô tình hoặc cố ý rất hay đẩy chồng mình đến tâm lý này. Với một người chồng tự trọng, bị vợ coi thường, thậm chí xúc phạm cho rằng họ bất tài, không kiếm ra tiền, không lo được cho gia đình thì không còn gì nhục bằng.

Khi đó họ sẽ rất khinh bỉ những đồng tiền mà người vợ làm ra, dù là chính đáng. Mâu thuẫn vợ chồng sẽ nảy sinh, thậm chí ngày càng trầm trọng nếu người vợ không hiểu ra và khéo léo điều chỉnh.

- Tâm lý sợ vợ lấn át, chi phối và điều khiển mình: Nếu người vợ cậy mình làm ra nhiều tiền hơn chồng mà cho phép mình đưa ra những quyết sách, quyết định trong nhà không cần bàn bạc với chồng hoặc lái chồng phải theo ý mình thì người chồng sẽ có phản ứng tức thời. Nhẹ thì tranh cãi và nhắc nhở người vợ phải tôn trọng mình, vừa thì tỏ ra thờ ơ, lãnh đạm với những quyết sách của vợ; còn nặng nữa thì sẽ chống đối làm ngược lại hoặc phá đến cùng những quyết định của vợ.

Nếu hiểu được tâm lý đó của chồng, người vợ khôn ngoan sẽ không bao giờ nói những câu: "Em sẽ/phải/đã... làm việc này, việc kia..." mà nên hỏi ý kiến chồng về mọi việc rồi cùng chồng bàn bạc. Người vợ cũng cần hỏi và phải tôn trọng ý kiến của chồng chứ không phải hỏi lấy lệ rồi vẫn tự mình quyết thì người chồng vẫn phản ứng như thường.

Theo Hiền Anh
Thế giới phụ nữ
Chia sẻ