Khi “ngoại” hơn “nội”!

,
Chia sẻ

Huyền thông báo với chồng: “Anh dọn giúp em cái phòng trên, tuần sau cái Hà con cậu Toản lên ôn thi đại học”.

Nhất bên trọng…

Ngay từ đầu, Huyền đã không ưa nhà Thắng bởi từ đầu đến cuối làng đều là họ hàng, anh em ruột rà, Huyền cho như thế là dây mơ lắm chuyện. Kể đến bên họ nhà Thắng là cô khó chịu ra mặt. Huyền không ưa nhà anh đã đành, đằng này cô nhất nhất chỉ biết bên nhà mình. Có việc gì, Huyền cũng nhắc đến bên ngoại, cô xem như không có bên nội.

Ngày lễ Tết, Huyền mua sắm bao nhiêu quà cáp cho gia đình mình từ bố mẹ, anh chị, cậu mợ đến các cháu. Huyền nói rằng: “Phải sao cho đẹp mặt đứa con gái của bố mẹ”. Trong khi đó, cả năm mới có dịp về quê chồng một lần, Huyền chỉ mua qua quýt vài gói bánh làm quà chỉ để hoàn thành trách nhiệm làm dâu. Thắng có nhắc khéo cô lại “chữa cháy”: “Nhà anh xa, mang quà cáp thêm rườm rà. Cần thiết thì cầm tiền về quê mua, bây giờ nơi nào cũng đủ hàng hóa như Hà Nội”.

Nhà bố mẹ Huyền ở gần nên cuối tuần nào cũng vậy, không tổ chức nấu ăn ở nhà mời bố mẹ sang thì Huyền cũng bắt chồng sang nhà bố mẹ dùng cơm. Nhìn vợ nhiều hôm tất bật chuẩn bị cơm mời bố mẹ, Thắng không khỏi mủi lòng. Bố mẹ anh, lâu lâu có dịp lại lên thăm con cháu thì Huyền mặc kệ, nấu ăn chỉ để cho qua bữa.

Anh Hưng ở Cầu Giấy, Hà Nội cũng rơi vào cảnh vợ chỉ biết mỗi bên ngoại, còn bên nội ở cạnh mà xem như không. Khi anh Hưng yêu chị Giang, bố mẹ anh đã tỏ vẻ không bằng lòng vì cho rằng hai người không hợp tuổi. Trong chuyện này, chính bố mẹ chị Giang lúc đầu cũng không đồng ý cho hai người lấy nhau, vậy mà giờ Giang chỉ “nhớ tội” mỗi bên nội.

Từ hồi anh gom góp mua được căn nhà chung cư, cứ vài ba hôm, mấy đứa em của Giang lại kéo nhau qua nhà "đập phá" vì anh vốn rất quý mấy đứa em của vợ. Nhưng cô em gái duy nhất của anh, lâu lâu ghé qua nhà thăm anh chị thì chị lại sưng sỉa mặt mày. Không ít lần, sau khi em sang, vợ anh lại hỏi: “Nó sang có việc gì vậy?”.
 
thời gian rảnh là chị chở con sang đằng ngoại chơi. Thậm chí, chị còn để môt ít quần áo của con bên nhà bố mẹ để tiện bề gửi cháu. Lúc chị sinh, hai bà mẹ đều hồ hởi qua chăm nhưng chị tìm mọi cách để… cho bà nội “nghỉ ngơi”. Nhìn mẹ buồn rười rượi anh cũng đau lòng, anh biết chị đang “lập hàng rào” giữa con với bên nội, nhưng vợ đang ở cữ, anh lại cho qua.

Xung đột vì vợ “thiên vị”

Nghe vợ thông báo: “Tuần sau cái Hà con cậu Toản lên ôn thi đại học”. Thắng cau mày, tháng trước cô em họ Thắng lên học may, Huyền nhất quyết không cho nó ở nhờ: “Có thêm người vào ở nhà mình, em không thích”. Ức chế nên Thắng đã “xả hơi”: “Cô xem xem, cháu cô đến thì được còn cháu tôi đến ở nhờ vài ba ngày thì cô không chịu. Cô khinh thường nhà tôi vừa thôi”.

Huyền mỉa mai chồng: “Tôi không ngờ anh cũng tính toán, để ý đến thế”. Từ đó, Thắng và Huyền chẳng ai nói thêm việc “nhà anh” “nhà tôi” nữa nhưng giữa hai vợ chồng luôn có khoảng cách với nhau. Thắng cũng thưa dần đi cùng vợ sang nhà bố mẹ vợ dùng cơm.

Khi con trai được hai tuổi, vợ chồng anh Hưng, chị Giang tính chuyện gửi cháu sang nhà ông bà. Chị  muốn gửi con sang bên đằng ngoại. Anh không chịu vì đường sang nhà ông bà nội tiện hơn, trong khi ông bà ngoại đang bận trông một cháu của em Giang. Theo chị tính, bà trông hai cháu càng tiện, hơn nữa con mình nó quấn bên ngoại hơn.

Thương bố mẹ mình quý cháu mà ít có điều kiện gần thằng bé, anh Hưng tuyên bố: “Gửi thằng bé sang bên ông bà ngoại thì tôi không về nhà này”. Không gửi con sang nhà ngoại nhưng chị cũng không đồng ý đưa con sang ông bà nội… Cuối cùng, phải gửi con đến trường mầm non nhưng giữa hai vợ chồng vẫn không bớt căng thẳng. Chỉ vì vợ nhất nhất bên ngoại, bên nội lại chẳng xem ra gì thì tự nhiên anh cũng thấy ác cảm với bên nhà vợ. Hai người lại có thêm chuyện để gây gổ với nhau.

Anh Hưng tâm sự: “Cũng dễ hiểu, gia đình của mình thì lúc nào cũng dễ gần nhất nên vợ lúc nào cũng ông bà ngoại. Thân thiết với bên ngoại nhiều không sao nhưng đừng vì thế là “tẩy chay” bên nội, cũng phải “công bằng” một chút, ít nhất thì cũng vì chồng”.

Trong gia đình nếu người vợ chỉ biết đằng ngoại thì dần dần người chồng sẽ thấy vợ khinh thường nhà mình. Chuyện tế nhị này không phải người chồng nào cũng nói được với vợ, vì sợ vợ cho rằng mình ích kỷ, nhỏ nhen. Không khí nhiều gia đình căng thẳng vì chuyện vợ “thiên vị”. Tâm lý người chồng lúc đó họ cũng sẽ “giữ khoảng cách” với bên ngoại. Yêu thương bên ngoại không sao nhưng người vợ cần để ý, quan tâm bên nhà chồng, nếu không hạnh phúc gia đình rất dễ bị rạn nứt.

Theo Hoài Nam

Dân Trí

Chia sẻ