Hội chứng bỗng dưng sợ lấy chồng

,
Chia sẻ

Toàn tâm toàn ý lên xe hoa nhưng càng sát giờ G, sự căng thẳng của An càng tăng. An hay giật mình tự hỏi: “Liệu mình có hạnh phúc không nhỉ? Anh ấy có yêu mình suốt đời?”.

Mình sắp lấy chồng thật sao? Mình sẽ làm vợ, làm mẹ trong nay mai. Mình còn nhiều dự định quá, làm sao đây? Liệu chồng mình có tốt hơn những “cây si” khác không?”, Nguyễn Mỹ An 24 tuổi, ngụ ở Đồng Nai, cứ băn khoăn mãi sau lễ dạm ngõ của mình.
 
Những hành động kỳ lạ

Mỹ An và chồng sắp cưới yêu nhau đã ba năm. Toàn tâm toàn ý lên xe hoa nhưng càng sát giờ G, sự căng thẳng của An càng tăng. Hàng đêm, An hay giật mình tỉnh giấc với những câu hỏi chờn vờn như: “Liệu mình có hạnh phúc không nhỉ? Anh ấy có yêu mình suốt đời?”.

Mâu thuẫn dần nảy sinh khi chồng tương lai vất vả chạy lo đám cưới, còn Mỹ An lại hoài nghi, xét nét. Hai năm yêu nhau chưa bao giờ cô mảy may nghi ngờ người yêu, nhưng giờ đây, cô săm soi nhất cử nhất động của anh chàng.

Một lần tình cờ đọc tin nhắn hẹn đi cà-phê của một đồng nghiệp nữ gửi chồng sắp cưới, An gào lên như thể bắt gặp “chồng” ngoại tình. Trong cơn giận dữ, cô ném nhẫn đính hôn vào mặt người yêu mà không nghe bất cứ lời giải thích nào của anh.

Sau đó, An nhất quyết đòi chồng tương lai của cô chở đi gặp tình địch. Đến khi gặp một cô bé đang tuổi “Ăn chưa no, lo chưa tới”, An không khỏi ân hận nghĩ: “Mình quả là ghen tuông vớ vẩn. Hành động này đã hạ thấp giá trị của mình”. Sự việc đã rõ nhưng An vẫn cảm thấy bị tổn thương sâu sắc. Đêm đó, An xếp áo quần về quê. Cô khóc rất nhiều. An sợ đối diện với nỗi lo mất chồng và cả nỗi lo đánh mất lòng kiêu hãnh của mình.

Trở về thành phố, An quyết định hủy đám cưới. Mặc dù người chồng sắp cưới đã phân tích mọi thiệt hơn nhưng cô vẫn khăng khăng không chịu. Họ đứng trước nguy cơ đổ vỡ dù ngày cưới đã gần kề.

Vì sao họ sợ ngày cưới đến gần?

Câu chuyện của Mỹ An là một trong rất nhiều trường hợp mắc phải hội chứng tiền hôn nhân. Hội chứng này có thể xảy ra ở cả hai phái nhưng thường gặp ở nữ nhiều hơn nam.

Hội chứng “bỗng dưng sợ lấy chồng” thường xuất hiện sau khi bàn chuyện cưới xin. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng này.

Thứ nhất, các cô gái thường lo xa. Hôn nhân là một quyết định quan trọng nên họ luôn luôn lo lắng cho cuộc sống tương lai.

Thứ hai, tỷ lệ ly hôn của các bạn trẻ ngày càng nhiều. Thực tế này khiến nhiều cô gái tỏ ra nghi ngờ hạnh phúc sau hôn nhân. Thứ ba, càng gần đến ngày cưới, các Adam lại càng bận bịu lo toan và ít nhiều lơ là vợ sắp cưới. Các Eva nhạy cảm quá mức lại suy đoán: “Nếu cứ đà này, lấy nhau rồi sẽ ra sao?”. Từ suy đoán ấy, họ trở nên cáu bẳn và gây chiến với chồng tương lai.

Nguyên nhân thứ tư xuất phát từ tâm lý tiếc nuối thời con gái. Khi chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân, các cô gái thường tiếc nuối sự tự do, thời hoàng kim được nhiều người theo đuổi…

Phái mạnh thường đến với quyết định cưới hỏi như một dạng thủ tục cần phải có. Họ chuẩn bị cho cuộc sống chung có phần thanh thản và đơn giản hơn so với phái yếu.

Vì vậy, họ rất ngạc nhiên trước những phản ứng thái quá của vợ tương lai. Từ chỗ không hiểu, họ cũng đâm ra bực dọc và phó mặc mọi chuyện.

Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian chuẩn bị cưới, cô gái có thể phát hiện người bạn đời tương lai của mình có những tính xấu “chưa từng thấy”. Cảm giác căng thẳng, mêt mỏi sẽ càng nhân lên.
 

Lúc này, mỗi lần gặp nhau, cả hai không còn tíu tít như đôi chim câu nữa mà tranh luận không dứt. Đôi lúc, họ còn buông lời nặng nhẹ, khiến người trong cuộc muốn “xù” luôn.

Nếu không đủ tỉnh táo để giải quyết những bất ổn trước bước ngoặt của cuộc đời, các đôi uyên ương sẽ đẩy hạnh phúc của mình xuống bờ vực thẳm.

Cùng vượt qua bất ổn tâm lý

Thực tế cho thấy không hiếm các trường hợp hủy hôn ngay trước ngày cưới với lý do chung chung là thiếu hoà hợp. Rõ ràng, hội chứng sắp cưới có thể “viếng thăm” bất cứ ai, không riêng gì bạn. Để tìm hướng giải quyết, trước tiên, bạn cần xác định tâm lý bất ổn của mình xuất phát từ hội chứng này hay từ những nguyên nhân quan trọng thật sự.

Chị Lê Trâm Anh, 34 tuổi, ngụ tại quận tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, ly hôn cách đây hai năm và đang một mình nuôi con. Chị tâm sự: “trước ngày cưới, tôi phát hiện chồng tương lai của mình rất cộc cằn, thô lỗ, không dịu dàng như những ngày theo đuổi tôi”.

Có một lần, chỉ vì tranh cãi nơi đãi tiệc, anh tát tôi giữa đường. Rất giận nhưng tôi lại mềm lòng khi anh năn nỉ. Dù cảm thấy bất an nhưng tôi cứ nghĩ đó là tâm lý lo lắng chung trước ngày cưới”.

Thế nhưng, sau khi về chung sống, chị đi từ ngạc nhiên đến hoảng hốt khi phát hiện chồng rất vũ phu. Chỉ vì một câu nói trái tai, anh đấm vợ như bao cát. Cầm cự được ba năm, chị kiên quyết ly hôn.

Bi kịch gia đình của chị Trâm Anh xuất phát từ sự nhầm lẫn giữa hội chứng sắp cưới và tâm lý bất an có cơ sở.

Theo chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Quang Hiển, công tác tại trung tâm Tư vấn tình yêu – Hôn nhân – Gia đình thành phố Hồ Chí Minh, thuộc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, khi xảy ra bất đồng trong thời gian chuẩn bị đám cưới, đôi uyên ương nên tỉnh táo. Bạn cần phân biệt giữa vấn đề quan trọng, ảnh hưởng lâu dài và sự việc mang tính nhất thời, ít lặp lại, không chi phối nhiều đến hạnh phúc. Từ đó, bạn sẽ có sự quan tâm đúng mức và hướng khắc phục hiệu quả.

Nếu có những bất đồng sâu sắc, bạn nên dũng cảm hủy đám cưới. Kết hôn vì những lý do miễn cưỡng sẽ tạo nên cuộc sống bi kịch sau hôn nhân.

Ngược lại, bạn và chàng hãy cùng tìm cách xua tan những nỗi lo không đáng có. Tâm lý bất ổn sẽ khiến bạn mất cảm giác sẵn sàng và tự tin trước lễ cưới.

Càng giảm lo lắng, bạn càng rõ ràng và rành mạch hơn trong tư duy để giải quyết nhanh những lo toan thực tế. Hơn nữa, bạn cần phải khoẻ mạnh, thoải mái để có được một ngày lễ vui trọn vẹn.

Một trong những cách thư giãn hiệu quả là sắp xếp thời gian để cùng nhau đi du lịch, mua sắm… hãy rộng lượng, cởi mở với người bạn đời tương lai của mình để tháo gỡ những bất ổn còn vướng mắc!

Hôn nhân là một giai đoạn mới trong cuộc đời của mỗi con người. Đó là một khởi đầu tốt đẹp. Bạn không nên nhìn nó bằng con mắt bi quan và tự đánh mất niềm vui”.

“Muốn có hạnh phúc, bạn nên trang bị cho mình kiến thức đầy đủ về cuộc sống gia đình. Bạn có thể đọc sách báo hoặc tham dự những lớp học tiền hôn nhân”, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Quang Hiển kết luận.
 
Theo TTGĐ
Chia sẻ