"Giặc bên Ngô..."

Đặng Tuyền,
Chia sẻ

Nhiều nàng dâu sợ “bà cô” bên chồng hơn cả mẹ chồng. Họ là “điển hình” của sự soi mói, chèn ép chị - em dâu.

Chị trông trẻ và đẹp hơn nhiều so với tuổi 37 của mình. Nhưng tôi vẫn thấy hình như chị thiếu đi cái vẻ linh hoạt, vui tươi, hài lòng của một người phụ nữ thành đạt, có một cuộc sống đầy đủ,…
 
37 tuổi khác với 27 tuổi và 17 tuổi, làm sao mà nói đến sự linh hoạt được nữa. Mọi thứ của tôi bắt đầu chậm lại.
 
Cả cảm xúc cũng chậm lại?
 
Tôi không trả lời được vấn đề này. Cảm xúc là những điều tự nhiên. Ta có thể điều tiết nó ở các mức độ, nhưng nhìn chung là không nên và không cần thiết.
 
Chị nói gì về gia đình chị?
 
Gia đình tôi có 7 người: bố mẹ, hai đôi vợ chồng của hai cậu em trai tôi. Cậu em kế tôi chuẩn bị dọn ra ngoài ở. Cũng không có gì đặc biệt, tất cả đều sống với nhau không to tiếng. Ai cũng có công việc của mình. Mọi người sẽ nhắc nhở nhau về cuộc sống chung, về công việc chung nếu cần thiết.
 

Nhắc nhở nhau khi cần thiết? Tôi thấy mối quan hệ chị dâu em chồng thật khó để nhắc nhở nhau…
 
Nếu không nhắc nhở nhau thì chúng ta còn có hình thức nào tốt hơn khi một thành viên làm ảnh hưởng đến cuộc sống chung?
 
Ý tôi là chị có thể nhắc nhở các cô em dâu, nhưng họ chắc gì đã dám nhắc nhở chị!
 
Đó là việc của họ. Ai cũng có quyền nói lên những suy nghĩ của mình. Mọi thứ không phải độc đoán, ra lệnh, mà nó có những nguyên tắc chung, vô lý quá thì sẽ phải nói chuyện. Nói chuyện không được sẽ sinh mâu thuẫn thôi.
 
Theo tôi, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình là giúp nhau thích nghi dần với những người xung quanh. Điều này rất khó. Tôi không phải chuyên gia tâm lý để có thể đưa ra những lời khuyên cho các cô em dâu của mình. Nhưng họ cần phải  có những chuẩn bị tâm lý để tìm hiểu và hòa nhập với cuộc sống gia đình nhà chồng.
 
Nhưng vẫn có sự lệch pha và sự phân biệt nhất định?
 
Sự lệch pha chắc chắn là có. Văn hóa mỗi gia đình khác nhau. Cô con dâu trước khi về gia đình nhà chồng được giáo dục khác với gia đình tôi nên những thói quen cũng khác. Cô ấy là tất cả đối với bố mẹ và gia đình cô ấy, nhưng về nhà chồng, cô ấy bị động hơn. Mọi người đòi hỏi cô ấy trở thành một người lớn, một thành viên tích cực trong một gia đình mới. Tôi không nghĩ có một gia đình nào đó muốn đón một cô công chúa chưa trưởng thành về nuôi dưỡng, cung phụng và cả gia đình nhà chồng sẽ phải thay đổi vì cô ấy.
 
Sự phân biệt không ai nói ra, nhưng chúng ta ngầm hiểu thế này: mỗi thành viên trong gia đình đều có những vai trò, trách nhiệm khác nhau. Giống như các bạn đi xin việc sẽ phải qua các bước thử việc, ký hợp đồng và làm việc lâu dài nếu các bạn thích ứng nổi với môi trường công ty bạn. Bạn phải tuân theo các quy tắc người khác vạch ra từ trước. Bạn sẽ phải cống hiến cho đến khi người “cũ” chấp nhận sự nỗ lực của bạn và bạn sẽ có chỗ đứng thôi.
 

Chúng ta nói về sự công bằng, nhưng tôi muốn nói đến sự thiên vị trong cuộc sống. Chúng ta sẽ có cái nhìn ác cảm, hoặc thiên vị với một ai đó là điều dễ hiểu. Không thể đòi hỏi tôi nhìn đúng bản chất và yêu quý ngay lập tức các cô em dâu của mình được.
 
Chị có đặt mình vào câu nói: giặc bên Ngô không bằng bà cô bên chồng để xem xét lại cách đối xử, “soi mói” của mình đối với em dâu không?
 
Tôi chưa lập gia đình nên đồng ý là mối quan tâm của tôi so với các cô em dâu là khác nhau. Nhưng tôi không soi xét những việc riêng tư của họ, tôi chỉ nói cái chung: nhà cửa gọn gàng, cách hành xử với bố mẹ tôi, cách chia sẻ công việc cùng nhà chồng, cách đối nhân xử thế mà tôi biết được.
 
Các “bà” con dâu suốt ngày ca thán về chị chồng, hơn cả vấn nạn giặc ngoại xâm. Nhưng để mà ngồi nghĩ về bản thân mình thì tôi cá là không “bà” nào chịu ngồi mà suy ngẫm.
 
Tôi chắc chắn khi ca thán về sự khó tính của chị chồng, họ không nghĩ họ đã soi mói nhiều hơn tôi. Nhưng họ không dám nói trực tiếp mà nói sau lưng tôi. Họ có cái “thế” của người yếu đuối và được mọi người thông cảm hơn. Ai chả bênh vực những người đi than thở.
 


Muốn không bị người khác soi thì hãy sống để họ không thể soi mói được. Những thứ tôi góp ý cho họ, trước mặt thì họ vâng dạ, sau lưng thì lại đi ca thán, thế thì bao giờ mới tiến bộ chứ? Họ không nói ý kiến của họ và không biết cách nói ý kiến thì phải chịu ý kiến của người khác. Cái kiểu kêu ca này tôi e rằng hơi thảo mai. Họ nói tôi sau lưng là bà cô, họ khó chịu, nhăn nhó chỉ làm họ khổ sở thôi.
 
Tự họ xây dựng mối ngăn cách chị chồng em dâu rồi nói tôi là bà cô. Tôi thì chẳng thèm để bụng. Nói lần một không tiếp thu thì nói lần hai, tất nhiên khó chịu hơn lần một. Mà để đến lần thứ ba nữa thì tôi không thèm nói nữa, cứ nguyên tắc mà mang ra “xử” thôi. Đó giống như một kiểu cưỡng chế trong gia đình, tôi cho là thế.
 
Chị hãy nói có cái “tình” và bớt cái “lý” đi một chút được không?
 
Cả lý và cả tình cũng đều phải có hai chiều. Nói thẳng ra thì ai cũng có tâm lý ích kỷ. Ai cũng muốn giữ quan điểm của mình từ trước và khó chấp nhận nhập tâm quan điểm của người khác. Những cách hành xử khác đi hệ quy chuẩn quan điểm của mình sẽ bị khép vào cái nhìn ác cảm và soi mói của bản thân. Chúng ta đều có phản xạ đòi hỏi người khác hành động, cư xử giống hệ quy chuẩn quan điểm của mình thì mới hài lòng.
 
Tôi không quan tâm lắm các cô em dâu nói gì vì nói những điều sau lưng tôi. Rồi các cô ấy sẽ nhìn thấy rất nhiều thứ xấu của nhiều người khác và sẽ ca thán về họ thôi. Họ sẽ luôn giữ một bản mặt: bằng mặt nhưng không bằng lòng. Khi họ còn sống chung với tôi, cứ ảnh hưởng tới những nguyên tắc của cả gia đình tôi sẽ nói đến nơi đến chốn.
 
Chị có nghĩ khi mình lập gia đình, tính cách mình sẽ thay đổi được không?
 
Tính tôi vẫn thế, nhưng không ai gọi tôi là bà cô nữa!
 
Cảm ơn chị! Chúc chị luôn vui vẻ!
Chia sẻ