Gia đình hiện đại: "chuyện ấy" - ai đòi ai?

,
Chia sẻ

Sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới không chỉ thể hiện trên đường công danh, sự nghiệp mà cả trong chốn phòng the. Đó là một trong những thay đổi đang diễn ra trong các gia đình hiện đại.

Mô hình gia đình không còn cồng kềnh bởi “tam tứ đại đồng đường”, thay vào đó là gia đình hạt nhân (nghĩa là một gia đình chỉ có bố, mẹ và con cái sống cùng với nhau). Mô hình gia đình thay đổi, quan niệm về tình yêu, hôn nhân cũng đổi thay theo. Không còn có chuyện “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó”. Thanh niên tự chọn lựa người yêu và bạn đời cho mình. Đơn giản hơn, tự do hơn, nhưng hạnh phúc liệu có đến dễ dàng?

Kết hôn ư? Chờ đã…

Ngày nay nam nữ bình quyền, nữ giới có nhiều cơ hội trong học tập, công việc. Không gian tiếp xúc của họ đa dạng hơn, cơ hội “kén cá chọn canh” cũng nhiều hơn thế hệ trước. Hơn nữa, cuộc sống độc thân với nhiều tự do, nhất là trong thời đại Internet, mọi thứ như không có rào cản càng làm cho các cô gái, chàng trai lưu luyến không dứt. Họ tự tin “Tôi thà kết hôn muộn còn hơn ly dị sớm”.
 
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là tất cả những người trì hoãn hôn nhân đều do muốn kén chồng chọn vợ cho kỹ, hoặc hưởng thụ tự do. Hiện nay, bên cạnh lứa thanh niên trẻ yêu tự do, còn có một lứa U30 hoặc U40 tuổi vẫn chăn đơn gối chiếc.
Không phải họ thích độc thân. Họ chỉ miễn cưỡng chấp nhận sự cô đơn của mình bởi nhiều nguyên nhân. Người cắm cúi lao vào con đường học tập để lấy bằng 2, bằng 3, thạc sĩ, tiến sĩ… Người chăm lo công việc, đến khi giật mình ngoảnh lại, đã “hàng băm” từ lúc nào rồi.
 
Kiều nữ kén chồng

Hơn thời nào hết, thời nay, các cô tha hồ tung tú cầu tìm ý trung nhân. Thế là các cô “đánh đu” với các chàng, lựa qua rồi lại chọn lại.

Đến khi vào vòng "chung kết", các cô lại rà soát xem chàng có hợp với những “tiêu chí” của mình hay không; Chàng con một hay nhà đông anh em? Chàng quê ở tận phương nào? Có vướng bận mẹ già em dại không?

Tính tính toán toán, cuối cùng các nàng ngẫm xem mình yêu hắn như thế đủ để lấy hắn hay chưa. Các nàng tính toán lạnh lùng quá ư?

Có thể. Nhưng thật ra, tâm lý này cũng không quá lạ bởi trong thời đại ngày nay không thể có chuyện “Một túp lều tranh, hai quả tim vàng”. Chị em phụ nữ tính toán một chút cũng chỉ muốn mưu cầu hạnh phúc cho mình.

Mr. chồng trong mắt vợ
 
Người chồng trong gia đình hiện đại bây giờ mất vai trò độc tôn, gia trưởng. Các bà các cô thời này không còn sợ “ông ấy” một phép như ngày xưa nữa. Mọi thứ cứ gọi là bình đẳng, bình quyền.

Chồng là người ta chọn sống chung suốt đời. Từ ngày ký giấy kết hôn, ta và hắn coi như ngồi chung xuồng. Nghĩa là từ này đôi ta chung nhiều thứ lắm nhé: sống chung nhà, có chung bố mẹ, con cái…

Chồng lười ư? Đừng hòng. Vợ sẽ dùng hết quyền lực của một người vợ để “xử lý” chồng. Không cải tạo được, vợ sẽ chơi chiêu “sống chung với lũ”, chồng lười, vợ cũng lười, xem giới hạn chịu đựng sự lười biếng của chồng đến đâu.

Chồng tòm tem với em út hả? Chuyện “ông ăn chả, bà ăn nem”, vợ đây cũng làm được nhưng chẳng qua không muốn làm, bởi vợ cao tay hơn. Con cái, bố mẹ là vũ khí, nhưng níu kéo mãi chồng vẫn không chừa, vợ sẽ lạnh lùng quyết định cho chồng ra đi không thương tiếc.

Các bà vợ thời nay không phải phụ thuộc các “dạ dày” vào chồng, thậm chí còn nuôi chồng, chuyện tự giải quyết mâu thuẫn theo kiểu: “Thà chấm dứt một nỗi đau còn hơn để nỗi đau không bao giờ chấm dứt”.

Họ yêu hết lòng nhưng vẫn còn chút sáng suốt khi nhận thấy tình yêu của mình đặt không đúng chỗ.

Chuyện ấy ư? Ai đòi ai?

Sự bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới không chỉ thể hiện trên đường công danh, sự nghiệp mà cả trong chốn phòng the.

Người vợ không còn hoàn toàn thụ động chờ đợi chồng “yêu” mà họ mạnh dạn đòi “quyền lợi”. Cách thể hiện lại muôn vẻ, từ nói bóng gió đến nói xổ toẹt ra. Hãy lắng nghe đoạn đối thoại của một đôi vợ chồng vừa qua tuổi 30:

Vợ: Anh à, tối nay mình cứ thế đi ngủ luôn hả anh?

Chồng: Ừ, ngủ đi chứ còn gì nữa… (chồng ngáp dài, vợ quay qua đã nghe thấy tiếng ngáy o o.)

5 phút sau.

Vợ: Anh à,

Chồng: gì thế em, ngủ đi, anh mệt quá.

Vợ: Anh, khó ngủ quá, trời này vợ chồng nằm ôm nhau mới thật là thích

Chồng: (khẽ mở mắt nhìn vợ): Em lại mè nheo à. Ừ, thì anh ôm này.

Vợ: Không! Em muốn “XXX” cơ.

Chồng: Em nhá, đáo để lắm đấy
 
Đến những nghịch lý thời nay

Khoảng mấy năm trước ta hay bắt gặp những cú điện thoại đại loại thế này:

- Em hả. Em và con ăn cơm trước nhé! Anh kẹt đi ăn với đối tác chắc không về kịp bữa đâu.

Đến bây giờ, cũng là một cuộc điện thoại gọi về nhà nhưng lại là thế này:

- Hai bố con cứ ăn cơm đi, đừng chờ em. Em phải đi tiếp một đối tác từ bên Úc sang, chắc đến tối mới xong việc. Có gì em sẽ gọi điện sau. Thôi nhé!

Vợ, dù em có là ai, em vẫn là phụ nữ

Không còn nghi ngờ gì nữa, phụ nữ thời nay vừa là vợ (dĩ nhiên rồi), vừa là tình nhân (cái này là do họ khéo léo), vừa là mẹ (mẹ của các con). Đôi khi là mẹ của chồng nếu chồng thuộc dạng trẻ con. Ngoài xã hội, họ thậm chí còn là bà này, bà nọ, những cuối cùng về bản chất, họ vẫn là phụ nữ với những tính cách hết sức nữ tính: hờn ghen, ganh tị, tủi thân, nhõng nhẽo…

Không kể đến những phụ nữ giận chồng quay sang hành hạ con, ghen tuông đến mất trí làm điều xằng bậy, những người phụ nữ hiện đại mới hiểu và trân trọng bản thân. Họ không chọn những cách làm ngu xuẩn ấy nữa.

Đôi lần chúng ta bắt gặp một phụ nữ xinh đẹp tiêu pha hoành tráng cho khoản làm đẹp, giày dép, quần áo… Họ thuộc tuýp phụ nữ xí xọn. Đúng, những sẽ còn đúng hơn nếu biết được họ đang giận chồng đấy. Trong thời buổi hiện đại, phụ nữ có khuynh hướng mắt phải hội chứng shopping để xả stress. Với họ, tiêu pha càng nhiều, mức độ hờn giận chồng cũng theo đó mà vơi đi bấy nhiêu.

Gia đình đổi ngôi

Ngày nay, khi mô hình gia đình ngày càng có xu hướng hạt nhân hóa mạnh, cơ cấu gia đình cũng có sự thay đổi nhanh chóng, kéo theo sự thay đổi trong quan hệ gia đình.

Với mô hình gia đình hạt nhân, các thành viên ít chịu sự “giám sát” lẫn nhau. Họ được tự do “trưởng thành” theo cách của mình chứ không bị áp đặt trong khuôn mẫu như trước kia. Thế hệ thanh niên thời đại mới tự do hơn, phóng khoáng, sáng tạo và mạnh mẽ hơn để thích nghi với đòi hỏi của môi trường xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa gia đình hạt nhân là mô hình gia đình lý tưởng hoàn toàn bởi nó cũng bộc lộ những khiếm khuyết. Một trong các mặt hạn chế đó là cách xưng hô giữa các thành viên trong nhà “có vấn đề”. Các đại từ nhân xưng như cha, mẹ, con, anh, em, mình… đã thay đổi hết sức phong phú và đa dạng, đáng buốn là nó ngày càng trở nên tùy tiện, thiếu chuẩn mực

Có cặp vợ chồng nọ, sau một hồi khẩu chiến đã lôi ra hết các “mỹ từ” trút lên nhau. Họ gọi nhau là “mày”, “tao”, đồ này, đồ nọ”… thậm chí “con này, thằng kia”.

Lại có gia đình, anh em bất hoà, coi nhau như kẻ thù, bất chấp sự phiền lòng của cha mẹ. Hỏi ra mới biết, họ bảo: “bố mẹ tui đánh nhau, chửi nhau còn ghê gớm hơn bọn tui nhiều!”. Dường như các giá trị của một gia đình hạnh phúc đang tan biến dần, thay vào đó là lối ứng xử thô lỗ, cục cằn, chống đối.

Chợt nghĩ, nếu gia đình ấy có ông bà sống chung, biết đâu tình hình sẽ khác.

Không còn sự chia sẻ

Chị Khánh Chi, trưởng phòng của một công ty xuất nhập khẩu lớn, tâm sự: “Không hiểu sao, nhà cao cửa rộng, con cái đề huề mình vẫn thấy thiếu cái gì đó. Mình cứ luyến tiếc cái thời khó khăn khi cả nhà cùng sinh hoạt trong một không gian”. Suy nghĩ của chị khá giống anh Văn Hoàng ở Q.7, TP.HCM, anh cho rằng: “Diện tích nhà càng to, sự giao tiếp trong gia đình càng ít”.

Đúng là trong nhịp sống hối hả hiện nay, các thành viên trong gia đình hạt nhân cũng ít có dịp gặp mặt nhau đông đủ. Lại thêm đời sống khấm khá, ai cũng có phòng riêng, thế là khép kín.

Tần số giao tiếp giữa các thành viên trong nhà cứ ít dần đi. Người nào cũng một thế giới riêng. Họ mất đi thói quen chia sẻ.

Gia đình thời hiện đại vốn dĩ có nhiều điểm tiến bộ. Nó giúp mỗi cá nhân có thêm không gian và điều kiện để “cất cánh” những ước mơ. Tuy nhiên, một kết thúc có hậu chỉ đến với những người thực tâm muốn níu giữ gia đình, hiểu và trân trọng giá trị của một mái ấm gia đình.
 
Theo Tiếp thị và Gia đình
Chia sẻ