Đôi tay đặc biệt

Thu Hằng,
Chia sẻ

Khi thượng đế lấy đi của ai đó một món quà, người sẽ trao cho họ món quà khác tuyệt vời hơn. Cảm ơn cuộc đời vì đã mang anh đến với em.

Lúc vừa chào đời, mẹ nhất quyết đặt tên em là Mây. Mẹ bảo, Mây nghe na ná với “may”, đặt tên như thế để sau này số phận của em sẽ gặp nhiều may mắn. Mà có lẽ em cũng may hơn rất nhiều người, bởi vì ít ra thì tuổi thơ em cũng được sống trong tình yêu thương của mẹ. Năm em lên chín, mẹ đột ngột qua đời trong một lần bị cảm. Ba năm sau, bố đưa về một người phụ nữ. Thế là nghiễm nhiên em có thêm một người mẹ.

Ngày còn nhỏ, em cũng xinh xắn, dễ thương lắm, nhưng gần như em không có bạn. Có lẽ tại bởi em không thể cùng chơi, cùng học giống như bao đứa trẻ khác. Tụi nó thường ném cho em một cái nhìn đầy thương hại mỗi lúc đi ngang qua. Thậm chí có mấy đứa “ác” hơn, còn nhìn chằm chằm vào bàn tay của em rồi cười rộ lên. Chúng nó “ưu ái” tặng hẳn cho em một cái biệt danh, vì thế ngay cả người lớn đôi khi cũng vô tình gọi em bằng tên: “Mây què”. Lâu dần hóa quen, rồi em cũng chẳng còn để ý đến những điều vặt vãnh ấy nữa.

Khuyết tật trên bàn tay phải đã khiến em gặp rất nhiều khó khăn. Em phải tập viết, tập đi xe đạp, tập làm tất cả mọi việc bằng tay trái. Vì thế, so với mọi người em khá chậm chạp. Em không thể tự nhặt rau, lau nhà… Bữa cơm em nấu khi nào cũng khiến dì Loan phải nhăn nhó vì khó ăn. Người làng vẫn khuyên bố nên cho em vào học trường dành cho người khuyết tật ở trên tỉnh. Những lúc ấy, mặt bố sa sầm lại: “Con gái tôi không sao hết, nó vẫn học hành giỏi giang, vẫn nấu cơm quét nhà bình thường. Không đời nào tôi lại đẩy con vào đó”. Trong nhà, ngoài bố ra thì em luôn bị coi như một “người thừa”, một kẻ “ăn bám”. Hơn một lần em đã toan tìm về với mẹ…
 

Cuộc đời cũng không hẳn là đã bất công, vì bù lại, em có trí nhớ tốt và học khá ổn. Vừa tốt nghiệp cấp ba xong, em thi đỗ vào đại học sư phạm với số điểm cao nhất huyện. Biết em thích, bố quyết định tiếp tục cho em đi học, mặc kệ sự phản đối của dì Loan. Bố đưa em lên Hà Nội, thuê một căn phòng trọ nhỏ phía sau trường, để cho em ở cùng với một chị gần nhà. Nhờ cậy chủ nhà để ý quan tâm tới em xong, bố lại về. Vậy là em bắt đầu cuộc sống ở một vùng đất mới, không có dì Loan, không có những đứa em cùng cha khác mẹ, dĩ nhiên cũng không còn cả những cái nhăn nhó và sự ghẻ lạnh.

Ngày đầu tiên đến xóm trọ, người đầu tiên mà em chú ý đến là anh. Anh nhanh nhẹn, nhiệt tình cùng mọi người giúp đỡ hai bố con từ việc dọn phòng, chuyển đồ đến cả trang trí phòng. Lúc cần người khiêng bàn, anh gọi: “Cô bé, ra đây giúp anh với”. Em lật đật chạy tới nơi, cùng anh đưa cả cái bàn to vật vã vào phòng. Đặt chiếc bàn xuống ngay ngắn rồi, em vô tình để lộ cả hai bàn tay trên mặt bàn. Bỗng nhiên anh bối rối: “Anh xin lỗi, tại anh không biết…”. Theo phản xạ, em vội giấu bàn tay phải ra sau lưng, rồi nhoẻn miệng cười: “Không sao đâu ạ. Em làm được mà”. Anh cũng mỉm cười, nụ cười thật hiền từ, ấm áp.

Những ngày sau đó, anh thường xuyên hỏi han, giúp đỡ em mọi việc. Anh ân cần, chu đáo và rất tinh tế. Thay vì nói giống mọi người: “Để anh làm cho”, thì anh bảo: “Anh em mình cùng làm nhé”. Anh khiến em không có cảm giác sự giúp đỡ ấy xuất phát từ lòng thương hại – điều mà từ trước tới nay em vẫn luôn lầm tưởng về sự giúp đỡ của mọi người. Nhờ sự vui tính, hòa đồng của mình, anh đã biến em từ một cô bé nhút nhát, sống khép kín trở nên tự tin hơn. Em cũng chẳng còn thói quen giấu tay sau lưng nữa. Và… em bắt đầu thấy mến anh.

Em hiểu vị trí của mình ở đâu, vì thế, em chọn cách coi sự cảm mến ấy như của một người em gái dành cho anh trai mình. Dù là khi hai anh em nói chuyện, tâm sự hay cười đùa, em vẫn luôn giữ cho mình một khoảng cách với anh. Cho đến một ngày, anh hé lộ về người con gái anh đang thầm yêu: “Cô ấy xinh lắm, da trắng, mái tóc dài và đen. Bề ngoài cô ấy có vẻ nhút nhát, nhưng thực ra lại rất kiên cường”. Em vội giả vờ bận rồi chạy về phòng. Mặt em xìu xuống khi nhìn thấy hình người phản chiếu trong gương. Da em có trắng, tóc em có dài, nhưng tuyệt đối em không thấy mình có chút nào gọi là xinh đẹp cả. “Mà đã bị tật nguyền thì sao gọi là 'xinh đẹp'được chứ” – em thầm  nghĩ như thế.  Hơn nữa, em cũng chẳng phải tuýp người kiên cường, em hay khóc nhè lắm. Vậy chắc chắn cô gái anh vừa kể không phải là em rồi. Buông một tiếng thở dài, đôi mắt em nhìn xa xăm…

Bỗng nhiên, điện thoại đổ chuông. Em ngạc nhiên vì nhìn thấy tin nhắn là của anh:

- Em đã soi gương chưa đó?

- Để làm gì cơ ạ?

- Để thấy nước da rất trắng, mái tóc rất đen, và khuôn mặt rất xinh đẹp của em.

Đọc xong, bất giác em mỉm cười. Vơ vội lấy chiếc gương, em cứ ngắm đi ngắm lại khuôn mặt của mình. Ừ thì em cũng chẳng xấu lắm, nhưng… Chuông tin nhắn lại đổ:

- Anh yêu em, cô bé ạ! Hãy cho anh được làm đôi tay của em nhé!

 Nước mắt em cứ thế trào ra,không sao ngăn lại được. Có lẽ vì lâu lắm rồi mới có cảm giác được yêu thương…

Chia sẻ