"Đối tác"... không chịu lớn

,
Chia sẻ

Từ sau tuần trăng mật, cô đã thấy anh không ổn. Đi làm về là anh ngồi lì trên máy tính, thậm chí chuyện vợ chồng cũng chiều vợ cho có.

1. Vân khóc hết nước mắt. Cô không hiểu tại sao chồng mình giận dữ đến thế khi cô hý hoáy lục lọi danh bạ và tin nhắn trong điện thoại của anh. Chẳng qua, cô muốn thực hiện cái quyền làm vợ thôi mà. Cô ráng coi ai là người mà tối nào cũng nhắn vài cái tin, gọi vài cuộc điện thoại mà xem xong là chồng cô xóa ngay.

Thi thoảng, nghe chồng gọi người bên kia là chị, là em..., cô hỏi thì chồng nạt: “Có chuyện gì đâu!”. Trong đầu cô dậy lên nhiều nghi vấn.

Chồng cô vốn sống nghiêm túc, nhưng chẳng lẽ vì vậy mà trong quan hệ vợ chồng cũng... lợt lạt không như suy nghĩ của cô. Hình như anh có quá nhiều chuyện để quan tâm hơn là vợ. Từ sau tuần trăng mật, cô đã thấy anh không ổn. Đi làm về là anh ngồi lì trên máy tính, thậm chí chuyện vợ chồng cũng chiều vợ cho có. Nhưng cô không dám nói cùng chồng những suy nghĩ đó mà chỉ thủ thỉ với mẹ mình.

Sau vài tháng, thấy tình hình càng lúc càng trầm trọng, bà mẹ đâm bực mình. Bà hỏi thẳng chàng rể những chuyện “khuất tất” kia. Chàng tỉnh bơ: “Mấy đứa bồ cũ của con nó gọi, nhắn. Con chẳng còn tình cảm chi hết với họ nhưng nếu nói đi nói lại thì thế nào cũng lớn chuyện, bởi vậy bỏ đi cho khỏe”.

Nhân tiện, chàng cũng nói cho bà biết có vài lần cô cho chàng ngủ dưới đất vì ba chuyện lộn xộn đó. Và chàng tuyên bố thẳng: “Nếu biết cưới vợ rắc rối như vậy thì con đã không cưới”.

Và, chàng cũng sẵn đà than vãn, ai đời vợ lúc nào cũng kè kè bên chồng, giữ như giữ... tù. Chồng nghe điện thoại cũng dòm, chồng nhắn tin cũng để ý, lên mạng cũng ngó chừng... Trong khi đó, vợ chồng còn sống chung với cha mẹ, những chuyện lẽ ra phải cố gắng để ý học hỏi như chuyện nội trợ bếp núc, tính ý của từng thành viên trong gia đình, chuyện sắp xếp nhà cửa để nâng cao “nghiệp vụ”... nội tướng thì cô lại quá thờ ơ.

Sau nửa năm về làm vợ, làm dâu mà cô vẫn chưa nấu nổi bát canh ngon cho chồng, chưa biết thu vén nhà cửa sao cho tinh tươm, thậm chí cả cái phòng riêng của hai vợ chồng cũng bừa bộn như cái chợ. Cứ đà này, khi có con liệu cuộc sống chung của họ có còn là một gia đình hạnh phúc như lời chúc lành ngày cưới?
 

2. Minh lại bực mình ông chồng mình vì chuyện khác. Không biết hồi chưa ra riêng, ở nhà anh sống thế nào mà bây giờ mỗi chuyện mỗi “vợ ơi”. Sau ngày cưới ít hôm, bắt đầu đi làm lại là cô thấy... sốc. Sáng, lay gọi mãi chồng không dậy, Minh đi làm trước.

Vừa vào cuộc họp thì chuông reo. Chồng gọi. Giọng hờn lẫy nhõng nhẽo, rằng vợ không biết ủi đồ cho chồng, không biết mua đồ ăn sáng cho chồng, không chờ chồng chở đi làm đã tự ý... Minh nhỏ nhẹ năn nỉ, anh chàng nguôi ngoai đi nhưng cứ thỉnh thoảng lại nhắn tin “Anh nhớ em quá...”.

Mới đầu Minh còn cảm động, sau cô bực mình tắt máy. Hậu quả là chiều đó về nhà, Minh gặp cái mặt nặng như chì của mẹ chồng, hỏi bằng giọng mát mẻ: “Cô đi làm mà đến giờ mới về, thằng chồng cô nó bệnh nằm liệt trong phòng mà cô chả để ý gì cả...”. Minh sốc.

Bệnh hoạn chi đâu, chẳng qua anh ta muốn “làm reo” với vợ, ai ngờ Minh vốn rất rạch ròi chuyện công, tư. Cô nói đã đến lúc phải làm việc rồi chứ không mải chơi bời được nữa. Và nguyên tắc của cô trong khi làm việc là không để lướng vướng chuyện nhà. Chồng cô xị mặt ra, hứa sẽ không làm thế nữa nhưng lại bảo, vì anh nhớ Minh nên mới thế...

Vậy nhưng mấy tháng trôi qua rồi mà tần suất... nhõng nhẽo vẫn không giảm. Đó là chưa kể giờ anh lại bộc lộ ra cái đuôi... cậu ấm, từ chuyện lớn đến chuyện bé trong nhà, Minh phải nai lưng quán xuyến. Minh tâm sự với bạn: “Lắm lúc cứ ngỡ mình mới có đứa con chứ không phải chồng!”. Cô nói mình bắt đầu cảm thấy vị đắng của hôn nhân, bởi anh chồng... chưa chịu lớn đó.

3. Một chị bạn kể nhà có cô dâu mới. Hai mươi lăm tuổi, xinh xắn, có học. Cứ tưởng phen này chị sẽ bớt được mối lo lắng cho gia đình vì nhà cửa có người quán xuyến. Nhưng không, cô không hề có ý niệm là mình phải sống như thế nào trong một gia đình mới.

Nhất cử nhất động cô đều gọi điện thoại hỏi mẹ. Bà mẹ thì hình như cả ngày chỉ chờ con gái gọi điện về để “giải quyết sự cố” mà đôi khi chỉ là một câu... lãng xẹt: “Mẹ ơi, ảnh ngồi coi ti vi hoài không vô ngủ. Vậy là sao hở mẹ?”. Đó là chưa kể dù chỉ gọi cho mẹ nhưng cô lại thậm thà thậm thụt, sợ người khác nghe thấy, nhìn thấy... Chú rể, dù lớn hơn cô dâu bảy, tám tuổi, nhưng cũng không hơn gì.

Ngay cả ngày đám cưới mình mà chú còn nhăn nhó với chị không biết kêu xe gì, mấy chỗ, giá cả ra sao... Thấy cảnh nhếch nhác của hai vợ chồng cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chị bạn thở dài: “Điệu này còn “hầu” tụi nó dài dài!”

Nhìn đi nhìn lại, thật buồn vì có cảm giác những người chưa chịu lớn này hình như càng ngày càng nhiều. Mà cái cơ bản dễ thấy nhất là họ không có kỹ năng sống, kỹ năng trở thành một-người-trưởng-thành.
 
Theo NLĐ
Chia sẻ