Đồ chơi mùa trung thu: Càng rẻ càng nguy hiểm

,
Chia sẻ

Đặc biệt, đồ chơi dành cho trẻ dưới 3 tuổi, thì không có bất cứ lời cảnh báo nào của nhà sản xuất như quy định của Bộ KHCN về an toàn đồ chơi trẻ em dưới 36 tháng tuổi.

Trẻ em cũng sính “ngoại”


Do phải trực buổi tối, không có thời gian đưa con đi mua quà trung thu nên chị Mai (Cát Linh, Hà Nội) mẹ của bé Bi và Bống đã tranh thủ thời gian nghỉ trưa tạt qua phố Hàng Mã mua cho con gái đèn ông sao và mũ công chúa, còn con trai là chiếc đèn kéo quân, mũ sư tử. Chị khấp khởi mừng vì nghĩ những món quà sẽ đem lại niềm vui cho các con. Ai ngờ, các con của chị lại tỏ ra dửng dưng trước món quà của mẹ. Bống bảo: “Mẹ bạn Trang mua cho bạn ấy cánh tiên, váy xoè và đũa thần. Con thích đồ chơi như bạn Trang mẹ ạ”.

Tương tự, cậu con trai đầu của anh Nguyễn Thanh Tùng (Công ty Xây dựng Sông Đà 8) lại nằng nặc đòi bố mua chiếc mũ phù thuỷ giống trong truyện Harry Potter và mặt nạ bằng nhựa, súng phun nước; Còn cậu em lại chọn gậy như ý giống của Tôn Ngộ Không được thiết kế bằng các đoạn ống nhựa màu sắc sặc sỡ, có thể cho dài ra hoặc thu ngắn lại mỗi khi bấm vào khoá trên gậy. 

Theo chị Nguyễn Thu Vân, chủ cửa hàng đồ chơi trên phố Hàng Mã: Mùa Trung thu năm nay, đồ chơi chị bán được chủ yếu do Trung Quốc sản xuất vì giá thành đa dạng: Rẻ thì 3.000 đồng như mặt nạ, đắt có loại lên đến 120.000đ như ô tô chạy bằng pin, phát ra nhạc, đèn.

Trong khi đó,  hàng trong nước đắt hơn từ 1,5 đến 3 lần so với cùng chủng loại: Rẻ như mặt nạ cũng khoảng 8.000 đồng/chiếc… Ngoài giá cả ra, trẻ em thích hàng Trung Quốc hơn bởi màu sắc sặc sỡ, có  nhạc hay đèn nhấp nháy mỗi khi di chuyển.


Ảnh mang tính chất minh họa



Coi chừng nhiễm độc chì


Trao đổi với PV, Kỹ sư hoá học Nguyễn Hưng Dũng, Viện Hoá học (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho biết: Thông thường để hạ giá thành sản phẩm, các cơ sở sản xuất đồ chơi thường dùng nhựa tái sinh (nhựa tạo màu) để sản xuất.

Đồ chơi Trung Quốc trôi nổi rẻ hơn nhiều so với đồ chơi trong nước là vì đa số các doanh nghiệp trong nước chỉ dùng nhựa nguyên chất (chưa qua sử dụng) để sản xuất đồ chơi cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi. Bởi mỗi khi tung ra một mẫu sản phẩm đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi, họ đều phải qua kiểm định chất lượng sản phẩm, nếu đạt tiêu chuẩn an toàn cho trẻ mới được bán ra thị trường.

Cũng theo kỹ sư Dũng, đồ chơi trẻ em càng nhiều màu sắc sặc sỡ thì càng nguy hiểm đến sức khoẻ của trẻ. Vì trong đồ chơi tạo màu có sử dụng các phẩm màu hoặc hợp chất có màu (hữu cơ hoặc vô cơ), hai hợp chất này cho dù là loại nào ngấm vào cơ thể cũng ảnh hưởng tới sức khoẻ của trẻ.

Kỹ sư Dũng cho biết thêm, khi sản xuất nhựa, các nhà sản xuất hay cho hoá chất phthalate vào để làm mềm nhựa. Loại hoá chất này không tốt cho sức khoẻ.

Dấu hiệu nhiễm độc chì

Biểu hiện đầu tiên là gây rối loạn tiêu hoá, nôn, tiêu chảy, biếng ăn, hay đau bụng từng cơn dữ dội kéo dài từ vài giờ đến vài ngày. Trẻ trông xanh xao hay mệt do thiếu máu.

Trường hợp nặng sẽ gây suy thận, viêm cơ tim. Lâu ngày, chì gây tổn thương não khiến trẻ dễ bị kích thích, co giật, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, bệnh diễn tiến rất nặng và tái đi tái lại do thời gian để loại chì ra khỏi cơ thể rất lâu. Thời gian để loại chì ra khỏi thận là 7 năm và ra khỏi xương là 32 năm.

BS Nguyễn Thị Kim Thoa (Bệnh viện Nhi đồng 1-TP HCM)


Trên trang Web của Trung tâm Thông tin Khoa học Công nghệ Quốc gia, đã tổng hợp từ báo chí nước ngoài thông tin về việc cấm sử dụng 6 hoá chất thuộc nhóm phthalate dùng để sản xuất đồ chơi và các đồ dùng khác cho trẻ dưới 3 tuổi trên toàn châu Âu, vì chúng có thể gây bệnh ung thư, biến đổi gene và nhiễm các hoá chất độc hại thông qua mút hay nhai đồ chơi.

Tuy nhiên, theo kỹ sư Dũng, nguy hiểm nhất trong dạng đồ chơi bằng nhựa của trẻ em chính là chất làm ổn định nhiệt trong đó có chì và Cadimi (Cd). Chất này có tác dụng tự điều chỉnh nhiệt độ (cao quá hoặc thấp quá) trong quá trình đun nấu không ảnh hưởng tới độ mềm dẻo khi ép vào khuôn của sản phẩm. Nếu nồng độ của chì và Cd được chuyển hoá vào cơ thể có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của trẻ.

Một nguyên nhân nhiễm độc chì rất phổ biến ở trẻ em dưới 3 tuổi hiện nay là hay cho pin (có trong các loại đồ chơi phát ra nhạc, đèn) vào miệng. Bình thường vỏ ngoài của quả pin được bọc bằng kẽm, nhưng nếu trẻ ngậm mút lâu ngày hoặc nhằn sứt quả pin cũng dễ có nguy cơ nhiễm độc chì.

Kỹ sư Nguyễn Hưng Dũng nhấn mạnh, nếu chì được chuyển hoá vào cơ thể sẽ thay thế dần canxi trong xương khiến cơ thể mềm nhũn, da dẻ lở loét và trẻ em rất chậm biết đi.

Để niềm vui của trẻ trong mùa trung thu được trọn vẹn, các bậc cha mẹ cần phải cẩn trọng với những đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ.  Nếu mua đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi  nhất thiết phải có dòng chữ cảnh báo về sản phẩm của nhà sản xuất, đặc biệt là không nên cho trẻ ngậm, mút, nhai đồ chơi để tránh nhiễm độc.

Long Hải
Theo Giadinh.net

 

Chia sẻ