Đêm động phòng... triết học

Theo Đất Việt,
Chia sẻ

Lờ tịt chuyện "mây mưa", trong đêm tân hôn, chồng tôi thao thao bất tuyệt giảng giải về triết học và đạo lý... cho đến lúc tôi ngủ vùi.

Ông trời xe duyên cho tôi lấy phải người chồng có tài ăn nói. Mỗi ngày, miệng anh hoạt động không ngừng nghỉ. Thậm chí, cách nói chuyện lại trầm bổng như tụng kinh, khiến tôi điên đầu. Tôi công nhận chồng mình có tài. Nhưng không thể đánh đồng công việc và cuộc sống như vậy. Tại trường, anh lên lớp giảng bài ra sao tôi chẳng bận tâm, nhưng về tới nhà anh vẫn giảng bài cho vợ, khiến tôi chịu không thấu.

Chả mấy chốc, chồng tôi trở thành “Khổng Ất Kỷ” (nhân vật trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn Lỗ Tấn, là một nhà nho lỗi thời, lập dị, nhưng luôn tỏ ra nghiêm nghị quá mức cần thiết, khiến thiên hạ nhiều phen nực cười). Hằng ngày, chồng tôi đều chìm đắm trong những cuốn sách chính trị. “Duy vật luận”, “Duy tâm luận”, “Phép biện chứng” là những thứ ngày nào anh cũng đọc, cũng ghi nhớ, cũng giảng giải cho vợ…

Tôi luôn tự hỏi, liệu có cần thiết phải ham mê tới mức ấy? Anh chỉ là một thầy giáo dạy chính trị cấp hai, giảng những thứ cao siêu như vậy, học sinh nào chịu nghe? Dù có nghe, chắc gì lũ trẻ đã thấm! Tôi bức xúc bày tỏ suy nghĩ của mình, anh mắng xối xả rằng tôi không hiểu đạo lý. “Phải, em không hiểu gì, nhưng chẳng muốn nghe!”, tôi bực mình đáp lại. “Không nghe thì bịt tai lại, đừng kiểu bỏ ra ngoài như vậy”, chồng tôi lý lẽ.

Đều như vắt chanh, 6h hằng ngày, sau khi tỉnh giấc, anh lại lao vào bàn đọc sách, rồi cắm cúi cho tới tận 7h mới chịu làm vệ sinh cá nhân trước khi ăn sáng. 8h anh lên lớp, buổi trưa về nhà tranh thủ nghỉ ngơi cũng dành ra nửa tiếng để đọc đọc, chép chép… Tối đến, ăn xong cơm anh lại vùi đầu vào sách cho tới lúc đi ngủ. Ít nhất chồng tôi cũng phải dành ra bốn tiếng để đọc, bỏ mặc tôi tự xoay xở mọi việc. Từ hồi kết hôn tới giờ, chưa một lần tôi thấy chồng mình xem phim, chỉ lướt qua tin tức. Tủ sách nhà tôi thì đầy ứ toàn tài liệu triết học. Theo lý giải của anh, triết học sẽ giúp con người ta trở nên thông minh.
 
 
Ngày nào cũng vậy, phải đợi đến khi chồng ngủ say, hai tai tôi mới được phút nghỉ ngơi. Ít nhất là 6 tiếng, lỗ tai tôi bị tra tấn bởi giọng đọc ru ngủ của anh. Giữa chúng tôi cơ bản không có tiếng nói chung. Nhiều nhất hai vợ chồng chỉ nói với nhau 10 câu mỗi ngày. “Ừ, à, a” là những từ quen thuộc mỗi khi anh trả lời vợ. Nhưng chỉ cần tôi đề cập tới việc nhà hoặc yêu cầu đi dạo phố, gã chồng lại xối xả: “Đấy là việc của phụ nữ, không liên quan tới tôi”.

Cuộc sống hôn nhân cứ thế trôi qua với trạng thái đơn điệu, nhàm chán. Chồng tôi không hút thuốc, không rượu chè, không cờ bạc, không thò mặt ra khỏi nhà… Dần dà, tôi nhận ra anh đúng là gã mọt sách chính hiệu. Tôi có cằn nhằn tới cỡ nào, anh cũng mắng gạt rồi bao biện, rằng đó là cách tốt nhất để nâng cao tố chất và bản lĩnh chính trị, cần phải ẩn mình chờ thời, đợi tới khi đủ năng lực, anh sẽ thực hiện ước mơ của mình. Nhưng tới giờ, tôi vẫn không hiểu ước mơ ấy là gì!

Kết hôn đã được năm rưỡi, tôi có bầu tròn ba tháng, anh ại giở chứng thích ngồi giảng lý luận, giảng chính trị bên cạnh vợ. “Đây là cách giáo dục rất tốt cho thai nhi, giúp con từ nhỏ đã hình thành tư tưởng chính trị. Anh nhất định sẽ dạy con thành tài như Hegel và Aristote”, chồng tôi hạ quyết tâm.

Năm nay anh mới 28 tuổi, nhưng không có nét trẻ trung, hoạt bát của thanh niên. Cách giao tiếp xã hội của chồng tôi cũng vô cùng kém cỏi. Thậm chí, những giáo viên trong trường cũng chả thèm gọi anh mỗi khi có việc. Nhưng dù gì chồng tôi cũng không đi. Ngày qua ngày, anh ấy sống đơn độc với cái bóng của chính mình.

Tôi còn nhớ, trong đêm động phòng, tôi vừa sợ, vừa xấu hổ. Những tưởng chồng sẽ chủ động nghĩ ra chiêu nào lãng mạn xua tan không khí căng thẳng của phút đầu chung đụng, ai ngờ anh ta thao thao thao bất tuyệt giảng đạo lý, triết học và những câu chuyện truyền kỳ về các triết gia nổi tiếng… Suốt 10 phút ngồi nghe, tôi ngán tới tận cổ. Nhưng anh ta vẫn như súng liên thanh. Chẳng thể dập tắt nguồn cảm hứng của chồng mình, tôi đành mặc kệ. Cứ thế, anh ru ngủ vợ trong đêm tân hôn bằng những điều chỉ có trong sách vở… Thật trớ trêu, tới hôm sau, khi trời đã hửng sáng, chúng tôi mới thực sự có cuộc sống vợ chồng.
 

Tôi lấy được anh coi như cũng may mắn. Tôi văn hóa thấp, chỉ học hết phổ thông, không nghề nghiệp, chỉ là cô gái quê mùa, kết hôn với một giáo viên có nghề nghiệp và lương bổng ổn định như anh khiến ai cũng ngưỡng mộ. Nhưng nỗi khổ tâm tôi đang phải chịu đựng liệu có ai hiểu thấu. Dẫu biết “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng tôi thực không chịu nổi cuộc sống nhàm chán như vậy.

Lời tư vấn
 
Trong cuộc sống lứa đôi, tiếng nói chung là yếu tố vô cùng quan trọng để gắn kết vợ chồng. Khi không thể tìm thấy sự dung hòa của hai tâm hồn, sẽ rất khó duy trì gia đình hạnh phúc. Chồng bạn thuộc tuýp người cổ điển, đôi khi biểu hiện khô khan, cứng nhắc và thiếu chan hòa với cuộc sống. Nhưng nếu đã chấp nhận chung sống với anh ấy, bạn hãy cố gắng tìm cách sẻ chia và hiểu hơn về những tâm tư còn giấu kín trong con người anh ta.

Tật nói nhiều và chỉ vùi đầu vào sách vở chẳng qua vì chồng bạn quen với nếp sống và suy nghĩ từ trước khi kết hôn. Nếu muốn tạo không khí vui vẻ, thi vị hơn cho cuộc sống của mình, đừng tỏ thái độ phản ứng quyết liệt như vậy, hãy “cải tạo” chồng dần dần bằng cách tham gia vào những câu chuyện của anh ấy, khiến anh ấy nghĩ rằng bạn biết lắng nghe và sẻ chia những điều mà chồng trân trọng. Theo thời gian, hãy kéo anh ấy khỏi “vỏ ốc” và động viên chồng tham gia nhiều hơn các hoạt động xã hội lành mạnh, giúp đức lang quân dần lấy lại phong thái trẻ trung đúng tuổi.

Và có lẽ bạn không nhớ tới sự tồn tại của sinh linh bé nhỏ trong gia đình. Khi đứa trẻ chào đời, không khí sẽ trở nên ồn ào, vui vẻ hơn rất nhiều. Những ông chồng mọt sạch thường dành cho con tình cảm rất sâu nặng. Chắc chắn khi ấy, anh ta sẽ bận bịu suốt ngày để chăm sóc thiên thần nhỏ của hai bạn, thay vì vùi đầu vào sách vở như bây giờ.
Chia sẻ