Đàn ông và những "nỗi khổ" thường trực mà chị em nên hiểu

Thu Hương,
Chia sẻ

Được mệnh danh là "phái mạnh" thế nhưng để có thể trở thành bờ vai vững chắc cho người phụ nữ mình yêu thương dựa vào - đó là chuyện hoàn toàn không hề dễ với những người đàn ông!

Nhìn từ ngoài vào, ai cũng thấy làm phụ nữ khổ đủ đường, hết lo toan chuyện nhà cửa lại đến việc mang nặng đẻ đau. Còn đàn ông thì có vẻ nhởn nhơ quá thể, ngoài giờ làm về nhà chỉ việc ngồi không hưởng thụ, chỉ tay năm ngón, ung dung tự tại…

Sự thật thì, giới tính nào cũng đều có những nỗi khổ riêng. Khác với phụ nữ, các chàng lại có đôi phần thiệt thòi khi ít có cơ hội than thở, phân trần về những lo lắng của mình về cuộc sống.

Cùng theo dõi chia sẻ của các nhân vật tuần này để thấy ngoài sự sung sướng, đàn ông có những nỗi niềm khó nói nào nhé!

Sợ lấy phải cô vợ có tính cằn nhằn

Nói về những nỗi lo lắng muôn đời của cánh đàn ông, Nguyễn Khoa (25 tuổi) cho hay nam giới luôn có những trách nhiệm riêng gắn bó suốt cuộc đời. “Trong gia đình, việc đảm bảo cuộc sống, chăm sóc nuôi dạy con cái là nỗi lo chung của cả hai vợ chồng. Bên cạnh đó thì người đàn ông còn giữ vai trò làm chỗ dựa vững chắc cho vợ con, là trụ cột kinh tế của gia đình. Vì vậy mà việc làm thế nào để cả nhà vững vàng trước mọi sóng gió là một thách thức rất lớn đối với họ”, Khoa chia sẻ.

Đàn ông và những
Nguyễn Khoa, 25 tuổi

Trong vô vàn những nỗi lo đó thì kinh tế gia đình cũng là một trong những vấn đề quan trọng, được Nguyễn Khoa quan tâm. “Cũng lo chứ, kiếm được ít hay nhiều tiền, đều có thể trở thành lý do để cằn nhằn nên mình sợ lấy được cô vợ có tính hay cằn nhằn. Với mình, sự cằn nhằn đôi khi thể hiện việc không cảm thông, chia sẻ của người vợ. Dù sao thì mình cũng đã cố gắng hết sức, kết quả dù có ra sao với mình đều quý cả. Mình hay nghĩ là tham vọng quá lớn thì cuộc sống chẳng còn niềm vui”, anh chàng 25 tuổi cho hay.

Nguyễn Khoa cho rằng dù là giới tính nào thì đều có thiên chức riêng nên không cần thiết phải rạch ròi và so đo, vì đằng nào cũng không thể đổi vị trí cho nhau được. Nên nếu nói về nỗi sợ của nhiều người – sợ bị so sánh với vợ, thì Khoa khẳng định mình hoàn toàn tự tin. “Tất nhiên là mình không sợ bị so sánh, vì khi đã lấy nhau thì vợ lúc nào cũng là người đẹp nhất trong mắt mình. Mình sẽ không quan tâm nhiều đến việc người khác nói gì đâu, vì tránh sao khỏi miệng lưỡi thế gian”, Khoa vui vẻ tâm sự.

Sợ không gánh vác được gia đình

Cùng suy nghĩ như Nguyễn Khoa, Đỗ Huân (26 tuổi) cũng hoàn toàn đồng tình với quan điểm đàn ông thường được gắn với những trách nhiệm lớn trong gia đình. “Mình nghĩ là riêng về sự nghiệp thì đàn ông sẽ lo lắng nhiều hơn phụ nữ một chút, vì từ xưa đến nay người ta vẫn mặc định người đàn ông phải là chỗ dựa cho vợ con, là trụ cột gia đình. Mỗi nhà mỗi cảnh nhưng nhìn chung thì họ luôn được mong đợi là sẽ gánh vác về kinh tế, lo toàn bộ việc lớn như hiếu hỉ, xây nhà… Đó là những việc nặng nhưng diễn ra trong thời gian ngắn, điều này trái ngược hoàn toàn với phụ nữ cần sự bền bỉ và lâu dài”, Huân chia sẻ.

Đàn ông và những
Đỗ Huân, 26 tuổi

Về những nỗi lo thường tình của khá nhiều đấng nam nhi khác như sợ bị so sánh với vợ, sợ bị chê kém cỏi, bị vợ “át vía”, Đỗ Huân lại tỏ ra khá lạc quan. “Mình không nghĩ là trong nhà thì cứ là chồng phải hơn vợ. Người được mặt này, người được mặt kia, chẳng ai hoàn hảo cả, vì thế nên mới phải lấy nhau để bù trừ cho nhau mọi thứ. Còn việc mọi người bàn tán thì mình không sợ, miễn sao cuộc sống gia đình hạnh phúc là được”, chàng trai 26 tuổi cho hay.

Thay vào đó, Huân lại có một nỗi lo khá “đặc biệt”: sợ trong nhà có người bị ốm. “Cái gì cũng có thể sửa được, tiền bạc có thể kiếm lại, chỉ có sức khỏe của người trong nhà là cái mà mình cố nhiều khi cũng không được. Mình sợ nhất cái mà mình không thể làm gì để thay đổi được”, anh chàng sắp kết thúc cuộc sống độc thân tâm sự.

Đàn ông có người khổ vì… đào hoa

Đứng ở vị trí một người phụ nữ, Thôi Thị Tươi (28 tuổi) lại có cái nhìn khá công bằng và đầy thông cảm về những nỗi lo lắng thường trực của các đấng mày râuCô cho rằng dù là đàn ông hay phụ nữ thì đều có nỗi khổ tâm riêng. Với Tươi, cô có cảm nhận hơi đặc biệt và cho rằng đào hoa là một nỗi khổ tâm riêng của phái mạnh. Lý do đơn giản vì không phải cứ có nhiều phụ nữ theo đuổi là hạnh phúc, đằng sau vẻ hào hoa đó còn là vô vàn những phiền toái và rắc rối kéo theo.

Theo mình nghĩ, dù là đàn ông hay đàn bà thì đều có những nỗi khổ tâm riêng. Là đàn ông, có người thì khổ vì đào hoa, người khổ vì cuộc sống vợ chồng không được viên mãn, người thì khổ vì kiếm tiền không bằng vợ... Phụ nữ thì đủ cả: chồng có bồ, vất vả kiếm tiền, bị chồng bạo hành… Nhưng có lẽ đối với người đàn ông thì áp lực kiếm tiền sẽ khiến họ phải lo lắng và suy nghĩ nhiều hơn. Cuộc sống dần hiện đại lên thì, phụ nữ hay đàn ông đều bình đẳng, thành ra áp lực đó không hoàn toàn đặt lên vai đàn ông nữa mà cũng được các chị em san sẻ phần nào”, Tươi chia sẻ.

Đàn ông và những
Thôi Thị Tươi, 28 tuổi

Tuy là phụ nữ, nhưng Tươi cũng đã từng tự đặt mình vào suy nghĩ của một người đàn ông để có thể phần nào thấu hiểu những nỗi niềm khó nói của họ. Bà mẹ một con hiểu thêm rằng: sẽ chẳng vui vẻ và thoải mái gì khi một ông chồng bị đem ra so sánh với vợ, dù là về ngoại hình, năng lực hay việc kiếm tiền.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, dù là giới tính nào cũng đều không thích bị so sánh vì ai cũng được tạo hóa ban tặng cho những vai trò riêng biệt rồi. Chưa kể, đôi khi việc này còn khiến lòng tự trọng, tính tự ái, tự kiêu của đàn ông bị tổn thương. Ví dụ, trong nhà vợ kiếm được nhiều tiền hơn chồng nhé, tất nhiên người chồng sẽ cảm thấy mình kém cỏi, phần nào giảm sút sự tự tin vào bản thân. Điều đó làm cho người đàn ông cũng phải suy nghĩ nhiều và có phần khổ tâm lắm chứ”, Tươi tâm sự.

Chia sẻ