"Cuộc chiến" giành quyền nuôi con

,
Chia sẻ

Mấy tuần nay, chị Khánh đang trong tâm trạng thấp thỏm vì chờ phán quyết cuối cùng của tòa án về quyền nuôi hai con nhỏ.

Chị và anh Thắng – chồng cũ sống với nhau được 6 năm và có chung hai cô con gái. Bé lớn năm nay được 4 tuổi, còn bé nhỏ mới hơn 1 tuổi. Quyết định ly hôn, chị bàn với anh được toàn quyền chăm nuôi hai cô con gái nhỏ nhưng anh Thắng khăng khăng phản đối. Anh cho rằng, chị nuôi bé nhỏ và anh được quyền nuôi bé lớn là giải pháp hợp lý nhất.

Chị Khánh tâm sự: “Mình có điều kiện kinh tế để nuôi dưỡng tốt cho hai bé nhưng anh chồng cũ nhất định muốn một bé theo bố, một bé theo mẹ, mới công bằng. Mình không muốn chị em bé phải ly gián, nhất là khi chồng cũ muốn đi bước nữa. Ai dám chắc người mẹ kế sẽ thương yêu con mình. Nhưng thuyết phục mãi anh ấy không chịu, giờ mình cũng không biết phải làm sao, đành ngồi chờ quyết định của tòa án”.
 

Ông bà nội không chịu "mất cháu"

Cùng cảnh như chị Khánh nhưng chị Thảo (Quận Hai Bà Trưng) sau khi ly hôn lại muốn trở về bên ngoại, mãi trong Đà Nẵng. Trước đây, vợ chồng bận bịu công việc làm ăn, chị giao toàn quyền chăm con cho ông bà nội. Thường ngày, bé Tin, 3 tuổi cũng gần gũi ông bà hơn cha mẹ.

Sau ly hôn, chị Thảo lên kế hoạch chuẩn bị hành lý để hai mẹ con trở về Đà Nẵng nhưng bé khóc lóc, giãy giụa kiên quyết không theo mặc chị ngọt nhạt dỗ dành. Khổ hơn vì bà nội cũng cương quyết “Nó là đích tôn nhà này, tôi cấm chị không được mang cháu tôi đi đâu hết”. Nói xong, bà nội một ôm cháu, nhanh chân vào phòng khóa trái cửa lại.

Không hiểu bà đã tâm sự với cháu điều gì mà hôm sau, bé nhìn thấy chị đã hoảng hốt: “Con không đi cùng mẹ đâu. Bà bảo mẹ sẽ bán con đấy”. Từ đó, bé cứ nhất quyết bám lấy bà mà không cần đến mẹ nữa.

Chị Trâm (thường trú tại thành phố Hải Phòng) cũng khốn đốn vì “tranh con” sau ly hôn với ông bà nội. Chiều hôm ấy chị đi đón bé ở nhà trẻ như mọi ngày thì nhận được tin của cô giáo: “Ông bà nội đã đón bé rồi”.

Hoảng hốt chạy sang nhà chồng cũ, chị Trâm thấy cửa khóa im lìm. Chị tức tốc gọi điện thoại cho chồng cũ thì được anh thông báo “Cả nhà đã chuyển vào sống trong thành phố Hồ Chí Minh” rồi cúp máy. Trước kia, chị biết bố mẹ chồng có căn hộ của tổ tiên trong quận 3 và vẫn nhớ chính xác địa chỉ. Chị đã đáp máy bay vào “đòi” lại con nhưng mẹ chồng nhất định chưa chịu trả.

Luật Hôn nhân và gia đình quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Nếu không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên phải xem xét nguyện vọng của con.

Con dưới 3 tuổi được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Sau khi ly hôn, vợ chồng vẫn có nghĩa vụ và quyền trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên... Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ chăm nom, giáo dục con...

Trường hợp muốn đổi lại quyền nuôi con, cha (mẹ) có thể gửi đơn lên tòa án để nguyện vọng chính đáng của mình sớm được xem xét, giải quyết. Điều 93 luật Hôn nhân gia đình ghi rõ: "Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn được thực hiện trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không bảo đảm quyền lợi về mọi mặt của con và phải tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên".

Xét về mặt pháp luật, chỉ có cha (mẹ) mới có quyền nuôi con sau ly hôn, mọi can thiệp của ông bà gây cản trở cho việc này đều trái nguyên tắc. Vì vậy, người mẹ hoàn toàn có đủ cơ sở pháp lý để “giành lại” con mình từ tay ông bà.

Theo Mẹ và bé

Chia sẻ