Cô dâu "méo mặt" vì những "thủ tục" khi về nhà chồng

T.H,
Chia sẻ

Do tâm lý hồi hộp và những "thủ tục" lạ trong ngày cưới, không ít cô dâu mới đã vướng vào cảnh dở cười dở khóc ngay trong khoảnh khắc đầu tiên về nhà chồng.

Sau gần nửa năm chuẩn bị, cuối cùng cũng đến ngày Dương (Hà Nam) lên xe hoa về nhà chồng. Mọi thứ đều được chuẩn bị hết sức chu đáo khiến cô đôi phần yên tâm. Đến đúng ngày trọng đại, các thủ tục xin dâu diễn ra suôn sẻ, Dương hồi hộp chờ đợi giây phút chú rể trao nhẫn cưới và đón cô dâu lên xe hoa. 

Khi xe dâu đỗ xịch trước cửa nhà trai, hai vợ chồng lúi húi xuống xe rồi đứng vào vị trí chụp ảnh lưu niệm, xong xuôi rồi mới cùng khách khứa bước vào hôn trường. Đến khi bước vào cổng, Dương cười tươi khi thấy họ hàng bên chồng đã đứng chờ sẵn ở ngoài. Nhưng có điều, cô thấy hơi lạ khi tuyệt nhiên không thấy bóng dáng mẹ chồng đâu để chào hỏi. 

Cô dâu
Cô dâu nào cũng có cảm giác hồi hộp, háo hức trong ngày cưới (ảnh minh họa)

Vừa hồi hộp vừa lo lắng, Dương thấy chột dạ và lẩm bẩm trong bụng “Quái lạ, sao nhìn mãi không thấy mẹ chồng đâu? Hay là mẹ không vừa ý gì mình nên không thèm ra đón”. Đến khi ngồi xuống ghế, Dương sốt ruột, định quay sang hỏi chồng nhưng ngại nên lại thôi. 

Đến khi đứng dậy làm lễ gia tiên, Dương thừa lúc mọi người không để ý, lẻn vào phòng trong thì bắt gặp mẹ chồng đang đứng trong đó nói chuyện với mấy bác. “Lúc ấy mình mừng như bắt được vàng, chạy đến cười rõ tươi và chào hỏi mọi người rối rít, lại còn chêm luôn câu: mẹ ở đây làm con tìm mẹ mãi. Vừa dứt lời thì thấy mọi người cười ồ lên, có cô còn vừa cốc đầu mình vừa bảo: con bé này chỉ được cái lanh chanh. Lúc ấy, mình ngơ ngác không hiểu tại sao thì mẹ chồng đã giục ra ngoài rót nước mời khách rồi”, Dương tủm tỉm kể lại kỷ niệm nhớ đời trong ngày cưới.

Mãi đến khi đám cưới xong xuôi, hai vợ chồng đã yên vị trong phòng tân hôn rồi thì Dương mới thỏ thẻ kể lại cho chồng nghe việc ban nãy. Chồng cô à lên một tiếng rồi vui vẻ giải thích cho vợ.

Hóa ra từ xưa đến nay, quê chồng đã có lệ khi đoàn rước dâu về tới đầu ngõ, mẹ chồng sẽ cầm bình vôi lánh mặt đi chỗ khác để cô dâu bước vào nhà. Các cụ giải thích hành động này có ngụ ý rằng: mẹ chồng vẫn muốn nắm quyền hành trong nhà, không muốn con dâu thay thế, vì theo quan niệm dân gian, bình vôi là biểu hiện của tài sản trong nhà và nắm giữ bình vôi chính là nắm giữ tài sản. Sau này, vì hiếm nhà có người ăn trầu nên bình vôi khó kiếm hơn, người ta thay bằng chùm chìa khóa. Khi hai họ đã yên vị được một lúc thì mẹ chồng mới xuất hiện để đón con dâu và đi chào hỏi khách khứa. Cũng có người nói là mẹ chồng phải lánh mặt vì sợ sẽ bị con dâu át vía. 

Nghe chồng giải thích xong thì Dương mới tá hỏa tự nhận rằng mình đã quá đỗi vô duyên. Nhưng cũng may, nhà chồng ai cũng thoáng tính nên chẳng ai để bụng. Chỉ đôi lúc cả nhà tụ tập đông đủ trong dịp lễ Tết gì đó, có ai vui miệng đem ra kể lại kỷ niệm nhớ đời của cô dâu mới để mọi người cùng cười xả stress.

Cũng đồng cảnh với Dương, Trang (Hòa Bình) từng lâm vào tình huống dở khóc dở cười vì “thủ tục” bên nhà chồng trong ngày cưới. Số là Trang và chồng sắp cưới yêu nhau đã lâu nhưng vẫn chưa được nhà chồng ủng hộ. Đến khi tình yêu đã chín muồi, cả hai đều mong chờ đám cưới mà bố mẹ vẫn dửng dưng, nửa ra vẻ đồng ý, nửa lại ngấm ngầm như muốn chia rẽ đôi trẻ. Túng quá hóa liều, cặp tình nhân quyết định “ăn cơm trước kẻng”, có “sản phẩm” mang về trước để làm áp lực với gia đình chuyện đám cưới.

Mặc dù không chút hài lòng nhưng khi thấy con trai đưa người yêu với cái bụng bầu 3 tháng về báo cáo, ông bà cũng phải miễn cưỡng đồng ý và hối hả chuẩn bị cưới vợ cho con. Ngày lành tháng tốt đã đến, cả đoàn nhà trai hồ hởi qua đón dâu mới về nhà. 

Cô dâu
Cô vẫn nhớ mãi tình huống dở cười dở khóc trong ngày cưới (ảnh minh họa)

Khi cả đoàn về gần đến nhà chú rể, Trang tươi cười chuẩn bị bước vào chào hỏi mọi người thì bỗng một bà cô bên chồng kêu lên thật to: “Chậu bồ kết nướng than hoa đâu rồi? Sao đến giờ này vẫn chưa thấy mang ra. Thôi chết rồi!”. 

Bà cô nói vừa dứt câu, mấy người họ hàng nhà chồng dáo dác rồi chạy toán loạn, một người chạy nhanh ra cổng ngăn đám rước dâu vào nhà, mấy người còn lại thì bê nhanh một chậu than đỏ hồng ra giữa lối đi. Trang ngơ ngác không hiểu tại sao thì thấy một cô huých vào tay mình, thì thầm bảo con phải bước qua rồi mới được vào nhà nhé.

“Lúc ấy mình thấy khó hiểu lắm mà không dám cất tiếng hỏi, bụng bảo dạ chắc là phong tục bên quê chồng nên vẫn lật đật kéo váy bước qua. Run lập cà lập cập nên chẳng may, một tà váy rơi xuống bén lửa bốc cháy, làm chồng hốt hoảng kéo vội tà váy ra ngoài rồi lấy chân dậm lấy dậm để. Ai đời, vừa bước chân vào nhà chồng đã được một phen hú hồn hú vía”, Trang kể lại sự cố trong đám cưới.

Mãi đến sau này, mọi người giải thích cô mới hiểu nguyên nhân sâu xa của sự việc hôm ấy. “Ở quê nội chồng đến giờ vẫn còn giữ tục cô dâu có bầu khi về nhà chồng sẽ phải bước qua một chiếc chậu có bồ kết nướng trên than hồng với hàm ý xua đuổi những điều xui xẻo. Hôm cưới vì nhiều việc nên mọi người quên béng mất việc chuẩn bị bếp than, thành ra đoàn đón dâu phải đợi ngoài cổng một lúc lâu mới được vào. Từ khi biết chuyện, mình vẫn trách chồng sao không cho mình biết sớm, thì có phải đã chẳng đến nỗi xảy ra sự cố đấy. Cứ nhớ đến lúc ấy mình lại buồn cười, không biết có ai để ý đến khuôn mặt xanh như tàu lá vì sợ của cô dâu không”, Trang vừa chia sẻ vừa cười hỉ hả.

May mắn là mọi việc sau đó diễn ra suôn sẻ, sau một thời gian chung sống cùng nhà chồng, mọi người dần thân thiết và cởi mở với nhau hơn. Đến giờ, tình cảm mẹ chồng nàng dâu cũng cải thiện nhiều, nhất là từ khi mẹ chồng chính thức lên chức bà nội. Chỉ thi thoảng, ngắm lại album ảnh chụp hôm cưới, Trang vẫn phải giải thích với mọi người về vết cháy đen khó hiểu dưới đuôi váy.
Chia sẻ