“Cô còn thiếu…”

Hoài Phương,
Chia sẻ

Giọt nước trượt khỏi khóe mắt đầy nếp nhăn, tôi tưởng như đôi má gầy gò của chị đang nhô cao để hứng cho gọt nước ấy không rơi xuống đất. Đã bao lâu rồi chị không dám soi gương.

Chưa qua bốn mươi mà lưng chị đã còng xuống. Chị cúi gập người bên đống củi to ngất ngưởng. Khói bay nghi ngút và mắt chị hoen đỏ. Tôi không biết đôi mắt ấy mờ đục đi vì khói, hay để che dấu những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt dính đầy lọ nghẹ. Chị vừa đi chợ về, và như thường lệ trong nhà lại vang lên chất giọng đay nghiến: “Cô còn thiếu…”.
 
Cầm tờ giấy trên tay trong khi miệng vẫn lẩm bẩm tính toán. Anh đá vào mông chị một cách thách thức: “Còn thiếu 2 ngàn”. Giọng anh rít qua từng kẽ răng. Bây giờ tôi hiểu vì sao hàng xóm gọi anh là “thần keo”. Tôi liếc nhìn chị, khuôn mặt gầy gò, tái nhợt, cái dáng vẻ tiêu điều ấy đột nhiên lại làm tôi nhớ đến khuôn mặt rạng rỡ của chị trong ngày cưới.
 
Giọng chị run rẩy: “Trời nóng quá nên em uống li trà đá”. Cả ngày hôm đó, tôi thấy người đàn ông vạm vỡ chị gọi là chồng luôn miệng ra rả: “Cô quá sung sướng nên không biết lo!”. Vâng, chồng chị đang lấy những đồng bạc lẻ để tính toán chuyện tương lai, anh không hề biết từ ngày anh thay đổi, chị đã không còn nghĩ tới thứ xa xỉ ấy. Và chị, chị đang run rẩy khai báo với chồng vì “trót dại” tiêu hai ngàn.
 

Anh nắm giữ mọi chi tiêu trong gia đình. Chị ngửa tay xin anh từng đồng đi chợ. Anh chì chiết chị mỗi lần giá xăng lên, sự thay đổi giá cả với anh là lỗi của chị. Chị nhìn mình trong gương và khóc. Chị cũng muốn đẹp, muốn được yêu thương. Chị cũng muốn mua một cái áo để diện khi ra đường nhưng chị sợ, sợ câu: “Cô còn thiếu…” lại vang lên, ám ảnh trong đầu. Anh chê chị già, chị xấu nhưng anh không nhớ cái ngày anh từng đón rước một đóa hoa về nhà. Và bức ảnh cô dâu rạng ngời treo đầu giường cũng chính là người đàn bà lấm lem, lọ nghẹ giờ đây đang đứng trước mặt anh.

Giọt nước trượt khỏi khóe mắt đầy nếp nhăn, tôi tưởng như đôi má gầy gò của chị đang nhô cao để hứng cho gọt nước ấy không rơi xuống đất. Đã bao lâu rồi chị không dám soi gương. Chị sợ đối diện với chính mình như sợ câu nói anh hạch sách mỗi khi liên quan đến tiền. “Cô không kiếm ra một đồng mà chỉ biết tiêu xài hoang phí”… Chị đã không còn lạ lẫm với những câu nói đó. Đúng, chị “ăn bám” anh, chị không  phải là con nhà khuê các để đưa cho anh đống của hồi môn khổng lồ. Vì thế chị đâu có giày cao gót hay son phấn, chị đâu dám mua thêm gì ngoài mấy thứ anh liệt kê sẵn trong danh sách. Nhưng những lời hứa hẹn để cưới được chị, cái anh gọi là “một túp lều tranh hai trái tim vàng” ấy, anh có quy nó ra tiền?
 

Thường ai cũng nghĩ trong gia đình, phụ nữ là thủ quỹ nhưng anh thì khác. Tiền anh kiếm ra, anh nói phải tiết kiệm để lo cho tương lai. Có phải anh đang nói đến tương lai của một người đàn bà mới chập chững bước sang tuổi tứ tuần mà lưng đã còng?!

Chị nghĩ mình đã không còn khóc được nữa. Chị nghĩ cảm xúc của người đàn bà từng biết đến yêu thương trong chị đã chết. Nhưng hôm nay, chị khóc trên vai tôi, giọt nước mắt tủi hờn, oán trách của người đàn bà vốn quen chịu đựng khiến tôi xót xa. Có lẽ chị thấy ở tôi tuổi xuân, có lẽ chưa bao giờ chị có ý niệm về thời gian một cách rõ rệt như thế khi nhìn tôi rạng ngời tuổi đôi mươi. Chị cũng đã từng được như thế.

Chị không muốn đổ vỡ. Chị muốn con mình có một gia đình trọn vẹn theo đúng nghĩa của nó. Với chị, giọt nước không bao giờ có thể tràn li. Chị cho rằng mình có quá đủ bản lĩnh để vứt đi cái gọi là tình cảm cá nhân. Thói quen kìm nén ấy hàng ngày, hàng giờ chị đều rèn luyện với chính người chị gọi là chồng.

Hôm nay tôi lại ghé thăm chị. Nụ cười chị chào tôi vụt tắt khi trong nhà lại vang lên tiếng hét: “Cô còn thiếu…”. Và sau đó, tôi biết với chị lại bắt đầu một ngày không bình yên.

 

Chia sẻ