Chồng vô cảm

Me&be,
Chia sẻ

“Anh ấy bị đứt tay, mình cuống quýt chạy đi mua thuốc lào cầm máu cho chồng. Mình bị đứt tay vì mở nắp chai rượu vang, chồng mình dửng dưng: ‘Hậu đậu, chết là phải” – Nguyệt ca cẩm.

Lấy chồng 2 năm, Tâm nhiều lần “sống dở - chết dở” với anh chồng lười và ít biểu lộ cảm xúc. Chồng Tâm hầu như không làm việc nhà gì giúp vợ và cũng chỉ “đứng ngoài” nhìn vợ chăm sóc, dạy dỗ con. Tâm tất bật với việc nhà – việc cơ quan cả ngày. Cô còn phải đi làm sáng thứ bảy trong khi chồng rảnh rỗi hoàn toàn hai ngày cuối tuần. Thế nhưng con mọn ốm đau suốt, gọi chồng chở đi khám thì chồng làm ngơ: “Hai mẹ con bắt taxi tự đi".

“Con sốt trong đêm, cả nhà cuống quýt gọi xe đưa cháu đến bệnh viện. Chồng mình cáu kỉnh vài câu rồi lại leo lên giường ngủ ngon lành” – Tâm chia sẻ.Tâm bảo, chồng cô chỉ là nhân viên bình thường. Do làm ở công ty người chú ruột nên chỗ anh, nghỉ việc vài hôm nếu có việc bận rất dễ vì có người khác thay thế. Tuy nhiên, mỗi khi nhờ vả việc gì, Tâm lại thấy chồng luôn việc: “Bận lắm”. Đi sớm, về muộn anh cũng bảo là do công việc nhiều.

Không bận “ảo” như chồng Tâm, chồng Nguyệt bận bịu công việc thật nên hầu như việc nhà dồn hết cho vợ. “Chồng mình có bao giờ giúp vợ được việc gì đâu. Trực đêm thì anh ấy ngủ ngày, còn trực ngày lại ngủ đêm. Bảo hâm lại sữa cho con bằng lò vi sóng thì loay hoay hỏi mở nắp lò ở chỗ nào” – Nguyệt tâm sự.

Thông cảm cho chồng luôn bận rộn, Nguyệt đảm đang việc nhà. Nhưng điều Nguyệt buồn nhất là ngay cả khi rỗi rãi, chồng Nguyệt cũng không tự giác làm giúp việc gì. Chú em chồng đang xây nhà sát bên, anh xã nhà Nguyệt chưa một lần chạy qua xem giúp. Cháu ruột đi bệnh viện cũng không biết, về nhà còn trách vợ không quan tâm đến nhà chồng.

“Anh ấy bị đứt tay, mình cuống quýt chạy đi mua thuốc lào cầm máu cho chồng. Mình bị đứt tay vì mở nắp chai rượu vang, chồng mình dửng dưng: ‘Hậu đậu, chết là phải” – Nguyệt ca cẩm. Nhiều lần buồn tủi khóc ròng và cũng không ít lúc nghĩ quẩn “ly hôn cho xong” nhưng bây giờ, Nguyệt đang cố gắng khắc phục tính vô tâm, vô cảm của chồng.

Mỗi người mỗi cách ứng biến

Nhi (27 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) có chồng bận việc tối ngày, một mình không cáng đáng hết việc nhà nên tức tốc về quê tìm người giúp việc. May có bà chị họ hàng xa đồng ý. Giờ, thay vì đầu tắt mặt tối, Nhi có thêm thời gian sắm sửa, làm đẹp. “Chồng mình bận bịu nhưng bù lại cũng kiếm được tiền. Thuê người giúp việc tuy tốn kém nhưng mình nhàn, đỡ stress” – Nhi kể. Những lúc chồng ở nhà, Nhi khéo léo tìm việc cho chồng làm vừa để gần gũi, vừa giúp chồng không ỷ lại vợ.

Còn Hân (Hà Đông, Hà Nội) có chồng chẳng bao giờ hỏi thăm những lúc hai bên họ hàng có người ốm đau. Nhiều lần nhắc, chồng cô vẫn vờ như không nghe thấy liền chủ động hỏi thăm: “Mẹ à, chồng con nhắc con gọi điện hỏi xem mẹ đã hết sốt chưa?”... Sau đó, liên tục khích lệ chồng: “Mẹ cảm ơn anh vì anh hỏi thăm mẹ đấy”. Hân bảo, mỗi lẫn đi đám cưới, thăm người ốm, Hân đều động viên chồng đi cùng. Tính chồng cô kiệm lời, lại hay lạnh lùng nhưng đi cùng vợ là tốt rồi, còn gì thì Hân nói đỡ hết. “Nói chung, chồng thế này phải ‘giác ngộ’ trường kỳ” – Hân kết luận.

Giống Hân, Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) lập bảng phân chia công việc cho cả chồng, cả con. Ban đầu, Hạnh cũng khổ tâm vì tính lười biếng và “bệnh” vô tâm của chồng. Sau này có con ở tuổi mẫu giáo, Hạnh kiên trì khuyến khích con “lôi” bố vào cuộc. Có những việc hai bố con vừa làm vừa chơi như quét nhà, lau bàn ghế... Gần gũi vợ con thì dần dần chồng Hạnh bớt vô tâm hơn. “Anh ấy cuống quýt khi thấy con ngã hay số mũi” – Hạnh kể. Chứ trước đây, chuyện này không hề có. Nếu con có vấp ngã, chồng Hạnh dửng dưng chờ vợ đến nâng con dậy.

Chia sẻ