Chồng "thấp" vợ "cao"

,
Chia sẻ

Thấy bạn đăm chiêu, tôi gặng hỏi, H. mới thú thật: "Vợ tôi đang muốn đi học cao học, ông à”. "Tưởng gì, vợ đòi đi học chứ có chơi bời gì đâu mà lo". H. lắc đầu "Nhưng mà...".

Thì ra, việc N. (vợ H.) muốn đi học cao học để nâng cao khả năng chuyên môn và hướng tới sự thăng tiến sau này, đã làm bùng lên "cuộc chiến" trong gia đình H. Lấy lý do kinh tế chưa dư dả, các cháu nội lại còn nhỏ, mẹ H. không đồng ý cho con dâu đi học. Tuy nhiên, nguyên nhân chính mà mẹ H. không tiện nói ra là: con dâu vốn đã học cao hơn con trai mình (N. đã tốt nghiệp đại học, còn H. mới chỉ học xong cao đẳng), nếu học cao hơn nữa, thì dễ lấn át, coi thường chồng.

Ngay bản thân H., trước đây cũng từng có những lúc cảm thấy tự ti vì học thấp hơn vợ. Giờ đây, lại càng không khỏi e ngại trước viễn cảnh khoảng cách ấy ngày càng xa thêm. Sợ bị vợ coi thường về học vấn đã đành, H. còn sợ sau này, nếu nhờ bằng cấp cao mà vợ thành đạt, thì vai trò của H. trong gia đình sẽ càng bị "thu hẹp". Nhưng H. chẳng thể ngăn cấm vợ đi học, vì anh chẳng thể đưa ra lý do chính đáng. Chẳng lẽ lại nói thẳng với vợ rằng: "Anh sợ em học cao hơn anh". Thế thì gì là bản lĩnh đàn ông!
 

Tôi hỏi: "Nếu ông sợ học vấn thấp hơn vợ, sao không tranh thủ học lên? Kinh tế vợ chồng ông đã ổn định, lại có bận rộn lắm đâu?". H. lắc đầu: "Trầy trật lắm mình mới lấy được cái bằng cao đẳng. Mà mười mấy năm nay không đi học, giờ nghĩ tới chuyện học hành là muốn buồn ngủ rồi". Tôi đành an ủi H. rằng, nếu mình luôn biết tôn trọng, hiểu và yêu thương vợ, thể hiện được vai trò của người chồng, người cha trong gia đình, thì dù vợ có học cao đến mấy, cũng không thể không tôn trọng mình. Nghe xong, H. nói: "Cũng biết thế, nhưng cứ nhớ đến chuyện thằng T., mình không thể không lo".

T. là bạn học hồi cấp II của tôi và H. Học xong lớp 9, do gia cảnh khó khăn và học lực cũng chỉ ở mức bình thường, nên T. thôi học, đi làm xe ôm. T. làm quen và kết hôn với L., buôn bán ngoài chợ. L. vốn là một học sinh khá. Sau khi tốt nghiệp cấp III, do ba bị tai nạn, kinh tế gia đình khó khăn, nên cô đành bỏ kỳ thi đại học.

Sau một thời gian lấy chồng, L. nghĩ tới chuyện thi vào đại học. Thương vợ, T. chấp nhận. Vừa học, L. vừa tranh thủ đi làm thêm để có tiền đóng học phí. Còn tiền sinh hoạt trong nhà, nhờ cậy hết vào cái xe ôm của T. Cuối cùng, sau mấy năm chuyên cần, L. cũng tốt nghiệp đại học và xin được việc làm ở một công ty quảng cáo. Do nhanh nhẹn, tháo vát, nhiều sáng kiến, L. nhanh chóng được cất nhắc vào những vị trí quan trọng; nhờ đó, thu nhập ngày càng cao và các mối quan hệ xã hội cũng rộng hơn. Từ đó, L. bắt đầu thay đổi, cô thấy anh chồng xe ôm không còn xứng với mình. Bạn bè ở công ty hay đối tác đến nhà chơi, cô kiếm cớ kêu T. đi nơi khác. Đi ăn cưới, sinh nhật đồng nghiệp, cô cũng không muốn T. đi cùng. Bản thân T., do mặc cảm học thấp, nghề "bèo", nên cũng ngại. Tình cảm giữa họ cứ thế nhạt dần. Và rồi, điều gì đến đã đến, khi có người đàn ông khác "tương xứng" hơn, L. đã yêu cầu ly dị.

Thế nhưng, không phải người vợ nào học cao hơn chồng cũng như L. Tôi tin chắc vào điều ấy, bởi bản thân tôi cũng có vợ học cao hơn mình. Hồi chúng tôi quen và yêu nhau, nàng đang là học viên cao học, còn tôi chỉ là một cử nhân. Khi tôi đưa nàng về quê chơi, mấy người dì, sợ cháu dâu "áp đảo" cháu trai đã khuyên khéo rằng: "Con gái học vậy là được rồi". Những câu nói ấy làm nàng buồn, nhưng vẫn quyết tâm gắn bó với tôi, bởi nàng không phải là người đem bằng cấp ra để đánh giá người khác. Bản thân tôi, cũng chẳng bao giờ băn khoăn về việc người vợ tương lai có bằng cấp cao hơn mình, và luôn ủng hộ nàng học cao lên nữa. Năm ngoái, vợ tôi bảo vệ xuất sắc luận văn thạc sĩ. Đầu năm nay, dù đang mang thai, nàng vẫn thi đậu nghiên cứu sinh với điểm số cao. Những khi ấy, tôi luôn ở bên và chia sẻ niềm vui, niềm hạnh phúc với vợ. Tôi tin rằng, dù sau này, vợ tôi có trở thành tiến sĩ, giáo sư, vợ sẽ vẫn luôn tôn trọng, yêu thương tôi như bây giờ.
 
Theo PhuNuOnline
Chia sẻ