Chia nợ sau ly hôn

,
Chia sẻ

Chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân hoặc khi ly hôn là vấn đề quen thuộc nhiều người trong cuộc rất “rành”. Tuy nhiên, việc “chia nợ” thì nhiều người còn khá mơ hồ.

Những quy định của pháp luật về vấn đề này như thế nào?

Lấn cấn nợ nần

“Chồng tôi có thu nhập thấp, tôi thì chỉ ở nhà nội trợ. Mấy năm qua, giá cả sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, kinh tế gia đình khó khăn, tôi có tự ý vay mượn bên ngoài một số tiền để chi tiêu, xoay xở trong gia đình, không hỏi ý kiến chồng. Gần đây, nợ nần ngày càng nhiều, một vài chủ nợ đến đòi tiền, chồng tôi biết được đã phản ứng rất gay gắt. Anh còn tuyên bố, không biết gì về khoản nợ đó, chỉ là nợ riêng của tôi, tôi phải tự kiếm tiền trả!”. Chị K.L. ở Q.Bình Thạnh, đã đến nhờ luật sư tư vấn cách giải quyết khoản nợ trên của chị.

Chị T.H. ở Q.7 thì rơi vào cảnh ngược lại. Chị bức xúc: “Chồng tôi sa vào cờ bạc, cá độ bóng đá. Tôi và những người thân trong gia đình đã tìm đủ mọi cách khuyên ngăn nhưng anh vẫn chứng nào tật ấy. Ban đầu chỉ cá độ nho nhỏ, nhưng riết rồi tiền cá độ ngày càng lớn. Không còn tiền để cá độ, anh ấy vay mượn bên ngoài, nhiều lần tôi phải bấm bụng trả nợ thay. Mâu thuẫn vợ chồng phát sinh và ngày càng trầm trọng. Mới đây, người của “xã hội đen” tìm đến nhà yêu cầu tôi phải trả khoản nợ 200 triệu đồng. Xem giấy nợ và gặng hỏi chồng tôi, anh ấy thú thật có vay của người đàn ông đó 200 triệu đồng để cá độ và bị thua, chưa có tiền trả. Tôi có nói với người cho vay: “Số nợ đó do chồng tôi tự ý vay mượn, là nợ riêng của anh ấy, anh tìm anh ấy mà đòi!”, thì người này không đồng ý, đe dọa trong vòng bảy ngày, nếu không có tiền trả thì phải ra công chứng ký sang tên nhà cho họ, nếu không coi như vợ hoặc chồng sẽ có một người… mất mạng! Dù giận chồng, nhưng tôi cũng không thể phớt lờ đe dọa của người cho vay".

Ảnh mang tính minh họa: P.Huy

Chị H. bày tỏ nguyện vọng với luật sư: “Tôi muốn cứu chồng lần cuối, nhưng làm sao để bảo đảm quyền lợi của tôi về tài sản? Tôi muốn trả nợ thay cho chồng nhưng “phần trả thay” đã phải được trừ vào khối tài sản chung, xem như tôi đã chia tài sản cho chồng, khi giải quyết ly hôn, anh ấy sẽ không được chia tài sản nữa! Tôi làm như vậy có được không?”.

Chị L. ở Q.Tân Phú là bị đơn trong một vụ kiện ly hôn. Chị đã đến văn phòng luật sư nhờ tư vấn một yêu cầu rất “lạ”, là tìm cách giúp chị kéo dài thời gian giải quyết ly hôn, “càng lâu càng tốt”. Khi luật sư hỏi lý do, chị cho biết chẳng phải chị còn yêu thương gì chồng, mà chỉ là “để chồng tôi trả hết nợ các khoản nợ chung. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng tôi có vay của ngân hàng hai tỷ đồng, hiện đã trả được một nửa. Chồng tôi làm ngành hàng hải, thu nhập cao, tôi chỉ ở nhà nội trợ nuôi con. Tiền lãi vay và vốn gốc của ngân hàng là do chồng tôi trả bằng thu nhập của anh ấy. Tôi sợ ly hôn trong giai đoạn này tòa án chia đôi nợ, tôi không có khả năng để trả nợ. Nếu kéo dài được một năm nữa, chồng tôi có thể trả hết nợ cho ngân hàng theo đúng hợp đồng vay”.

Trách nhiệm chung, riêng?

Liên quan đến việc trả nợ, điều 25 Luật Hôn nhân gia đình (HNGĐ) quy định rõ: “Vợ hoặc chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình”. Giao dịch hợp pháp ở đây được hiểu là hợp đồng vay tài sản (tiền, vàng,…) hoặc giấy vay tài sản, không phân biệt viết tay hay đánh máy, do người có đủ năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện. Nhu cầu thiết yếu của gia đình là: ăn, ở, mặc, chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, việc học hành của con trẻ...

Thông thường, đối với những giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu, sinh hoạt, tiêu dùng trong gia đình, pháp luật không bắt buộc cả vợ và chồng cùng ký tên vay hoặc khi vay phải hỏi ý kiến người kia. Tuy nhiên, do mục đích vay là để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của gia đình, nghĩa là cả gia đình đều thụ hưởng số tiền vay đó, nên khi hậu quả xảy ra, cả vợ và chồng đều phải liên đới trách nhiệm trong việc trả nợ, vì đó là nợ chung của vợ và chồng. Nghĩa vụ liên đới được hiểu là vợ chồng phải cùng nhau trả. Ai có ít góp ít, ai có nhiều góp nhiều, thậm chí nếu một bên không làm ra tiền (thất nghiệp, ở nhà nội trợ, nuôi con…), trong khi người kia làm có thu nhập thì người kia phải trả đủ các nghĩa vụ dân sự về tài sản cho các chủ nợ.

Khi giải quyết ly hôn, nếu một hoặc cả hai bên có yêu cầu giải quyết vấn đề nợ chung, hoặc các chủ nợ có đơn yêu cầu giải quyết việc trả nợ, thì tòa án sẽ kết hợp giải quyết vấn đề nợ chung trong cùng một vụ án.

Theo điều 95 của Luật HNGĐ: việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Nếu xác định được các khoản nợ đang có tranh chấp là nợ chung của vợ chồng, cả hai vợ chồng có trách nhiệm liên đới trả nợ. Việc vay tài sản nếu có biện pháp bảo đảm (thế chấp nhà đất), thì cơ quan chức năng sẽ phát mãi tài sản để thi hành án theo quy định của pháp luật, phần tài sản còn dư sẽ được chia đôi cho các bên.

Trường hợp có tranh chấp, chẳng hạn như một bên vay để tiêu xài chung mà bên kia không đồng ý liên đới trả nợ, thì người vay mượn có nghĩa vụ phải chứng minh việc vay mượn là để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu trong gia đình. Còn với những trường hợp một bên tự ý vay mượn tiền, không hỏi ý kiến người kia với mục đích tiêu xài riêng, cờ bạc, hoặc kinh doanh, làm ăn riêng…, không dùng vào các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu trong gia đình, thì đó là nợ riêng của người vay. Khi có tranh chấp xảy ra, các bên phải có nghĩa vụ chứng minh mục đích sử dụng của việc vay mượn đó.

Về nguyên tắc, nợ riêng của ai thì người đó chịu trách nhiệm trả. Theo điều 33 của Luật HNGĐ thì: “Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó”. Trường hợp tài sản riêng của người đó không đủ thanh toán thì có thể chia tài sản chung của vợ chồng và họ có quyền sử dụng phần tài sản của mình được chia để trả nợ.

Việc một bên tự nguyện đứng ra nhận trách nhiệm trả nợ riêng cho chồng hoặc vợ mình, rồi trừ “phần trả thay” vào khối tài sản chung khi chia tài sản về sau… là việc làm không trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi cho mình và có căn cứ pháp lý để nhờ tòa án giải quyết tranh chấp về sau (nếu có), thì các bên phải lập thành văn bản có nội dung cụ thể, rõ ràng việc thỏa thuận này trước khi thực hiện việc trả nợ.

LS Huỳnh Minh Vũ
Theo PNO
Chia sẻ