Chị dâu - em chồng và "chiếc cầu nối"

Linh Lan,
Chia sẻ

Bạn bè cô thắc mắc: "Sao không bao giờ thấy mày nói chuyện với chị dâu vậy?", "Không hợp thì nói chuyện làm gì" - cô trả lời ngắn gọn.

1. Lần đầu anh đưa người yêu về ra mắt, cô ậm ừ chào rồi lên thẳng phòng, không nói đến câu thứ hai. Cô nói nhảm: "Người đã gầy tong teo lại còn õng ẹo trên đôi dép lênh khênh. Hai mấy tuổi đầu mà còn váy xòe ngắn cũn, tóc tết điệu đà, lại còn son phấn nữa chứ...". Lần thứ 2 rồi lần thứ 3 gặp mặt, những thiện cảm của cô về bạn gái của anh trai vẫn không được cải thiện chút nào. Vì thế cô nhất quyết không nói chuyện, giáp mặt thì chào cho có lệ. 

Chuẩn bị đám cưới, anh trai ra sức khuyên nhủ: "Đằng nào cũng sắp thành người một nhà, sao em cứ mặt đằng đằng sát khí thế?". Cô vẫn lạnh mặt: "Yên tâm, có ít tuổi hơn em thì em vẫn gọi chị đàng hoàng. Cứ cưới xong đi đã...".

Từ ngày chị dâu về sống trong nhà, hai người giáp mặt nhiều hơn, nhưng mối quan hệ giữa cô và chị dâu vẫn không xích lại được thêm bước nào. Chẳng bao giờ hai người tâm tình riêng với nhau, nói gì đến chuyện rủ nhau đi mua sắm, ăn uống bên ngoài... Có lúc vô tình gặp nhau ở ngoài chợ hay đâu đó, hai người cũng chỉ cười xòa hoặc gật đầu chào nhau rất khách sáo. Bạn bè cô thắc mắc: "Sao không bao giờ thấy mày nói chuyện với chị dâu vậy?", "Không hợp thì nói chuyện làm gì" - cô trả lời ngắn gọn.

Chị dâu - em chồng và
Chị đối xử với em chồng theo kiểu mặc kệ, gặp thì chào chứ không hỏi han gì thêm (Ảnh minh họa).

Trong mắt cô, một "con bé" ít tuổi hơn mình, ăn mặc thì điệu đà, đỏm dáng thế nhìn không tài nào vừa mắt nổi. Lại nữa, "con bé" bỗng nhiên "nẫng" mất người anh trai bấy lâu thân thiết của cô đã là một cái "tội" lớn. Từ ngày có người yêu, đặc biệt là khi lấy vợ rồi, anh trai gần như không quan tâm đến cô nữa. Trước kia đi đâu anh cũng "gạ" cô đi cùng, hai anh em đêm nào cũng tíu tít ôm máy tính, chuyện trò tới khuya, ăn gì cũng đi cùng, đi đâu cũng có mặt. Đến mức nhiều người bạn anh còn đùa: "Mày cứ dính lấy em gái thế thì đời nào lấy được vợ". Bỗng nhiên sự xuất hiện của "con bé" đã cô lập cô, "cướp" mất người mang lại niềm vui và nơi trút mọi bực dọc của cô... Thế nên dù thế nào thì với cô, chị dâu cũng không ưa nổi.

2. Chị biết trong mắt em chồng, chị chẳng có tí ti điểm nào thiện cảm. Có lẽ vì chị ít hơn tuổi em chồng, lại thuộc mẫu người hoàn toàn khác với em nên em chồng không muốn gần gũi. Chị lúc nào cũng tóc dài mượt mà, váy vóc cả tủ, trong khi em chồng tóc ngắn, quần jean, áo phông, giày bệt... Chị cũng không rõ em là người thế nào vì số lần hai người chuyện trò riêng có lẽ chỉ đếm trên đầu ngón tay. 

Mỗi dịp sinh nhật, anh nhắc chị mua quà cho em, chị nhăn nhó: "Em biết nó thích gì mà mua, anh mua đi!". Anh cằn nhằn: "Em cứ thế thì bảo sao chị em lúc nào cũng như hai tảng đá". Chị vênh mặt: "Nó có ưa gì em đâu". Chị đối xử với em chồng theo kiểu mặc kệ, gặp thì chào chứ không hỏi han gì thêm. Bữa tối hàng ngày, ai về trước người ấy nấu cơm. Hôm nào em chồng nấu, chị tót lên phòng tắm giặt, ăn cơm xong sẽ tự lĩnh nhiệm vụ rửa bát và dọn dẹp. Trái lại, hôm nào chị nấu, em chồng cũng trốn biệt, đến bữa xuống ăn rồi rửa bát. Cứ thế, chị dâu em chồng tự phân chia mọi việc trong nhà nhưng gần như chẳng nói năng gì với nhau. 

Đôi lần anh nói chuyện với chị về cô em gái: "Nhà có 3 người mà 2 người không bao giờ nói chuyện với nhau. Em là chị dâu thì chấp nó làm gì, cứ hỏi han kiểu gì nó chả nói!". Chị phân trần: "Anh không thấy em hỏi han đấy à? Nó lúc nào cũng đằng đằng sát khí, mặt lạnh như tiền ai mà chịu được. Nó không ưa em là việc của nó, không cãi nhau là tốt lắm rồi". Anh đành chịu, không nói gì thêm. 

Chị dâu - em chồng và
Chẳng biết tự bao giờ, anh thấy em gái và vợ đã chủ động bắt chuyện với nhau, còn bí mật hẹn nhau đi mua sắm (Ảnh minh họa)

3. Anh thấy căng thẳng khi sống giữa hai làn đạn. Em gái thì trách cứ anh thiếu quan tâm, "đội vợ lên đầu". Hễ thấy hai anh em thân mật với nhau, chị lại mặt nặng mày nhẹ: "Anh lấy vợ chưa đấy?". 5 lần bảy lượt anh rơi vào thế bí khi em gái đòi chuyển ra ở riêng, vợ thì ca cẩm: "Giặc bên Ngô nhà anh cũng chẳng vừa".

Chị sinh con đầu lòng, bà nội mất sớm, bà ngoại chưa về hưu nên không có ai giúp đỡ. Anh hết quay cuồng với công việc lại vội vã về sớm giúp vợ. Từ hôm ở viện về, anh giục vợ: "Giờ có con nhỏ, nhiều việc lắm, em cứ nhờ cô đỡ cho. Nó vậy thôi nhưng chịu khó lắm, gì cũng làm được hết!". Chị đùn đẩy: "Em ngại lắm, anh nhờ đi. Em nhờ chắc gì cô đã làm cho". Anh nhất định bắt vợ lên tiếng. 

Thế là chị đành "mở miệng": "Cô Hà ơi, lúc nào cô rảnh chạy xuống bế cháu hộ chị nhá. Chị lo cơm nước, giặt giũ". Thoáng chút bất ngờ, cô nhỏ nhẹ: "Nó bé tí em bế không quen đâu. Chị đang ở cữ, việc nhà để đấy em làm". Từ ngày chị sinh, mình cô lo hết việc nhà. Thấy anh tất bật giặt giũ, cô lại xắn tay làm hộ. Thỉnh thoảng, anh bế con đặt vào tay cô: "Tập cho quen này, chả mấy mà cũng phải bế con!". Đi làm về, chưa kịp thay quần áo, cô đã sà vào bế cháu. Đứa bé lớn lên từng ngày, mối quan hệ giữa chị và cô cũng xích lại gần nhau. 

Cứ có việc gì, anh lại giục chị: "Em bế con lên nhờ cô trông cho mà làm". Dần dần thành quen, chị một điều "cô Hà", hai điều "cô Hà". Sinh nhật cô, chị mua quà, mua hoa bế con lên tận phòng cô: "Cháu chúc mừng sinh nhật cô này, chúc cô xinh đẹp, tươi trẻ, nhanh có chú cho cháu nữa này...". Cô cười tít mắt, nhận quà từ tay mẹ con chị. 

Ngày lễ, ngày nghỉ, anh lại kéo cả nhà đi chơi, đi ăn nhà hàng, không quên nhắc chị lên rủ cô đi cùng. Chẳng biết tự bao giờ, anh thấy em gái và vợ đã chủ động bắt chuyện với nhau, còn bí mật hẹn nhau đi mua sắm. Có hôm anh đi làm về muộn, anh gặp chị và cô cùng đưa con ra công viên gần nhà chơi... Anh mỉm cười, lòng nhẹ nhõm hẳn.
Chia sẻ