Chả lẽ lại ly hôn chỉ vì chồng mắc bệnh sĩ diện hão!

Nguyễn Lam,
Chia sẻ

Anh đẹp trai, lịch lãm lại còn hào phóng và ưa sĩ diện. Thuở còn yêu chưa phải lo nghĩ nhiều, chị chẳng để ý đến hệ quả của việc anh luôn là người chịu chơi và chịu chi cho mọi cuộc tụ tập.

Chị chỉ thấy “mát mặt” với bạn bè, người thân và tự hào mỗi khi có ai đó “lác mắt” về anh. Nhưng sau hôn nhân, mọi chuyện lại hoàn toàn khác...

Đến khi cưới nhau rồi phải đối diện với gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền chính cái tính ưa sĩ diện của anh lại khiến chị bao phen khốn đốn. Dù chị có nhẹ nhàng khuyên nhủ cho đến lí giải “rát cả họng”, rồi càu nhàu hay thậm chí giận dỗi anh cứ ậm ừ cho qua chuyện rồi đâu lại vào đấy.

chồng sỹ

Chị chẳng hiểu nổi vì sao chồng mình lại ưa sĩ diện đến mức như thế, trong khi cuộc sống gia đình chị cũng chẳng khấm khá là bao. Cứ mỗi lần có ai đó rủ vợ chồng chị đi ra ngoài ăn sáng, uống cà phê hay đi ăn nhà hàng để đổi khẩu vị là y như rằng anh cứ dành trả tiền cho bằng được: “Có đáng bao nhiêu đâu, để tôi trả cho, hôm sau anh mời lại tôi”, nhưng lần sau rồi sau nữa anh vẫn cứ thế. Theo lệ thành quen một số người “thấy bở đào mãi” cứ thích rủ rê anh đi để được hưởng của “chùa”. 

Chị có nói thì anh cứ xề xòa cho qua: “Tính toán làm gì, hôm sau người ta mời mình mà” nhưng chị thừa biết chắc với tính cách của anh chẳng bao giờ anh để người khác mời mình. Mà không lẽ trước mặt bạn bè chồng dành trả tiền mà vợ lại không chịu thì mất mặt quá, nên chị đành ngậm đắng nuốt cay.

Anh thích mua những món đồ đắt tiền từ quần áo, giày dép cho đến điện thoại di động. Anh thích diện đẹp để người khác nhìn vào mình phải “mắt tròn, mắt dẹt”. Đôi khi phải ki cóp cả tháng mới mua nổi anh cũng cam lòng. Anh bảo: “Mình ăn uống ở nhà thế nào có ai biết đâu mà sợ, chứ đã ra ngoài là phải ăn mặc cho sang trọng như thế người ta mới nể mình”. Chị chẳng biết có ai nể hay không chứ nhìn mâm cơm toàn những món đạm bạc chị đã nuốt không nổi rồi. 
 
Chị cũng là người biết điều chứ không phải ki bo, kẹt xỉn gì nhưng cuộc sống mà cứ ưa sĩ diện như anh thì anh chị có làm ra bao nhiêu đi nữa cũng không thể dư dả nổi. Điều đó cũng khiến vợ chồng anh chị không ít lần “cơm không lành, canh chẳng ngọt”.

Đó là chưa kể những lần thanh toán tiền ăn, tiền taxi hay mua một món đồ nào đó. Nếu còn dư vài chục ngàn trở xuống là anh bảo “khỏi thối mất công”. Chị nói với anh là người ta kinh doanh người ta được hời nhiều lắm rồi, mình còn phải chắt chiu từng đồng mà anh làm thế khi nào mới khấm khá lên được. Rồi có những lần thuê xe đi đường xa, đi tới nơi với giá đã “cắt cổ”, anh còn vui vẻ chìa thêm vài chục ngàn “bo” cho lái xe: “Anh cầm lấy ít mà uống nước”. Trong khi đó vợ con anh có khi còn phải “nhịn ráo răng”. Người ta vui vẻ vì nghĩ gặp được khách “sộp” hào phóng, còn chị thì mang nỗi ấm ức trong lòng. Nói thì anh cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì vì anh ưa đẹp mặt lúc đó thôi mà.

Tệ hại hơn là khi có ai đó mượn tiền, nhà có tiền dư dả cho mượn lúc người ta gặp khó khăn thì chị cũng chẳng khó chịu làm gì. Đằng này, có những lúc nhà anh chị cũng chẳng còn tiền mà người ta hỏi mượn anh vẫn vui vẻ nhận lời rồi nháo nhào đi vay người khác để cho người ta mượn. Thậm chí có lần anh còn mượn cả tiền visa của bạn với lãi suất cao ngất ngưởng để cho người khác vay. Chị càu nhàu thì anh bảo: “Người ta khó khăn, người ta không biết mượn ai nữa mới phải nhờ vả vào mình”. “Biết là người ta khó khăn thật nhưng nhà mình có dư dả đâu mà anh làm thế”, chị gào lên, anh sợ hàng xóm nghe thấy lại xấu mặt nên vội vã xin lỗi rồi hứa hẹn không có lần sau. Người nào tử tế thì còn nghĩ cách xoay xở trả tiền cho anh, còn gặp phải anh nào “cù nhầy” thì chị lại phải đích thân đi đòi nợ chứ anh chẳng bao giờ đòi vì anh thấy “ngại ngại làm sao ấy”. Chị thắc mắc: “Người ta mượn mình thì người ta phải ngại chứ hà cớ gì anh phải ngại chứ?” thì anh lại đuối lí gãi đầu gãi tai: “Biết thế nhưng anh vẫn thấy ngại”. Chị bực mình lắm nhưng nghĩ mãi mà chẳng ra cách nào để dẹp cái tính ưa sĩ diện của chồng.

Cuộc sống mà cứ ưa sĩ diện như anh thì anh chị có làm ra bao nhiêu đi nữa cũng không thể dư dả nổi. Điều đó cũng khiến vợ chồng anh chị không ít lần “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Chị nói đã với anh không biết bao nhiêu lần với đủ các thể loại thái độ, nhờ bố mẹ chồng can thiệp nhưng chẳng ăn thua. Dường như cái tính ưa sĩ diện đã ăn sâu vào máu của anh khiến chị chỉ biết thở dài ngao ngán.

Chuyện tưởng bé nhưng như những làn sóng ngầm cứ thấm vào cơ thể, vợ thì phải chắt bóp từng đồng, chồng lại hào phóng tung ra. Đến giờ chị cảm thấy mệt mỏi và thực sự muốn giải tán cuộc hôn nhân này nhưng chẳng lẽ ra tòa lại chỉ có mỗi lý do vì chồng mình mắc bệnh sỹ.
Chia sẻ