Cái tát trời giáng

Thu Hiền,
Chia sẻ

Cái tát như trời giáng của anh làm chị bừng tỉnh ngộ, hiểu ra rằng tính cách anh sẽ không bao giờ thay đổi, chị có thể nào cam tâm sống chịu đựng thế này đến cuối cuộc đời.

Lúc yêu, chị biết anh có phần kỹ tính, gia trưởng, việc gì anh quyết không ai lay chuyển được nên chị có phần băn khoăn khi anh muốn cưới. Nhưng công bằng mà xét ngoài tính đó anh không có điểm gì chê trách, anh yêu chiều, lo toan cho chị rất nhiều. Chị cũng nghĩ có ai mười phân vẹn mười, lấy nhau về vợ chồng bảo ban nhìn nhau mà sống, đàn ông có quyết đoán xốc vác sau mới là cột trụ vững vàng cho vợ con.

Chị cân nhắc thiệt hơn, 27 tuổi – cái tuổi không còn bồng bột gì chị quyết định theo anh về làm vợ, làm dâu nhà người. Khi đó chị đang làm y tá ở bệnh viện lớn trung ương, anh làm trong cơ quan nhà nước. Bạn bè họ hàng hai bên ai cũng tấm tắc khen hai người xứng đôi vừa lứa. Chị cười rạng rỡ mơ về mái ấm gia đình hạnh phúc.

Nhưng chị không dự liệu được rằng sau khi kết hôn tính anh dần thay đổi. Những lời yêu thương, chăm lo chiều chuộng anh dành cho vợ dần biến mất, thay vào đó là những câu ra lệnh cộc cằn, khô khan. Sự quyết đoán xốc vác ngày yêu nhau giờ biến thành sự gia trưởng đến mức độc đoán ở anh. Việc lớn việc nhỏ trong nhà anh đều muốn giành toàn quyền quyết định.

Cái tát trời giáng  1
Những mâu thuẫn hàng ngày làm tình yêu chị dành cho anh vơi dần theo ngày tháng (Ảnh minh họa).

Những ngày đầu về làm dâu, chị không tránh khỏi va chạm với mẹ chồng. Mẹ chồng đã có tuổi nên có phần khó tính, xét nét con dâu từng cách ăn cách ở, luôn tỏ ý không hài lòng về chị, ra vào nói bóng gió với chị. Chị mệt mỏi nên tâm sự  mong anh giúp mẹ  hiểu chị hơn thì anh liền thẳng thừng nói: “Mẹ nói gì em cũng phải im lặng mà làm, nhà anh  không có chuyện con dâu được cãi mẹ  chồng, đừng để anh mang tiếng chồng không dạy được vợ con”.

Anh về nhà nằm dài xem ti vi không động tay giúp vợ, anh coi việc nhà giống như chửa đẻ của đàn bà. Thời này anh vẫn nghĩ làm vợ phải cơm bưng nước rót cho chồng, xong bữa cái tăm chị cũng phải lấy cho anh, anh lười không muốn nhấc chân lên. Nhưng cơm nấu không ngon, canh nêm thiếu vị, anh buông bát đũa cằn nhằn: “Đàn bà nấu ăn không xong thì vứt”. Chị vội ngoảnh mặt giấu nước mắt. Chị từng góp ý với anh, hai vợ chồng lời qua tiếng lại, xô xát nhưng anh không thay đổi.

Anh kiểm soát bạn bè, bạn khác giới của chị, anh yêu cầu chị hạn chế giao du. Quần áo chị phải mặc kín đáo, hơi trễ ngực anh mắng: “Chồng con rồi ăn mặc đàng hoàng tử tế không người ta cười vào mặt, hay ho gì cái trò phô bày da thịt”. Thi thoảng chị xin đi liên hoan với bạn bè, đồng nghiệp, anh lên giọng cấm đoán: “Ghét nhất  loại đàn bà mất nết tối đến bỏ chồng bỏ con đàn đúm bên ngoài. Ngày đi làm mệt, tối ở nhà nghỉ ngơi, không đi đâu hết”. Sống với anh chị cảm thấy cuộc sống dần ngột ngạt.

Anh chê việc làm hiện tại, nhàn tấm thân nhàn luôn cả miệng, anh bỏ việc làm kinh doanh ngoài. Công việc thuận buồm xuôi gió, gia đình khá lên trông thấy. Anh muốn chị nghỉ việc ở nhà chăm lo gia đình, kinh tế anh lo. Chị yêu nghề, thương bố mẹ vất vả bao năm nuôi ăn học, càng không muốn mang tiếng ăn bám chồng, chị nhất quyết không nghe. Anh trách móc, tạo áp lực cho chị, hôm nào chị trực về muộn anh mắng từ cổng vào: “Nào có phải tôi là thằng chồng bất tài, vô dụng mà cô phải nhọc thân bươn chải ngoài xã hội, bỏ mặc chồng con”.

Chị được cơ quan cử đi học, bữa cơm quây quần cả nhà, chị hồ hởi nói chuyện, anh đặt mạnh bát cơm xuống bàn gằn giọng: “Tôi cấm cô đi học biết chưa, học cao về đòi cưỡi lên đầu lên cổ chồng, tiền tôi không thiếu, không mướn cô kiếm, muốn bao nhiêu thì bảo”. Chị nuốt nước mắt vào trong mong nhà cửa được ấm êm. Những mâu thuẫn hàng ngày làm tình yêu chị dành cho anh vơi dần theo ngày tháng. Chị nghĩ sống với nhau chẳng qua vì trách nhiệm với con cái, với gia đình đôi bên còn nặng trên vai.

Tiền anh cầm về càng nhiều, tính anh càng thêm nóng nảy, gia trưởng. Chị không còn tiếng nói trong gia đình. Đồ đạc lớn nhỏ trong nhà anh thích gì tự mua không cần nói qua với chị một lời, anh đi đâu làm gì chị không được biết. Nhiều người nghĩ chị sướng, chồng giỏi làm ăn, nhà giàu có, không ai biết mỗi lần nghĩ đến chồng chị cay đắng vuốt nước mắt mỗi đêm. Chị từng nghĩ đến việc ly hôn, nhưng sợ con sống khổ thiếu thốn tình cảm, sợ bố mẹ chị đau lòng, sợ mất thể diện, sợ nhiều thứ... nên chị cố âm thầm chịu đựng.

Cái tát trời giáng  2
Chị đã thấm nỗi khổ khi lấy phải chồng gia trưởng, độc đoán... (Ảnh minh họa).

Anh đi tiếp khách ngày nhiều hơn, hết đối tác này sang đối tác khác. Đêm anh về, bước chân liêu xiêu, hơi thở nồng mùi rượu, bấm chuông cửa ầm ĩ. Sáng hôm sau, bưng bát phở cho anh, chị nhắc anh uống ít thôi không hại sức khỏe, cố gắng thu xếp về sớm cho mẹ con chị ngủ ngon giấc, hàng xóm đỡ lời dị nghị... thì anh giở giọng xưng mày tao với vợ, chửi chị hỗn hào dám lên mặt dạy bảo chồng, xúc phạm bố mẹ chị không biết dạy bảo con.

Bổn phận, trách nhiệm làm vợ anh đòi hỏi ở chị vượt quá sức chịu đựng, chị tức giận, lớn tiếng nói lại anh: “Lấy anh tôi khổ cả đời, anh là người chồng, người cha vô trách nhiệm. Nếu không vì con tôi đã bỏ anh từ lâu chứ không cam chịu sống cảnh này”. Vừa nghe chị nói dứt câu, anh hất tung bát phở xuống đất rồi giang tay tát chị: “Mày học ở đâu thói ăn nói với chồng mất dạy thế hả? Lấy tao mày được ở nhà to giữa phố, tiền tiêu không thiếu mà mày dám mở miệng oán trách kêu khổ”.

Cái tát như trời giáng của anh làm chị bừng tỉnh ngộ, hiểu ra rằng tính cách anh sẽ không bao giờ thay đổi, chị có thể nào cam tâm sống chịu đựng thế này đến cuối cuộc đời. Chị nghĩ sống vì con, nhưng sống trong cảnh gia đình bố mẹ không hạnh phúc, con cái có thể nào lớn lên không bị ảnh hưởng tâm lý, nhân cách. Còn điều tiếng người đời ư? Họ nói rồi quên, có ai sống thay cuộc đời chị đâu. Chị quyết định ly hôn, chị đã thấm nỗi khổ khi lấy phải chồng gia trưởng, độc đoán...
Chia sẻ