Cái dấu... không đáng tin!

Thu Hương,
Chia sẻ

Cán bộ thú y có người nhắm mắt đóng dấu thực phẩm, còn người mua, nhắm mắt mua liều. Người bán có thể bỏ tiền là có dấu chứng nhận thịt sạch.Người dân biết tin ai bây giờ?

Hoang mang dấu kiểm soát

Bước chân vào một quầy hàng gà ở chợ Thành Công, khi dịch cúm H5N1 đang rộ, tôi nhấc lên nhấc xuống con gà làm sẵn, lưỡng lự: "Sao không có dấu kiểm dịch hả chị?". Chị bán hàng cười lớn, rồi nhấn giọng vẻ đầy giễu cợt: "Em cần dấu á, khó gì dấu với má cơ chứ. Chị đảm bảo em khỏi lo đi. Tin chị chứ đừng tin cái dấu. Bôi tý mực tím là có dấu ngay. Đến ban quản lý chợ thì cũng chỉ mắt thấy tay sờ qua quít rồi đóng cái xoẹt dấu ấy mà".

Nhìn con dấu kiểm dịch nhòe nhoẹt và mất nét chẳng khác gì dấu triện củ khoai. Khi mục sở thị cán bộ thú y "hậu kiểm" nguồn thịt gà mang vào chợ bằng mắt thường và cấp cho nhát dấu kiểm soát thì mới thấy chị bán hàng kia cũng không quá lời. Một chị cán bộ nâng mấy con gà lên ngó ngiêng, xoay xoay một vòng rồi cứ thế liên tay chấm roẹt một loạt dấu tím lên cả thúng gà trong vòng chưa đầy năm phút.

Tuy vậy, đây cũng không phải là chợ duy nhất có gà được đóng dấu theo kiểu này.Các chị bán gà hay thịt lợn thường xuyên cãi nhau vì mấy cái dấu. Chả biết bao tiền một cái dấu, chỉ thấy chị bán hàng làu bàu: "Mấy con gà mà mất 20.000 đồng tiền dấu thì còn lãi vào đâu nữa?". Ơ thế ra, có tiền là có dấu kiểm dịch à?

Thịt gà đã vậy, thịt heo cũng chẳng được kiểm soát kỹ càng hơn. Toàn bộ quy trình kiểm dịch thịt heo chỉ gói gọn trong mỗi việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch hay dấu kiểm soát giết mổ cho từng tảng thịt sau khi "kiểm tra" bằng mắt thường ở ngay tại chợ.

Nhưng dẫu vậy cán bộ thú y vẫn còn động tay vào kiểm tra chứ đằng này hàng nghìn con lợn xuất ra ở lò mổ Thịnh Liệt còn được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật theo kiểu "Bao nhiêu cân, bấy nhiêu tiền, không cần kiểm dịch" với mức giá được ấn định chung là 10.000đồng/1 giấy/100kg thịt lợn. Kiểm dịch... trên biên lai thu tiền đã là chuyện trông thấy hàng ngày với người dân ở khu vực lò mổ này.

Có thân thì ráng lo mà giữ

Thiên hạ ăn thịt mà cứ nơm nớp lo âu. Ai đứng ra bảo vệ cho sức khỏe của người dân trong thời buổi dịch bệnh hoành hành, thật giả lẫn lộn này? Thôi thì cứ thân mình mình lo thôi. Người ta đổ xô đến siêu thị tìm mua gà sạch Phúc Thịnh, hay gia cầm Thụy Phương, nhưng vẫn có người bán tín bán nghi: "Bất đắc dĩ mới ăn gà mà ăn thì phải nấu thật kỹ. Thời buổi này chẳng biết đâu mà lần", bác Lan (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phân trần.

Chị Nga vừa chọn gà ở quầy hàng nhập khẩu trong siêu thị vừa thủ thỉ: "Ở nước mình, nói là gà đã kiểm dịch nhưng chả biết thực hư thế nào, chứ còn hàng nước ngoài toàn thế giới dùng chắc phải nghiêm hơn rồi".

Còn chị Ngà ( Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng dày dạn kinh nghiệm chọn thịt lắm: "Mua thịt lợn bây giờ là phải sấn thử vào tảng thịt to, nếu sâu bên trong thấy có máu và thịt lại bầm nữa thì chắc chắn đấy là lợn có vấn đề.Sạch hay bẩn, có khi mấy vị kiểm dịch cũng chả rành bằng chị em nội trợ đâu. Mình có thân thì mình lo mà bảo vệ chứ trông chờ gì vào người khác?". 

Có lẽ cái cách tự lo mà giữ lấy mình, tự bảo vệ sức khỏe cho mình ấy, nó đã trở thành truyền thống, thành "văn hóa" của người dân ta, khi họ chẳng có gì để bấu víu, để tin tưởng vào cái gọi là sạch và bẩn của những thứ hàng ngày đưa vào bụng.

 

Theo Thu Hương
TTOL 

 

Chia sẻ