Buộc phải cư xử thô lỗ để ly hôn

,
Chia sẻ

Không ít giới trí thức vác đơn ra tòa đơn phương xin ly hôn bị thẩm phán làm khó. Bức quá, đương sự phải lựa chọn cách hành xử thô lỗ để chứng minh: "Tôi hết hạnh phúc thật rồi!".

Vừa rồi, báo đưa tin một vụ người chồng không cư xử lãng mạn với vợ, vợ chán nên đơn phương xin ly hôn. Tòa cho rằng không có cơ sở nên bác đơn ly hôn. Tòa khuyên người vợ hãy vì con mà tiếp tục chung sống, người chồng hãy thay đổi phong cách sống và lãng mạn hơn để được vợ yêu, giữ gìn tiếp mái ấm gia đình vốn yên ả đó.

Chuyện chỉ có vậy. Người ngoài nhìn vào thấy cách giải quyết của tòa cũng có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, với những người trong cuộc từng vác đơn ra tòa xin ly hôn, cách nhìn sẽ khác hẳn.

Đành rằng đa số các cặp vợ chồng có yêu nhau, có tình cảm với nhau thì mới đến với nhau. Nhưng trong đoạn đường trường kỳ chung sống đó có biết bao thứ phát sinh mà không ai có thể lường trước được. Từ va chạm trong quan điểm, cách nghĩ, cách sống, thái độ cư xử, giao tiếp, cách nuôi dạy con đến chuyện tiền bạc, tài sản. Nếu hai người cùng chán nhau, cùng nộp đơn ra tòa xin ly hôn thì rất đơn giản, sau khi hòa giải, nếu hai bên vẫn tiếp tục giữ quyết định ly hôn thì tòa sẽ giải quyết cho ly hôn. Còn nếu một bên chán bên kia, tự vác đơn xin ly hôn thì rất vất vả.
 
Ai đã từng đối mặt với thẩm phán để nghe những câu hỏi gần như chất vấn về những chuyện hết sức riêng tư, tế nhị trong cuộc sống vợ chồng mình thì mới thấy hết cái khó chịu của các cặp vợ chồng đang ly hôn. Thẩm phán vặn vẹo người xin ly hôn tại sao lại không muốn chung sống với vợ hoặc chồng nữa. Thế là người đó phải nêu ra các nguyên nhân để xin ly hôn, không ít nguyên nhân mà khi nói ra người xin ly hôn phải xấu hổ đỏ cả mặt. Chẳng hạn như chuyện quan hệ sinh lý không hòa hợp, chuyện đối phương ngoại tình, bị vợ hoặc chồng đánh đập, hành hạ...

Khổ nỗi nhiều khi thẩm phán lại quá máy móc tuân theo thủ tục xét xử ly hôn mà giải quyết án ly hôn có phần rập khuôn. Chẳng hạn họ khuyên người đơn phương nộp đơn xin ly hôn là lý do xin ly hôn chưa đủ cơ sở, mâu thuẫn hai bên chưa trầm trọng, bên kia vẫn còn muốn chung sống, chưa đánh đập nhau lần nào, hãy vì con cái mà bỏ qua xích mích cũ đi vì có ra phiên tòa thì cũng sẽ bị xử bác đơn mà thôi.

Những câu khuyên bảo gần như quán tính đó là gáo nước lạnh hắt vào mặt những người trong cuộc xin ly hôn. Bởi vì có nhiều trường hợp, người đơn phương xin ly hôn bị vợ hoặc chồng hành hạ về thể xác hoặc tâm hồn, ra tòa khóc lóc đủ điều nhưng thật ra họ vẫn còn yêu thương và muốn tiếp tục chung sống với vợ hoặc chồng, chỉ nộp đơn xin ly hôn để dọa đối phương. Nếu biết cách khuyên giải, xoa dịu sự nỗi giận nhất thời đó thì mọi chuyện sẽ tốt đẹp, đương sự sẽ tự rút đơn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp mâu thuẫn ngầm, hai bên sống chung êm ả, chưa từng đánh nhau, chưa từng chửi bới nhau nhưng vì một câu nói, một hành động, cách cư xử tưởng là thông thường mà không thể nhìn mặt, không thể tiếp tục chung sống với nhau thêm nữa, nhất là trong giới trí thức.

Nếu thẩm phán đánh đồng cả hai diện trên để sử dụng cùng một cách hòa giải, cùng những lời khuyên đơn điệu như trên và bác đơn ly hôn vì chưa có mâu thuẫn trầm trọng trong hôn nhân thì quả thật là phiến diện. Hậu quả là những người có nhu cầu ly hôn thật, cuộc sống chung không thể kéo dài thêm nữa lại tiếp tục bị thử thách: Nếu đồng ý hòa giải thành thì quay về rồi sáu tháng sau nộp đơn xin ly hôn trở lại; nếu tiếp tục muốn ly hôn mà ra phiên xử tòa bác đơn thì phải một năm sau mới được nộp đơn xin ly hôn trở lại. Tất nhiên, sau thời hạn thử thách thêm đó, việc ly hôn sẽ gần như chắc chắn được giải quyết, dù cho đối phương vẫn mong muốn được chung sống tiếp.

Chính vì cách đánh giá ban đầu của thẩm phán như thế nên có trường hợp mâu thuẫn ngầm nên người vợ tha thiết xin ly hôn nhưng đành phải chọn cách ký vào biên bản hòa giải thành để sáu tháng sau nộp đơn xin ly hôn trở lại. Tuy nhiên, sau khi về nhà, cô gom hết đồ đạc của chồng vào valy rồi dán vào đấy một tờ giấy “tuyên chiến” thực sự, bảo anh ta phải dọn đi nơi khác ở ngay, nếu không cô sẽ mắng chửi thậm tệ.

Cách cư xử thô lỗ này là để cô chứng minh cho tòa thấy mình có ý định ly hôn thực sự chứ không phải chỉ nhất thời hờn giận chồng, mặc dù trong thâm tâm người vợ vẫn muốn để người chồng sống chung nhà với đứa con mới ba tuổi thêm ít tháng nữa cho tình cảm cha con được sâu đậm, sau ly hôn mới buộc người chồng ra đi. Biết vậy, người chồng chấp nhận xách valy ra đi. Sau sáu tháng, người vợ lại nộp đơn xin ly hôn. Lần này biết chắc tòa sẽ giải quyết cho ly hôn dù mình có đồng ý hay không nên người chồng chấp nhận ký vào đơn thuận tình ly hôn.

Một trường hợp khác, sau bao năm chung sống hạnh phúc, người chồng chỉ có ước nguyện cuối đời là được sống tự do nên xin ly dị. Tòa xử bác đơn. Thế là để được ly hôn, dù biết là có lỗi với đối phương nhưng người chồng đành giả bộ kiếm cớ đuổi đánh vợ, công an phải đến lập biên bản mấy lượt thì sau đó người chồng xin ly hôn lại được tòa giải quyết ngay, dù người vợ vẫn khăng khăng muốn tiếp tục chung sống với chồng.

Giá mà các thẩm phán xử án ly hôn bỏ chút công sức tìm hiểu sâu sắc hơn các mối quan hệ vợ chồng để biết cách giải quyết hợp lẽ hơn thì có lẽ không có những người vợ, người chồng phải chọn cách cư xử thô lỗ để được ly hôn như thế.
 
Theo Pháp luật online
Chia sẻ