Bóng gió

Theo PNO,
Chia sẻ

Vợ nói gì Nam cũng chịu được, “đô” nhẹ thì chịu khó nghe một chút, “đô” nặng thì gồng mình chịu, nhưng hễ vợ “nói bóng nói gió” là Nam không kiềm chế được.

Nam bảo: “Tính tôi lạ lắm, có gì nói thẳng, nghe nói bóng gió là bực tức lên liền”. Lạ ở chỗ, biết Nam ghét, vợ Nam lại càng sử dụng “thủ pháp” này nhiều hơn.
 
Một lần, Huệ (vợ Nam) vô tình xem tin nhắn điện thoại của chồng, phát hiện chồng đã đi tăng hai ở chỗ “vui vẻ”. Cô không phản ứng gì, chờ đến lúc cả nhà đang xem phim truyền hình buổi tối, gặp đúng cảnh nhân vật nam trong phim lén vợ đi bia ôm, cô mới bâng quơ: “Thứ đàn ông mà bậy bạ ngoài đường như vậy, chẳng ra gì anh nhỉ?”. Nam “nhột”, cố lờ đi. Đến đoạn nhân vật nam năn nỉ xin lỗi vợ, Huệ vẫn tiếp tục “xa xa gần gần”: “Loại đàn ông mất tư cách kiểu ấy, bỏ luôn cho rồi, còn tha thứ làm gì, anh ha?”. Huệ cứ dán mắt vào tivi trong lúc nói, không biết rằng mặt Nam đã đỏ phừng phừng, mắt đã long lên. “Cô muốn nói gì, nói toẹt ra đi!” - Nam không còn giữ được bình tĩnh. Huệ vẫn cố tình trêu ngươi: “Ô hay, em nói gì anh nào? Hay là anh có tật giật mình?”. Nam chịu hết xiết, dắt xe, vù ra đường.
 
 
Một hôm khác, mẹ Nam dưới quê lên chơi. Bà cụ không biết sử dụng máy giặt, nên giặt bằng tay quần áo của mình. Giặt tay thì vắt không ráo, lại phơi đồ trong nhà, nên nước cứ nhỏ xuống. Huệ hỏi chồng: “Bộ ở quê không thích giặt máy hở anh?”. Bình thường anh giận một, có mẹ mình ở đó, anh giận mười. “Cô có im ngay không, tôi cho một…”. Anh vung tay, nhưng may mà dằn lại được. Chỉ vậy thôi mà vợ chồng giận nhau cả tuần.

Nam băn khoăn với bạn bè là chẳng hiểu tại sao vợ anh thích bóng gió, trong khi nói thẳng thì dễ nói hơn, mà cũng dễ nghe hơn? Có người hỏi ngược: “Tại sao anh ghét lời bóng gió?”. Vài người trong nhóm bạn của Nam bảo, sở dĩ các bà muốn “bắn tỉa từ xa” như vậy, vì biết đó là cách gây bực tức, tạo “sát thương” mạnh nhất.

Thường ngày, nói bóng gió là cách nói vui vẻ, tạo sự thú vị. Chính vì thế mà không ít thì nhiều, ai cũng… tập tành bóng gió cho vui. Nhưng, khi gặp chuyện không hài lòng, có người lại lấy “vũ khí” ấy ra để khích bác, kích động, nhục mạ nhau. Nếu làm điều gì đó mà thấy “đã”, người ta dễ nâng cấp độ lên cao hơn, có khi trở thành “tuyệt kỹ”. Khi đó, cái sự bóng gió cũng sẽ phong phú hơn, pha cái này, pha cái kia vào câu nói cho “nặng đô”. Từ pha ý, pha từ, sẽ chuyển đến cả pha thái độ, khiến “đối phương” phải “nổi điên” mới chịu.

Vì là “nói xa nói gần”, không chạm trực tiếp đến vấn đề, nên cũng không giải quyết được gì, chỉ đào thêm hố sâu ngăn cách. Bị người ngoài nói xách nói mé, đã chịu không nổi, một người chồng mà bị chính bạn đời của mình cạnh khóe, thì tức “lộn ruột” cũng dễ hiểu.

Chia sẻ