Bỏ nhà tiền tỉ đến với tình đẹp như mơ

Theo VNN,
Chia sẻ

Vì tình yêu, ông đã quyết định bỏ ngôi nhà tiền tỉ, chốn ấm êm để về sống những tháng ngày lang thang vất vả cùng bà. Giữa chốn đô thị “đắt nhất tình người thôi”, ông và bà đã viết lên một chuyện tình giản dị nhưng thật cảm động.

Ông là Tống Văn Dinh (73 tuổi) và bà là Đỗ Thị Huyền (thường gọi bà Hiền, 66 tuổi). Vì một chữ "tình" mà ông bà đã gạt qua mọi định kiến, địa vị xã hội để đến với nhau. Thời gian thấm thoắt đã được 10 năm.

Thanh sắt làm nên tình yêu

Bữa ấy, bà rệu rã bước đi mệt mỏi sau một ngày lang thang không nhặt được gì (bà làm nghề đống nát). Họ đi ngược chiều nhau nhưng được 1 đoạn thì cả hai bỗng quay lại, đôi mắt gặp nhau. “Từ giây phút đó, tôi đã cảm nhận được ông ấy sẽ là người mình chung sống trong quãng đời còn lại” – vừa nói bà vừa nhìn sang phía ông, nở nụ cười tươi.

Hạnh phúc của ông bà nghe thật giản đơn nhưng lại thật ý nghĩa mà có khi nhiều người
vẫn còn mơ ước và đang đi kiếm tìm.
 
Thật bất ngờ, lúc đó ông Dinh mỉm cười rồi đưa cho bà thanh sắt khoảng hơn 1 mét. “Món quà tình yêu” ấy có lẽ cũng là thứ quà vật chất duy nhất ông tặng bà cho đến ngày nay.

Để rồi, mỗi ngày trên đường đi nhặt rác về, bà lại đứng đó chờ ông. Có hôm, bà đã bắt gặp ông chờ ở đó rồi. Gặp nhau ở cái tuổi xế chiều, vậy mà vẫn cứ bỡ ngỡ, ngượng ngùng. Mãi, ông mới dám nói “trưa nắng thế này, bà vào tán cây nghỉ cho mát”.

Rồi họ bắt đầu chia sẻ cho nhau chuyện quá khứ, chuyện gia đình. Bà đã biết vợ ông mất cách đó mấy năm. Ông có 4 người con đã lập gia đình và thành đạt. Từ những tâm hồn tan vỡ và khổ đau, hai trái tim cần thương yêu đã nguyện mãi không xa rời. Nhìn bà vô tư thế nhưng quá khứ của bà lại thật đắng cay.

Bà tên thật là Đỗ Thị Huyền quê Thái Bình. 15 tuổi, bà lấy chồng. Lúc bấy giờ hai vợ chồng cùng làm chiếu xuất khẩu ở Hợp tác xã Hữu Nghị, thị xã Thái Bình. Mấy năm sau, hai vợ chồng lên Hà Nội, bà xin làm cấp dưỡng ở Trường Lý luận Nghiệp vụ Bộ Văn hóa (nay là Trường Đại học Văn hóa), còn chồng làm bảo vệ.

Những chuyện xích mích con con rồi việc căn nhà tập thể được phân bị người ta chiếm mất chỉ vì cho thuê khiến vợ chồng to tiếng với nhau. Kết cục là hai người ly hôn, mỗi người một đường, hai đứa con về ở với bà ngoại. Còn bà bị khủng hoảng tinh thần sau đó là chán nản, xin nghỉ việc rồi lang thang nay đây mai đó. Bước chân phiêu bạt đưa bà vào làm giúp việc cho một số gia đình.

Với ông Dinh, sau giải ngũ, ông trở về làm công nhân tại một công ty chế tạo máy cơ khí. Làm được một thời gian, ông xin nghỉ một lần nên giờ cũng trắng tay.

Khi ông đưa bà về nhà, các con ông phản đối gay gắt. Làm sao họ chấp nhận được ông sẽ ở với người đàn bà nhặt rác ấy. Vậy là ông Dinh đã ra đi, từ bỏ tất cả để đi với bà.

Bà Hiền rưng rưng tâm sự: “Ông ấy thương tôi lắm, chẳng khi nào to tiếng. Chúng tôi lang thang khắp nơi nhưng được cái người ta thương, chẳng ai mắng mỏ hắt hủi gì. Vất vả cũng quen rồi, miễn là tôi và ông ấy sống với nhau hết cuộc đời này”.

Tình già ấm áp

Giữa ngổn ngang những rác, gỗ vụn và đủ thứ lỉnh kỉnh khác ông ngồi co ro, mắt nhìn xa xăm nhưng chốc chốc nhớ lại quay ra nhắc bà cài cúc áo vào cho đỡ lạnh.
 
Vì tình yêu, ông Dinh đã quyết định bỏ ngôi nhà tiền tỉ, chốn ấm êm để về sống những tháng ngày
 lang thang vất vả cùng bà Hiền nhưng được có nhau trong đời.
Có người tới chơi, bà khẽ đưa mắt nhìn chúng tôi rồi lục tục lau lại “cái ghế ngồi cho khách” (thực ra là tấm gỗ bỏ đi). “Nhà” của ông bà chính là đống rác đó, cây đa ấy với chiếu, chăn, áo rét, màn rồi là mấy cái ô rách tả tơi.

Bà chép miệng, không nhớ đã bao lần chuyển “nhà” rồi. Cứ chỗ nào đang xây dựng thì họ đến, xong bà lại đi. Bờ hồ Hoàng Cầu này họ đã sống với nhau cả chục năm. Ông thì giải thích “lãng mạn” thế này: bờ hồ có gợn sóng, có người qua lại. Sau mỗi ngày vất vả được ở đây bên nhau, trái tim ông bà lại đầy ắp thương yêu.

Ông cười móm mém tâm sự: "Tuổi già, tôi cần có người chăm sóc, các con ai cũng có gia đình riêng. Vợ mất lâu rồi, tôi muốn có một người chia sẻ về cuộc sống khó khăn nhưng chẳng hiểu sao các con lại phản đối”.

Để rồi mỗi ngày ở nơi ấy, người ta thấy một ông già ông xách bơm ra ngồi ngoài đường, chỉ mong mỗi ngày kiếm đôi đồng để dành và người đàn bà sáng sáng dậy thật sớm đi mua hoa quả bán. Hi vọng của họ là mỗi ngày kiếm được khoảng mươi, mười lăm nghìn đồng. Đủ để nuôi sống cho một tình yêu.

Bữa trưa của ông bà chỉ là bát mỳ tôm, làm qua buổi chiều đến tối khi ánh đèn đường bắt đầu được bật, ông bà lại lục đục mang ghế ra ngồi bán nước. Ông hì hục lấy củi đun nước. Cạnh ấy là mấy cái ống cống nơi bà quay gỗ che làm bếp.....

Đôi mắt ông Dinh đượm buồn nhìn tôi: “Công trình ở khu hồ Hoàng Cầu này thấy bảo gần xong rồi. Ông cũng chưa biết sau thì đi đâu. Thôi đành phó mặc cho số phận vậy, miễn sao ông bà có nhau”.

Đã hơn 1 năm, ông cụ không còn vá xe, bơm xe cho người ta nữa, phần vì bây giời không ai đi xe đạp, phần vì ông cũng già yếu. Tất cả lại phải dựa vào bà. Bà Hiền thì vẫn nụ cười lạc quan, tâm sự với tôi: “Hôm mồng 8 tháng 3 vừa rồi, ông ấy tích cóp mua được mấy nghìn xôi cho tôi đó, ông nói đó là quà cho ngày quốc tế phụ nữ”.

Nhìn ông bà hạnh phúc bên nhau, tôi lại càng thấy kính trọng và yêu mến ông bà. Nhiều người nói ông “dở hơi”, “hâm”. Nhưng thử nhìn xem, bao nhiêu người nhà giàu lắm tiền, đám cưới thật hoành tráng nhưng rồi vẫn ngậm ngùi khóc. Hạnh phúc của ông bà nghe thật giản đơn nhưng lại thật ý nghĩa mà có khi nhiều người vẫn còn mơ ước và đang đi kiếm tìm.
Chia sẻ