Bi kịch tình yêu từ sự thiếu tự trọng

,
Chia sẻ

Lan Hương gọi đến trung tâm tư vấn tình yêu than vãn rằng, cô vô cùng đau khổ và tức giận vì thường bị bạn trai lăng mạ. Thậm chí, thỉnh thoảng anh ta còn tát tai và dọa sẽ bỏ cô để quay trở lại với người yêu cũ.

Cô gái 27 tuổi này cho biết: "Tôi đã chịu đựng đủ thứ để không mất anh ấy". Hóa ra, cô chịu đựng tất cả chỉ vì anh là con một gia đình khá giả, mà cô thì lại hy vọng có thể dựa vào gia đình ấy. Với những cô gái như Lan Hương, lấy chồng để giải quyết nhiều thứ trong cuộc đời, và họ đã đặt hết niềm hy vọng vào hôn nhân. Thực tế cho thấy, không có con đường nào đi tới thành công lại dễ dàng như các cô gái nghĩ.
 
Cuộc hôn nhân của Quỳnh Thư đã từng được không ít người dân ở vùng Hải Hậu (Nam Định) ngưỡng mộ. Bởi họ thấy "đùng một cái" cô lấy được anh chồng là kỹ sư xây dựng, trắng trẻo, đẹp trai, lại có  "nhà mặt phố, bố làm quan". Có ai ngờ, từ ngày về làm vợ, Thư chưa một lần được sánh đôi với chồng đi dạo  phố phường. Thư cật lực làm hết việc cơ quan đến việc nhà.

Chồng Thư là người gia trưởng, lại cộc cằn, chỉ cần nghe mẹ mình mách con dâu điều gì là đánh mắng vợ không thương tiếc. Có người hàng xóm thấy tội, khuyên Thư ly hôn, nhưng Thư bảo thương con, thương cha mẹ già ở quê, không muốn ông bà phải mất danh dự vì con gái.  

Bi kịch ở chỗ, khi một cô gái không có can đảm mơ ước hay tự đặt cho mình một mục đích sống thì cô ta sẽ cảm thấy an tâm đặt cọc đời mình với anh chàng nào đó để được làm vợ và sinh con.

Tuyết, 21 tuổi, thi đại học hai lần không đậu, kể trong nước mắt: "Tôi đã đi lại với anh ấy hai năm nay. Nhưng khi biết tôi có thai, anh ấy mắng nhiếc không tiếc lời, đổ hết lỗi cho tôi và bắt tôi phá thai". Khoan hãy nói về sự vô trách nhiệm của người đàn ông ấy, trước hết cô gái cần phải đối diện với chính mình. Bởi chính cô đã nghĩ rằng, nếu có thai, sẽ gây được áp lực khiến anh ta phải cưới.

Ngày nay, vẫn có những cô gái nghĩ rằng, hôn nhân là liều "thuốc tiên" giúp họ cảm thấy mình có giá trị và là một phụ nữ "thực sự". Niềm hy vọng đó thường dẫn đến những cuộc hôn nhân không đúng lúc, không đúng người và cũng không có kế hoạch gì cho việc làm mẹ. Chính vì thế, có những đứa con ra đời không phải vì cha mẹ nó muốn có nó và sẵn sàng chờ đón nó, mà chỉ vì mẹ nó cần  phải làm như thế để có được cuộc hôn nhân. Bi kịch của một số gia đình trẻ bắt đầu từ đấy.
 
Ngay từ bây giờ hãy tạo sự độc lập

Cô gái nào chẳng mơ ước một quan hệ bình đẳng trong tình yêu, trong cuộc sống vợ chồng, nhưng điều ấy không ở trên trời rơi xuống. Muốn được người bạn đời tôn trọng thì trước hết, ta không thể sống lệ thuộc vào họ. Có chị bị chồng buộc thôi việc, ở nhà nội trợ. Được ít lâu, chị cảm thấy quá buồn, muốn tiếp tục đi làm, nhưng anh chồng lại nói như ra lệnh: "Không phải làm gì cả, ở nhà trông con, cơm nước, lương của cô nuôi "Ô-sin" chẳng đủ. Sướng không biết hưởng!".

Lan Anh là một cô gái có nhan sắc, lấy chồng khi mới 23 tuổi, sau hơn ba năm nghỉ học, ở nhà chẳng biết làm gì. Công việc đòi hỏi chuyên môn thì cô lại không thể làm, lao động đơn giản, lương thấp lại không muốn. Cô nghĩ, bây giờ chỉ có "giải pháp" lấy chồng, một người chồng có khả năng nuôi được mình, sinh cho anh ta một vài đứa con là "ổn" nhất.

Nhưng Lan Anh đâu hiểu rằng, khi đến với hôn nhân trong tình trạng chính mình cũng chưa tự sống được thì làm sao nuôi được con, làm sao có thể đòi quyền bình đẳng với chồng? Nạn bạo hành trong gia đình cũng thường bắt đầu từ đấy. Có những người vợ bị chồng quát nạt như kẻ ăn người ở mà vẫn phải "nghiến răng chịu đựng". Bởi nếu cãi lại, anh ta sẽ quát to hơn: "Không chịu được thì kiếm chỗ nào cho khuất mắt tôi". Họ biết đi đâu, làm gì để sống, khi đã quen với việc bám vào người khác để tồn tại. Phải chăng, đó là những người sống thiếu tự trọng, coi hôn nhân là cứu cánh của cuộc đời?
 
Nhiều cô gái ngay cả khi đang yêu đã để người yêu coi thường mình. Có cô đến chỗ hẹn chậm mươi phút, người yêu đã không đợi mà sau đó còn mắng cô xa xả. Anh ta quên rằng, có lần anh để cô đứng đợi hàng nửa giờ ở ngoài đường mà không một lời thanh minh. Có cô phát hiện người yêu mình đồng thời cũng đang "yêu" một người khác, nhưng "giả đui giả điếc", vì nói ra là cãi nhau, là dọa cắt đứt! Đó là chưa kể, người yêu đòi hỏi quan hệ tình dục, nếu cô gái từ chối sẽ bị anh ta coi là "hâm" và cho "nghỉ khỏe". Thế là vì sợ bị chia tay, cô gái đã làm theo mọi đòi hỏi của người yêu như một con rối.

Không có gì hão huyền hơn khi chúng ta không tự trọng nhưng lại muốn được người khác tôn trọng. Có người bị chồng ức hiếp không dám làm gì để chống lại, ngoại trừ trông vào sự bênh vực của cha mẹ, anh em hoặc các cô bác trong tổ dân phố. Thử hỏi, khi chính họ sẵn sàng làm con giun con dế thì ai có thể giúp được họ?

Trong thực tế nhiều năm làm tư vấn hôn nhân, tôi rút ra được kết luận: dù có cung cấp cho một người vợ bị bạo hành bao nhiêu kiến thức về bình đẳng giới, hay giảng giải cho họ nghệ thuật sống bình đẳng để nuôi dưỡng tình yêu thì cũng bằng "nước đổ lá khoai", nếu lúc nào họ cũng sợ mất người mà họ phải lệ thuộc.

Trong bất cứ mối quan hệ nào mà một bên cảm thấy bên kia không thể sống nổi nếu thiếu mình, thì chắc chắn cán cân bình đẳng sẽ sụp đổ. Và khi chúng ta quen với việc để người khác đối xử không bình đẳng với mình thì dù mối quan hệ ấy vẫn tồn tại, nhưng hạnh phúc đã ra đi. Rốt cuộc, lòng tự trọng bị xói mòn, đến mức không còn biết thế nào là tự trọng nữa. Thậm chí có khi phải lựa chọn giữa nô lệ trong tình yêu hay tự do không tình yêu ?
 
Khẩu hiệu "phòng bệnh hơn chữa bệnh" là một chân lý. Bệnh thiếu tự trọng cũng thế. Nếu để nó trở nên trầm trọng thì việc chữa trị sẽ rất khó. Tốt nhất là nên có kế hoạch phòng chống ngay từ đầu. Khi trong giai đoạn yêu đương, tìm hiểu, nếu thấy có dấu hiệu bất bình đẳng, bạn phải tỏ thái độ không chấp nhận ngay. Trong hôn nhân cũng thế, một câu nói khiếm nhã cần phải được chỉnh sửa ngay lần đầu tiên. Nếu bạn cứ để tình trạng đó "tăng đô" từ mắng mỏ đến quát nạt, chửi mắng, rồi đánh đập mới gọi đến tư vấn thì bệnh đã quá nặng!
 
Theo Chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa
Báo Phụ nữ TPHCM
Chia sẻ