Bi kịch của những tình yêu ràng buộc bằng đám hỏi

Theo VnExpress,
Chia sẻ

Từ lúc nghe tin em gái chuẩn bị ăn hỏi, tâm trạng Hương (25 tuổi, Ninh Bình) rối bời như lửa đốt. Cô tìm mọi cách khuyên can nhưng em gái vẫn một mực muốn có ràng buộc bạn trai trước khi cậu ta đi du học.

Mạo hiểm ràng buộc tình yêu bằng đám hỏi

Nhà có 2 chị em. Trong đó, Hương đang làm tại một công ty trên địa bàn thành phố Ninh Bình, còn em gái Hương tháng 6 này sẽ tốt nghiệp Học viện Ngân Hàng. Trong mắt Hương, em cô - tên Bích Thủy là một cô bé vô cùng xinh xắn, có nước da trắng mịn, hồng hào, suy nghĩ còn trẻ con.

Vào mùa hè năm ngoái, Thủy dẫn bạn trai về ra mắt gia đình, khiến không ít người ngã ngửa, không thể tin một cô bé ngây thơ như vậy đã có bạn trai. Cậu bạn trai tên Quang Anh, học cùng lớp, hai người bằng tuổi nhau. Sắp tới khi ra trường, bạn trai người Hà Nội của Thủy sẽ tiếp tục sang Anh học lên thêm 2 năm nữa. Hiện giờ cậu đang chờ hoàn tất những thủ tục cuối cùng. 

"Trong tháng 3 này cậu ấy sẽ bay. Trước khi đi nhà trai mong muốn được tổ chức đám ăn hỏi cho hai đứa. Hiện giờ, gia đình hai bên đang bàn bạc ngày giờ. Tôi thì phản đối chuyện này, khuyên can nhiều nhưng tình yêu làm em tôi mờ mắt. Nó bảo giờ có tổ chức cưới luôn nó cũng chịu" - Hương buồn bực.

Theo Hương, bạn trai Thủy được nuôi trong "lồng kính", là quý tử trong mắt bố mẹ, được chăm chút từng tí một. Khi yêu cậu này, người chị gái như Hương luôn sợ em mình sẽ bị thiệt thòi. Giờ mà tổ chức ăn hỏi rồi chờ 2 năm hoặc hơn, đến khi cậu kia trở về mới làm đám cưới thì người chịu thiệt chỉ có em cô.

"Hai đứa nó còn quá trẻ để hiểu chuyện. Trong 2 năm mọi thứ có thể xảy ra, không thể nói trước liệu chúng nó có yêu nhau mãi được không. Tôi đã bảo với em cứ xem đây như thời gian thử thách, sau đó mà vẫn đến được với nhau thì là chuyện đáng mừng. Vậy mà con bé không nghe, nó nghĩ đơn thuần ăn hỏi là như vợ chồng ăn đời ở kiếp với nhau không chia lìa được ấy" - Hương chán nản.

Đang có ý định làm lễ ăn hỏi trước khi người yêu đi du học 4 năm bên Trung Quốc, Hân (23 tuổi, Ba Vì, Hà Nội) không buồn bực khi ý định này vấp phải sự phản đối của bố mẹ cô.

Hân và bạn trai yêu nhau 4 năm. Cô đã ra trường, xin được làm kế toán trong một công ty người quen, mức lương ổn định. Còn bạn trai cô vừa xin được một suất đi du học Trung Quốc 4 năm, chuyên ngành lịch sử văn minh. Nhà trai muốn hai bên gia đình gặp gỡ, xin phép cho cô về làm dâu. Hân trao đổi ý kiến này với bố mẹ thì bị phản đối.

"Bố mẹ em bảo đàn ông đi ra, chuyện tình cảm thay đổi rất dễ xảy ra, lúc đó em sẽ mang tiếng đã một đời chồng. Dù em bảo không cho ăn hỏi thì cho làm lễ vấn danh, gặp mặt hai bên gia đình cũng được nhưng bố mẹ vẫn không nghe. Căn bản là bố mẹ không thích anh ấy, chỉ muốn anh ấy đi rồi giới thiệu người khác cho em", Hân bức xúc nói.

Hân chia sẻ, bố mẹ cô nói bây giờ cô còn trẻ, có thể tận dụng thời gian bạn trai đi vắng để học lên. Đợi 4 năm anh này về cưới cũng chưa muộn. Hân lại nghĩ cô với bạn trai đã yêu nhau lâu và tin tưởng cả đời chỉ yêu mình anh này nên lễ ăn hỏi sẽ khiến cô yên tâm hơn, tiếp tục chờ đợi.

"Giờ ăn hỏi trước, cũng có thể tranh thủ các kỳ nghỉ của anh ấy làm lễ cưới được mà. Khi có lễ ăn hỏi rồi, em cũng đường hoàng có thể quan tâm, châm sóc anh hơn. Bây giờ em cũng lớn tuổi rồi, nếu không có gì ràng buộc thế nhỡ 4 năm nữa không lấy được nhau làm sao mà em chịu được", Hân lộ vẻ lo lắng.

Ăn hỏi và trả lễ ăn hỏi, đó là việc Tuyết (24 tuổi, Nam Định) đã làm cách đây 2 năm và cô không hối hận về việc này. Hầu hết ai tiếp xúc với Tuyết đều nhận thấy cô tuy không xinh nhưng bù lại có duyên, cách nói chuyện vô cùng khôn khéo.

Tuyết học chuyên ngành tiếng Anh, Đại học Ngoại Thương. Tính đến nay ra trường đã gần 2 năm nhưng cô chưa có ý định xin việc ở một nơi ổn định. Thay vào đó, Tuyết như một cái máy kiếm tiền bằng việc "chạy sô" đi gia sư, dạy thêm ở trung tâm và làm phiên dịch cho các công ty. Mỗi tháng cô có thu nhập không dưới 15 triệu đồng.

Thông minh, năng động, nói chuyện có duyên, Tuyết luôn là tâm điểm mỗi nơi cô đến và rất dễ lấy được lòng người lớn. Chẳng vậy mà khi gặp Quân (26 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) cậu này đã chết mê, chết mệt. Hai người yêu nhau được một thời gian thì Quân có quyết định đi Nhật nâng cao tay nghề. Không do dự, bố mẹ Quân vượt cả trăm km về nhà Tuyết xin cưới.

Bi kịch của những tình yêu ràng buộc bằng đám hỏi 1

"Một chị bạn tôi quen đã cố gắng khuyên can tôi. Chị ấy cũng như tôi có bạn trai đi du học, dù nhà trai muốn ăn hỏi nhưng chị không đồng ý và chị thấy như thế là tốt. Tôi thì không cho là như vậy. Lúc đó tôi chỉ biết mình yêu anh, tôi lại là con bé nhà quê, nghèo nàn, trong khi điều kiện nhà anh rất tốt, bố mẹ anh lại quý mến tôi. Sau khi ăn hỏi, tôi sẽ sống ở nhà anh Quân, có gì phụng dưỡng bố mẹ anh", Tuyết cho biết.

Thế nhưng "thức lâu mới biết đêm dài", sống cùng bố mẹ chồng tương lai, Tuyết cảm thấy bức bối. Cái chân luôn muốn chạy của cô có cảm giác bị cuồng. Mọi hoạt động trong ngày của Tuyết luôn bị kiểm soát giờ giấc, thậm chí cả những cuộc điện thoại, đi chơi với bạn bè. Cuối cùng, Tuyết lại chuyển vào kí túc sống.

"Bố mẹ anh ấy vào tận kí túc hỏi các bạn là tôi đi đâu, về đâu, giờ giấc thế nào, đi với ai, hỏi thêm các mối quan hệ khác. Tôi bức bối, càng xa lánh anh hơn. Gặp được những người tốt hơn tôi mới thấy quyết định ngày xưa của mình thật dại dột. Tôi tự chuẩn bị đồ lễ, trả lại nhà anh. Anh Quân không một lời can ngăn, từ đó cũng không liên lạc với tôi nữa. Có lẽ giờ anh ấy cũng hết đợt đào tạo, đã về nước", Tuyết kể chuyện nhẹ tênh.

Có nên coi chạm ngõ là cái cớ để ràng buộc đối phương?

Theo chuyên gia tâm lý Văn Thanh Sỹ - Tổng đài 1088, trong nghi thức cưới hỏi của nước ta, không thể thiếu các lễ chạm ngõ, ăn hỏi và bước cuối cùng là đám cưới. Tùy vào mỗi địa phương mà các nghi lễ này được coi nặng, nhẹ, cũng có thể gộp chung.

Chạm ngõ là bước đầu tiên tiến tới hôn nhân, được xem như trai, gái đã có nơi, có trốn. Lễ ăn hỏi là một nấc cao hơn thường diễn ra gần lễ cưới, là lúc nhà gái nhận đồ lễ của nhà trai, cũng có thể xem như trai gái đã là vợ chồng và chỉ cần một lễ cưới chính thức để hoàn tất. 

"Khi một trong hai nghi lễ này diễn ra dễ làm nhiều người nghĩ mình đã là vợ chồng, có các quyền lợi và nghĩa vụ với đối phương và gia đình đối phương. Chuyện vượt giới hạn là điều khó tránh khỏi" - Chuyên gia tâm lý cho biết.

Tuy nhiên, theo chuyên gia đây chỉ là những phong tục, tập quán diễn ra trong nội bộ gia đình, nếu chưa đăng ký kết hôn sẽ không được pháp luật điều chỉnh. Chính vì vậy, chuyên gia khuyên không nên xem ăn hỏi, chạm ngõ như một cái cớ để ràng buộc đối phương.

"Lúc yêu nhau con người thường tin tưởng sẽ không bao giờ chia lìa nhưng lúc xa nhau, thời gian và không gian dễ làm phai nhạt tình cảm. Xa cách làm con người ta cô đơn, tính cách thay đổi. Chuyện trả trầu khoan chưa bàn đến, liệu bạn hoặc người kia có thể chịu được một người đã thay lòng đổi dạ, không còn giống buổi ban đầu. 

Hoặc khi dồn tâm huyết cho một người mà họ phụ bạc bạn, lúc đó cái đáng tiếc không phải là tấm thân mình mà cả đời sẽ bị ám ảnh vì tấm chân tình bao năm bị phụ bạc. Cho nên đừng nên vì một danh phận ảo, một lý do ràng buộc ảo mà bó buộc các bạn cả đời" - Chuyên gia phân tích.

Chuyên gia cũng khuyên: "Nếu chắc chắn muốn ràng buộc đối phương, để cả hai thấy trách nhiệm với nhau thì một tờ giấy hôn thú sẽ có sức nặng hơn nhiều".

Theo chuyên gia, hiện nay các văn nghệ sĩ, nhất là những cặp vợ Việt, chồng Tây thường chỉ làm một lễ ra mắt rồi về chung sống với nhau. Việc không đăng ký kết hôn, không ràng buộc nhau về pháp luật dẫn đến mối quan hệ cũng dễ dàng tan vỡ.


4 kiểu hôn nhân giúp bạn trói chàng
Bi kịch của những tình yêu ràng buộc bằng đám hỏi 2

Chia sẻ